19/01/2025 lúc 11:57 (GMT+7)
Breaking News

Tuyên bố và Chương trình hành động Viên về quyền con người

Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (tháng 6-1993) khẳng định tính phổ quát của nhân quyền, nhưng luôn tôn trọng tính đặc thù về dân tộc, khu vực.

Hiện nay, dựa vào những thành tựu hành động trong 30 năm qua, cần phải vượt qua những thách thức để tăng cường hợp tác và tôn trọng, hiểu biết sự khác biệt nhằm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia theo hướng ưu tiên thực thi các điều ước quốc tế và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách quốc gia nhằm tiếp tục thúc đẩy, bảo vệ quyền con người.

Ảnh minh họa - TL

1. Nội dung, ý nghĩa của Tuyên bố và Chương trình hành động Viên về quyền con người

Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (Vienna Declaration and Programme of Action -VDPA) được thông qua dựa trên sự đồng thuận của đại diện 171 quốc gia tại Hội nghị thế giới lần hai về nhân quyền ngày 25-6 -1993 tại Viên (Áo). Trong Lời mở đầu, Tuyên bố khẳng định: Việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người (hay nhân quyền) là một vấn đề ưu tiên đối với cộng đồng quốc tế; hội nghị này là cơ hội đặc biệt để tiến hành phân tích toàn diện cơ chế và bộ máy quốc tế bảo vệ quyền con người, nhằm nâng cao và thúc đẩy việc tuân thủ đầy đủ hơn các quyền một cách thực sự và tương xứng với tầm quan trọng của chúng. 

Thứ nhất, những nội dung cốt lõi của Tuyên bố

a) Tính phổ quát của nhân quyền, mặc dù phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực: Lời mở đầu nhấn mạnh rằng, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948), cần phải đạt được chuẩn mực chung đối với mọi dân tộc, mọi quốc gia và là cơ sở để Liên hợp quốc thúc đẩy việc xây dựng các quy chuẩn trong các văn kiện quốc tế về quyền con người, nhất là trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966). Trong khi phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, đều phải có nghĩa vụ thúc đẩy, bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người.

b) Nhân quyền không thể chia cắt, phụ thuộc, liên hệ lẫn nhau: Tuyên bố nhấn mạnh rằng tất cả các quyền con người là bình đẳng về tầm quan trọng và phải theo đuổi mục tiêu chấm dứt sự chia cắt định lượng giữa các quyền dân sự - chính trị và các quyền kinh tế - xã hội - văn hóa đã được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

c) Đói nghèo và quyền con người: Tuyên bố chỉ rõ mối liên hệ trực tiếp giữa đói nghèo và tôn trọng nhân quyền. Nạn nghèo đói cùng cực và việc bị gạt ra ngoài lề của xã hội cấu thành sự vi phạm nhân phẩm con người. Điều cốt yếu đối với các quốc gia là khuyến khích sự tham gia của những người nghèo nhất vào quá trình hoạch định chính sách ở cộng đồng nơi họ sống và nỗ lực đấu tranh chống nạn nghèo đói cùng cực.

d) Dân chủ, phát triển và nhân quyền: Phần I, Điều 8 Tuyên bố khẳng định dân chủ, sự phát triển và việc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người phụ thuộc lẫn nhau và bổ sung cho nhau. Dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng ý chí được bày tỏ một cách tự do của nhân dân khi lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cho nước mình, dựa trên sự tham gia đầy đủ của nhân dân vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

đ) Quyền phát triển: Các quốc gia cần hợp tác với nhau trong việc bảo đảm sự phát triển và xóa bỏ những trở ngại cho sự phát triển. Để bảo đảm sự tiến bộ bền vững đòi hỏi phải có những chính sách phát triển có hiệu quả ở cấp độ quốc gia, cũng như những quan hệ kinh tế công bằng và một môi trường kinh tế thuận lợi ở cấp độ quốc tế trong việc thực hiện quyền được phát triển.

e) Thách thức đối với nhân quyền: Đó là việc thải trái phép các chất độc hại, nguy hiểm và rác thải là mối đe dọa nghiêm trọng, tiềm tàng đối với quyền được sống và quyền về sức khỏe của tất cả mọi người; hay một số thành tựu khoa học, nhất là trong y sinh và nhân sinh cũng như trong công nghệ thông tin có thể gây tác động tiêu cực đối với tính chính trực, nhân phẩm, các quyền con người. Các hành động, biện pháp và âm mưu khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó, cũng như mối liên hệ của nó với hoạt động buôn lậu ma túy ở một số nước là nhằm phá hoại các quyền và tự do cơ bản của con người, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia, làm mất ổn định các chính phủ hợp pháp. Từ đó, Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tiến hành các bước cần thiết để tăng cường sự hợp tác nhằm ngăn chặn và chống các thách thức này.  

Thứ hai, về ý nghĩa của Tuyên bố

Việc thông qua Tuyên bố cho phép làm mới lại cam kết của cộng đồng quốc tế sau Chiến tranh Lạnh để thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người; vạch ra một tầm nhìn mới cho hành động toàn cầu ủng hộ nhân quyền trong thế kỷ tiếp theo. Qua đó, Tuyên bố cung cấp cho cộng đồng quốc tế một khuôn khổ lập kế hoạch, đối thoại và hợp tác mới toàn diện để thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người với sự tham gia của các bên liên quan ở tất cả các cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương. Tuyên bố là cơ sở để thành lập Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền theo Nghị quyết 48/121 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 12-1993).  

2. Ba mươi năm hành động vì quyền con người trên thế giới và ở Việt Nam

Dựa vào Tuyên bố, từ năm 1993 đến nay, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền đưa ra ý kiến độc lập và có thẩm quyền đối với các vấn đề về quyền con người trên thế giới; sẵn sàng can thiệp trong các tình huống khủng hoảng, hỗ trợ bảo vệ các quyền con người và giúp người dân tiến lại gần hơn với các quyền con người. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giám sát và đào tạo, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền phối hợp với các định chế quốc tế, khu vực và các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã góp phần tích cực vào các cải cách luật pháp và chính sách để thúc đẩy nhân quyền.

Các thành tựu cơ bản có thể kể, như: các quyền con người là thiết yếu để duy trì một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển; các tiêu chuẩn mới về quyền con người được dựa trên Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948) và việc áp dụng phổ quát các công cụ quốc tế về quyền con người đã được cải thiện đáng kể; các hình thức bảo vệ khác được luật quốc tế quy định hiện nay mở rộng ra đối với trẻ em, phụ nữ, nạn nhân bị tra tấn, người khuyết tật và các tổ chức khu vực. Trong trường hợp xảy ra vi phạm, các cá nhân có quyền khiếu nại đến các cơ quan được thành lập theo văn kiện quốc tế về nhân quyền; một khuôn khổ quốc tế được triển khai, như công nhận những khó khăn mà những người di cư và gia đình của họ, cũng như những người dân tại chỗ và dân tộc thiểu số phải đối mặt, đặc biệt là bảo đảm quyền không bị phân biệt đối xử;...

Với chủ trương sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển, Việt Nam đã tăng cường đối thoại, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, trên cơ sở bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết những đặc thù riêng của nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu mà Tuyên bố và Chương trình hành động Viên đề ra, trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Việt Nam liên tiếp trúng cử Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2001-2003 và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc các nhiệm kỳ 2014-2016, 2023-2025 với số phiếu cao chính là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu trong công cuộc đổi mới toàn diện nói chung, chính sách, nỗ lực và kết quả tích cực đạt được về nhân quyền, trong đó có việc thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Viên nói riêng.

Phương châm của Việt Nam trong 30 năm thực hiện Tuyên bố cũng như các điều ước quốc tế về nhân quyền là: “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”(1).

Với những đóng góp vào Tuyên bố và Chương trình hành động Viên cũng như các điều ước quốc tế về nhân quyền, nên mới đây, khi chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đã cho đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam thể hiện những nỗ lực cụ thể trong việc bảo vệ, thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người(2). Thông qua việc thực hiện Tuyên bố này và các điều ước quốc tế khác về nhân quyền, Việt Nam đã đúc kết một số kinh nghiệm về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người: 

Thứ nhất, tôn trọng, bảo vệ, thực hiện, thúc đẩy các định hướng chính của quyền con người. Đó là mối quan hệ đúng đắn giữa dân chủ, phát triển và nhân quyền, xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển bao trùm để không bỏ lại ai ở phía sau, theo phương châm: Tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp tác nhằm bảo đảm tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người.

Thứ hai, đa dạng hóa các cơ chế để bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền con người, nhất là quyền của các nhóm yếu thế, gồm: (a) Cơ chế mang tính nhà nước: nghị viện, hội đồng địa phương, các cơ quan hành pháp và tư pháp; (b) Cơ chế  mang tính xã hội: Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp,... (c) Cơ chế thông qua gia đình và các thiết chế tự quản (hương ước, luật tục,...) để bảo đảm nhân quyền trong đời sống hằng ngày;...

Thứ ba, đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và tôn trọng, hiểu biết những đặc thù riêng của nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Trong quá trình đó, cần tăng cường thực hiện phương thức trong đối thoại có đấu tranh để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng và những sự hiểu biết khác nhau giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong vấn đề dân chủ, nhân quyền; và ngăn chặn một cách hiệu quả các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước thành viên.

3. Tăng cường hợp tác và tôn trọng khác biệt để thúc đẩy quyền con người

Hiện nay, những thành tựu của cộng đồng quốc tế và Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Viên nói riêng và các điều ước quốc tế về nhân quyền nói chung, đang vấp phải những thách thức rất gay gắt như: chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước hay những hệ quả của đại dịch Covid -19, suy thoái kinh tế toàn cầu,...

Trước những thách thức trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại về tình trạng suy giảm của gắn kết và lòng tin xã hội; từ đó ông đề nghị cộng đồng quốc tế quan tâm hơn nữa đến bảo đảm quyền con người trong bối cảnh tác động của các vấn đề toàn cầu như di cư, biến đổi khí hậu, lạm dụng công nghệ, nạn tin giả,... Cao ủy Nhân quyền thì kêu gọi các nước giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác đa khu vực và đoàn kết để xử lý những thách thức hiện nay(3).

Để đẩy mạnh thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Viên cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người khác, Việt Nam đưa ra sáng kiến về việc Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị to lớn, bao trùm của các tuyên ngôn và tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại(4). Để thực thi sáng kiến này, Việt Nam đã và đang triển khai một số phương hướng sau:

Một là, tăng cường hợp tác quốc tế và ưu tiên thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người trong hệ thống pháp luật quốc gia

Từ kinh nghiệm của mình, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam thừa nhận quan điểm chung về quyền con người, được thể hiện trên hai vấn đề: Tầm quan trọng không gì thay thế của nhân quyền đối với mỗi người, mỗi quốc gia - dân tộc, cộng đồng quốc tế và những giá trị phổ quát của quyền con người. Chính vì thế, phải tăng cường hợp tác trong tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người để có thể kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo của mỗi quốc gia và khu vực. Trong hợp tác quốc tế về quyền con người, xu thế chung là vừa hợp tác, vừa đấu tranh, để gìn giữ quan hệ tương tác thường xuyên và lợi ích đan xen trong một thế giới ngày càng đa dạng; trong đó không một nước nào có quyền áp đặt cách tiếp cận quyền con người theo mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác.

Khi tham gia thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Viên cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam chủ động thực hiện những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của điều ước, kể cả cơ chế giám sát do điều ước quy định. Việt Nam hiện đã tham gia 08 công ước và 02 nghị định thư về quyền con người; đã và đang nội luật hóa nội dung của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập vào quá trình xây dựng, thực thi các văn bản pháp luật trong nước.

Để nội luật hóa, một mặt, phải tuân thủ, tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, thực hiện các cam kết quốc tế; mặt khác, cần xây dựng các quy phạm pháp luật bảo đảm quyền con người phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của đất nước. Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Khoản 1, Điều 6 quy định: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp(5). Qua đó cho thấy, Việt Nam luôn tôn trọng và dành vị trí ưu tiên của các điều ước quốc tế về quyền con người mà mình đã ký kết trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Hai là, tôn trọng, hiểu biết sự khác biệt của nhau và chia sẻ trong hợp tác vì quyền con người trên thế giới

Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa, dẫn đến cách tiếp cận về quyền con người ở mỗi quốc gia, khu vực có sự khác nhau, vì vậy, cần có sự tôn trọng, hiểu biết và chia sẻ trong hợp tác vì quyền con người trên thế giới. Chẳng hạn:

Các nước phương Tây, chủ yếu là nhóm G7 và các nước thuộc khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, đều thừa nhận tất cả các nhóm quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền các nhóm xã hội (quyền tập thể), nhưng họ thường theo đuổi việc chia cắt các quyền dân sự, chính trị với các nhóm quyền khác. Đối với Việt Nam và các nước đang phát triển khác, quan điểm nhất quán là tiếp cận một cách toàn diện, bình đẳng tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tập thể trong một tổng thể hài hòa không xem nhẹ hay đề cao bất cứ quyền nào, đúng như sự nhấn mạnh của Tuyên bố và Chương trình hành động Viên về tính bình đẳng, không thể chia cắt, phụ thuộc, liên hệ lẫn nhau của tất cả các quyền con người.

Đối với quyền dân tộc tự quyết, các nước đều thừa nhận nội dung đã quy định trong Điều 1 của hai Công ước về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966. Việt Nam chủ trương bảo vệ quyền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị thống nhất với bảo đảm quyền của tất cả người dân và của các nhóm (cộng đồng) xã hội; trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo. Do đó, không thể tách rời việc bảo đảm quyền của người dân và của các cộng đồng xã hội với quyền dân tộc tự quyết, hay ngược lại.

Về quan hệ giữa tự do cá nhân với việc bảo vệ cộng đồng, các nước phương Tây cho rằng, trong vấn đề quyền con người thì chủ quyền quốc gia là một chủ quyền hạn chế; thậm chí có quan điểm tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân đến mức cao hơn hoặc đối lập với quyền của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Về vấn đề này, Việt Nam chủ trương, quyền gắn liền với nghĩa vụ; quyền và nghĩa vụ cá nhân phải gắn liền và nằm trong quyền, nghĩa vụ của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa quyền cá nhân với quyền của cộng đồng, quốc gia - dân tộc thì quyền của cộng đồng, quốc gia - dân tộc được đề cao hơn.

Về tôn trọng, chia sẻ hiểu biết và cả bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể ký kết các Điều ước quốc tế về quyền con người: Chẳng hạn đối với Việt Nam, trong nhiều năm qua, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, các thế lực cực đoan trong chính giới ở một số nước ở phương Tây, các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài... thông qua việc ra bản báo cáo phúc trình hằng năm về nhân quyền, thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam. Trong trường hợp có sự phản biện, phê phán như vậy, cơ quan giám sát của các điều ước quốc tế cần có sự tôn trọng, chia sẻ hiểu biết và cả bảo vệ một cách khách quan quyền, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên với tư cách là chủ thể ký kết các điều ước này. 

Ba là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách quốc gia nhằm thúc đẩy, bảo vệ quyền con người

Thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách quốc gia liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các quyền như: quyền thoát nghèo; quyền về sinh kế, việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa, trước hết là của các nhóm yếu thế trong xã hội.

Khuyến khích đa dạng hóa nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quyền con người cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về những thành tựu trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên các diễn đàn quốc tế.

Chủ động hợp tác quốc tế nhằm thực hiện các chính sách, pháp luật về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để nâng cao sự hiểu biết, đồng thuận, từng bước thu hẹp bất đồng và sự khác biệt giữa Việt Nam với các đối tác trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ quan điểm, lập trường, pháp luật, lợi ích quốc gia - dân tộc về quyền con người của Việt Nam.

Phối hợp với các nước thành viên, tiếp tục thực hiện hiệu quả việc lồng ghép giới trong chiến lược về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, phù hợp với mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong khuôn khổ “Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” theo Quyết định số 888/2022/QĐ-TTg, ngày 25-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các phương hướng cụ thể gồm:

(1) Vận dụng cơ sở pháp lý quốc tế về quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu được thể chế trong Hiến pháp năm 2013 là tối thượng; trong văn bản pháp luật nếu chưa có quy định hoặc quy định chưa phù hợp với pháp luật quốc tế thì ưu tiên bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật quốc tế.

(2) Xác định nội dung vận dụng cơ sở pháp lý quốc tế và thực hiện hợp tác với các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền về quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm: (a) Tăng cường nhận thức của các chủ thể có trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ; (b) Xây dựng, thực hiện thể chế trên cơ sở cách tiếp cận giới; (c) Bảo đảm nguồn lực thích đáng; (d) Bảo đảm môi trường chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa có tính đổi mới và cầu thị.

(3) Thực hiện việc thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua: (a) Đẩy mạnh chuyển đổi các chuẩn mực văn hóa - xã hội truyền thống sang hướng bình đẳng giới và bao trùm, chẳng hạn tuyên truyền  và thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương. (b) Quyền tham chính bình đẳng của nữ giới cần được đưa vào tất cả các lĩnh vực, giai đoạn của chính sách cùng với việc xúc tiến xây dựng đạo luật thúc đẩy biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu về giới và sức khỏe. (c) Xây dựng, thực hiện cơ chế giải trình để bảo đảm thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy thực hiện đại diện của phụ nữ trong công tác lãnh đạo và quản lý; có giải pháp đột phá khi hoạt động của cơ chế này chưa hiệu quả. (d) Cần xem xét một cách nghiêm túc các chính sách, biện pháp thực hiện trên thực tế đối với Luật Bình đẳng giới, đặc biệt là về đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng lý luận chính trị, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ.

(4) Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các đối tác quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trước hết là các nước thành viên thuộc Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, về nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thúc đẩy, bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ khi ứng phó với biến đổi khí hậu.

_________________

(1) Tố Uyên - Văn Tuấn: Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, https://www.vietnamplus.vn/, ngày 27-2-2023.

(2) PV: Khởi động tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Việt Nam, https://www.xaydungdang.org.vn/, ngày 13-12-2022.

(3), (4) Hải Minh: Phương châm tham gia Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam, https://baochinhphu.vn/,

ngày 27-2-2023.

(5) Xem: Luật Điều ước quốc tế năm 2016, https://thuvienphapluat.vn/

PGS, TS NGUYỄN THANH TUẤN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS TRỊNH THÚY LIỄU

Trường Chính trị tỉnh Cà Mau

...