Xác định phát triển kinh tế địa phương là nhiệm vụ trọng tâm trong 14 năm hình thành và phát triển, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, sự đoàn kết, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tuy Đức đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành quả cao trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.
Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) được thành lập theo Nghị định 142/2006/NĐ-CP, ngày 22/11/2006 của Chính phủ với 6 đơn vị hành chính trực thuộc. Là huyện biên giới cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 60km, có quốc lộ 14c, Tỉnh lộ 686, 681 chạy qua, có cửa khẩu Buk Prăng và đường biên giới dài hơn 44km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia…
Là huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, được thành lập sau so với các huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông, xuất phát điểm thấp, kinh tế chưa phát triển, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và nhân dân sở tại, sau 14 năm thành lập huyện nghèo vùng biên giới Tuy Đức đã có sự thay đổi vượt bậc, ngày một phát triển. Đời sống nhân dân dần được ổn định, nhiều hộ dân thoát nghèo, cơ sở hạ tầng, giao thông ngày một khang trang và hoàn thiện, y tế, giáo dục được quan tâm chú trọng, công nông nghiệp ngày một phát triển theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hoá.
Nhìn lại thành quả nhiệm kỳ 2016-2020
Trụ sở UBND huyện Tuy Đức.
Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội của huyện Tuy Đức trong 5 năm qua, giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng trong điều kiện chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, nhiều chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và nhà nước được ban hành tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, kết hợp với tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng…
Trong 5 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ huyện, HĐND huyện, nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân huyện Tuy Đức, nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng nhanh, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân đạt 10,86%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp – thuỷ sản nghiệp chiếm 82,58%, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 7,15%, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 10,27%. Đến nay, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp – thuỷ sản nghiệp giảm còn 74,16%, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng tăng lên 8,72%, tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên 17,12%.
Trong sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt giữ vai trò chủ đạo, đến năm 2020, giá trị ngành trồng trọt chiếm 91,5%, ngành chăn nuôi chiếm 4,8%, dịch vụ nông nghiệp chiếm 3,7%; chăn nuôi, thủy sản phát triển theo hướng tập trung gắn với bảo vệ môi trường; Số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng đều qua các năm, giai đoạn 2016 – 2020, tổng đàn trâu, bò toàn huyện đạt 4.195 con, đàn heo 6.294 con, đàn dê 1.746 con, đàn gia cầm 240.350 con. Lĩnh vực công nghiệp phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá, số cơ sở sản xuất công nghiệp tăng dần, năm 2020 dự kiến 414 cơ sở tăng 201 cơ sở so với năm 2015. Tổng giá trị công nghiệp, theo giá hiện hành năm 2020 đạt 282,5 tỷ đồng (giá so sánh 198,6 tỷ đồng) tốc độ tăng bình quân 19%/năm.
Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30,83%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại chỗ 45,57% (năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống chỉ còn 22,03%, trong đó: tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS là 36,53, tỷ lệ hộ nghèo của ĐBDTTS tại chỗ 33,88%), đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người dân tộc thiểu số và người dân vùng khó khăn từng bước được cải thiện.
Lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn được đặc biệt quan tâm, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền với sự hưởng ứng tham gia của tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, do chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã gặp nhiều khó khăn, các tiêu chí còn lại cần nhiều vốn đầu tư, trong khi đó đời sống người dân trên địa bàn còn thấp; số hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (trên 45,57%) nên việc kêu gọi, huy động sức đóng góp của người dân cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Đến nay toàn huyện đạt bình quân đạt 11,2 tiêu chí (Xã Quảng Tân hoàn thành 12/19 tiêu chí, Quảng Tâm 10/19 tiêu chí, Đăk Ngo 10/19 tiêu chí, Đăk Buk So 12/19 tiêu chí, Đăk R'tih 11/19 tiêu chí, Quảng Trực 12/19 tiêu chí).
Với cơ chế thu hút đầu tư thân thiện, thông thoáng và việc tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát triển đa dạng các loại hình kinh tế, dịch vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Trong năm 2020 sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng ước đạt 928,32 tỷ đồng, tăng 299,84 tỷ đồng so với năm (2015), tốc độ tăng bình quân 8,17%/năm.
Cơ sở hạ tầng ngày được hoàn thiện, khang trang...
Về công tác văn hoá – xã hội, ngành giáo dục được quan tâm chú trọng, đến nay, toàn huyện đã có 95% phòng học ở các bậc học được kiên cố hóa; trang thiết bị, đồ dùng học tập thường xuyên được đầu tư; chất lượng giáo dục được nâng lên. Mạng lưới y tế huyện và cơ sở được nâng cấp đảm bảo cơ bản đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 98,6% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Hạ tầng giao thông được phát triển rộng rãi, cứng hoá đường xã đạt 80%, tỷ lệ bon, buôn có từ 1-2km đường nhựa đạt 100% đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Các chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội, đạt hiệu quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng.
Đồng chí Phạm Ngọc Ẩn - Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức.
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, nhiệt huyết của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ huyện, sự đồng lòng đoàn kết của Nhân dân đã giúp Tuy Đức đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển kinh tế xã hội. Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 4, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát. Cụ thể, nâng cao sức lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; quyết tâm giữa nhiệm kỳ 2020-2025 đưa huyện Tuy Đức ra khỏi huyện nghèo của cả nước. Bên cạnh đó, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư cũng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, chú trọng việc thu hút đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, do vậy các doanh nghiệp có tiềm năng để phát triển. Và qua đây, tôi mong rằng các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, đầu tư về đây ngày càng nhiều để góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Đức lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát huy lợi thế, tiềm năng vốn có để phát triển kinh tế
Tuy Đức là vùng đất có những lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp điện gió, điện mặt trời và du lịch khi sở hữu diện tích đất canh tác lớn, chất đất và khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời được đánh giá cao về tiềm năng phát triển. Nền văn hoá các dân tộc rất đa dạng kết hợp với nhiều địa điểm có thể thu hút phát triển ngành du lịch trên địa bàn như khu du lịch sinh thái Đắk Glun, thác Đắk Búk So, hồ Doãn Văn…
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Tuy Đức tập trung đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, kêu gọi thu hút đầu tư các nhà máy chế biến các mặt hàng nông sản tạo tính cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo ổn định về giá cả cho người dân. Chú trọng phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là phát triển loại hình hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tiếp cận và tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Một số dự án trọng điểm liên quan đến nông nghiệp, hiện nay đang thu hút phát triển dự án quy hoạch vùng trồng rau, hoa chất lượng cao tại xã Đắk Búk So và xã Quảng Tâm; Dự án nông trường chuyên canh trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao T.vita Tuy Đức… Ngoài ra, chú trọng đầu tư phát triển ngành năng lượng, kêu gọi đầu tư Dự án điện năng lượng gió, điện mặt trời tại xã Quảng Trực, Búk So, Đắk R’Tih.
Thác Đắk Glun, một trong những địa điểm đẹp tại huyện Tuy Đức với tiềm năng phát triển du lịch.
Với những địa điểm thắng cảnh đẹp, văn hoá phong phú đa dạng, Tuy Đức đã và đang tận dụng những lợi thế vốn có của mình để tập trung đầu tư phát triển ngành thương mại, dịch vụ - du lịch. Tiếp tục phát triển du lịch sinh thái Đắk Glun và kêu gọi thu hút đầu tư cụm du lịch thác Đắk Búk So, cụm du lịch hồ Doãn Văn (Du lịch sinh thái cộng đồng, Hồ Doãn Văn, Hồ Đắk Blieng, làng văn hoá bon Bu Nơ). Bên cạnh chú trọng đầu tư phát triển các ngành tiềm năng, Tuy Đức cũng đang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cho kinh tế địa phương.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Đức đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa Tuy Đức phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, trọng tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ, khai thác tối đa và có hiệu quả nguồn lực, thu hút các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương cơ sở, đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, thoát nghèo, vươn lên trở thành huyện phát triển trung bình của tỉnh.