VNHN - Mỗi năm xuất khẩu, thu về lượng ngoại tệ cho Việt Nam tới 10,3 tỷ USD - vươn lên trở thành điểm sáng chói của cả ngành nông nghiệp, nhưng hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam lại đang đứng trước núi khó khăn rất lớn.
Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ông Hà Công Tuấn cho biết, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Đối với thị trường xuất khẩu, đến tháng 4 này, khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường lớn, Hoa Kỳ chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu gỗ đang gần như đóng băng; EU chiếm khoảng 39% cũng đã đóng băng, Nhật Bản chiếm 12%, Hàn Quốc 7% nhưng cũng chỉ còn những đơn hàng lác đác.
Trung Quốc chiếm 8% kim ngạch nhưng cũng chủ yếu là dăm gỗ (chiếm tỷ trọng tới 90%), và mức tiêu thụ chậm chạp do trong những tháng đầu năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giờ mới bắt đầu được phục hồi, nhưng cũng cần một thời gian nữa mới có thể bình thường. Rất tiếc thời gian gần đây, dịch Covid-19 ở Trung Quốc lại có tác động mạnh trở lại nên tình hình diễn biến khó lường. Đối với thị trường trong nước, hiện nay có hai sản phẩm chính, một là sản phẩm của các làng nghề truyền thống thì có đến 70-80% sản phẩm không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động sản xuất.
Thứ hai là sản phẩm chế biến cao cấp cho các công trình lớn (khách sạn, công sở) thì giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ. Về nguyên liệu để sản xuất, chúng ta nhập khẩu nguyên liệu gỗ khoảng 10 triệu m3 quy tròn thì trong quý 1, nguyên liệu gỗ, phụ kiện cũng giảm 70-80%, hiện các doanh nghiệp đang phải sản xuất chủ yếu từ nguồn dự trữ. Tình hình sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có thể nói là ngừng trệ, do không có đơn hàng nên các doanh nghiệp chế biến gỗ buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ, đã có nhiều doanh nghiệp cho nghỉ 40-80% số lao động (hoặc giãn thời gian làm việc).
Qua khảo sát bước đầu ở 130 doanh nghiệp, bình quân mỗi doanh nghiệp trong quý 1 thiệt hại 25 tỷ đồng. Tổng thiệt hại là 3.000 – 5.000 tỷ đồng. Người lao động không có thu nhập, đang tạm nghỉ việc, đối diện với thất nghiệp ở một bộ phận không nhỏ lao động. Doanh nghiệp cũng có áp lực trả nợ ngân hàng, xin giãn - hoãn thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội. “Chúng tôi mong muốn rằng khó khăn này sẽ kết thúc sớm, nhưng mỗi doanh nghiệp sẽ có bản lĩnh khác nhau để xử lý tình huống này” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ với báo giới về khó khăn chồng chất của ngành gỗ và lâm sản, kêu gọi doanh nghiệp đừng bi quan, hãy vượt qua khó khăn này. Ảnh: Internet
Trả lời câu hỏi Bộ NN-PTNT có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: Tôi muốn nói thêm, việc đánh giá khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ, chỉ có 7% vẫn hoạt động bình thường, còn lại trên 90% phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động. Sản xuất, tiêu thụ đình trệ, ảnh hưởng đến chuỗi, cả những người cung cấp nguyên phụ liệu, đặc biệt cả những người trồng rừng. Chúng tôi nắm tình hình một số địa phương, người trồng rừng đã kêu khó khăn vì gỗ không có người mua. Nếu chúng ta không duy trì được các đơn hàng quốc tế thì khả năng khôi phục sản xuất càng khó khăn hơn.
Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành đang theo dõi sát tình hình sản xuất, theo mục tiêu của Chính phủ là vừa chống dịch vừa đảm bảo duy trì sản xuất, chúng tôi đã làm việc với các hiệp hội, và đã kiến nghị Chính phủ với 2 giải pháp trước mắt. Theo đó, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vừa kịp thời vừa thể hiện quyết tâm cao khôi phục, hỗ trợ sản xuất, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ với ngành sản xuất; đã ban hành Nghị định 41 đồng ý cho kéo dài 5 tháng đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung về việc chậm nộp các loại thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân); chậm nộp 5 tháng với tiền thuê đất đợt 1. Riêng gói này, đã tạm đình hoãn 180.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã xem xét có nghị quyết hỗ trợ cơ sở sản xuất, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, với 62.000 tỷ đồng. Đây là những chính sách lần đầu tiên được áp dụng. Nhà nước đang phải dùng tích lũy từ trước đến nay để đầu tư cho duy trì sản xuất. Chúng tôi đã có văn bản gửi các hiệp hội, đề nghị các hiệp hội truyền đạt đến doanh nghiệp trước hết là doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo, cùng nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước hết là nhận thức, đánh giá tình hình không quá bi quan, bây giờ không phải là lúc doanh nghiệp nghĩ đến chuyện đóng cửa rồi phá sản mà phải có tư tưởng "tìm cơ trong nguy", ổn định duy trì phát triển trong tương lai.
Dù thị trường chủ chốt khó khăn thì tìm thị trường khác và thị trường nội địa. Hiện, hàng hóa phục vụ dân sinh, nếu phục vụ được sẽ đáp ứng phần nào duy trì sản xuất. Hiện đang thực hiện giãn cách xã hội, đương nhiên chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp khác làm được thì doanh nghiệp gỗ cũng phải làm được, chuyển sang bán hàng online, không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong bán hàng. Doanh nghiệp phải gắn bó với người lao động, không được để ai lại phía sau, phải đồng hành, thống nhất với họ.
Khi dịch khó khăn, vận động họ chia sẻ. Khi hết dịch, họ sẵn sàng trở lại làm việc. Bộ NN-PTNT cũng giao Tổng cục Lâm nghiệp làm việc với các hiệp hội, làng nghề, ngay sau khi nới lỏng giãn cách, hết dịch thì phải khôi phục sản xuất ngay, không được kéo dài. Các doanh nghiệp gỗ đều có quan hệ tín dụng, doanh nghiệp càng sản xuất lớn, dư nợ tín dụng càng cao. Trước khó khăn hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có gói tín dụng 285.000 tỷ đồng để xử lý giãn hoãn nợ cũ, áp dụng cơ chế cho vay có điều kiện đảm bảo nhẹ nhàng hơn, lãi suất thấp hơn 0,5% và 0,25% để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.