Hiện nay, thành phố có hơn 1,5 triệu học sinh phổ thông bước sang tuần học trực tuyến thứ ba của năm học 2021-2022 với nhiều thách thức. Cùng với việc huy động sự chung sức của toàn xã hội, những khó khăn đặt ra đang được ngành Giáo dục Thủ đô chủ động tháo gỡ bằng nhiều giải pháp với quyết tâm không để học sinh nào bị gián đoạn việc học tập.
Ảnh minh họa.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các trường đã tổ chức dạy học trực tuyến theo đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ học sinh học trực tuyến cao (tiểu học, trung học cơ sở đạt trên 99%, trung học phổ thông đạt gần 100%). Tuy nhiên, quá trình dạy học trực tuyến cũng đặt ra những khó khăn. Nhiều học sinh vẫn còn phải dùng chung thiết bị với bố, mẹ; còn trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường không đồng đều; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của một số giáo viên còn hạn chế… Với quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng duy trì dạy, học tốt, các trường đều chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp.
Và theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng: Hầu hết học sinh bắt nhịp nhanh với việc học tập. Nhằm hạn chế tình trạng nghẽn mạng, các trường đều linh hoạt trong việc xây dựng thời khóa biểu; trong đó, học sinh tiểu học thường học buổi chiều hoặc tối, còn học sinh trung học cơ sở học buổi sáng. Giáo viên căn cứ vào đối tượng học sinh để chủ động phân phối nội dung, thời lượng học.
Hiện nay, việc quan tâm, hỗ trợ, giảm áp lực về tài chính và chương trình học là giải pháp đang được ngành Giáo dục thực hiện. Ngày 10-9-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn dạy học với học sinh tiểu học theo hướng tinh giản, giảm các bài tập khó; riêng với học sinh lớp 1 và lớp 2, ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới và các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học của 10 môn đã được ban hành vào tháng 3-2020.
Theo thông tin từ Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, tính đến ngày 16-9, chương trình “Máy tính cho em” đã quyên góp được 6.100 thiết bị và đang được lan tỏa, hỗ trợ kịp thời cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cấp 40.000 tài khoản cho giáo viên để phục vụ dạy học trực tuyến miễn phí, không giới hạn; giới thiệu thêm một số phần mềm dạy học hữu ích để các nhà trường lựa chọn sử dụng cho phù hợp, hiệu quả.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường cho biết, phòng đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh việc xây dựng kho học liệu dùng chung để hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy học. Căn cứ thực tế, các trường rút ngắn thời gian tiết học trực tuyến, tăng thời gian nghỉ giữa hai tiết để không gây quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.
Và để có thêm kênh học tập cho học sinh, bảo đảm việc học của mọi học sinh không bị gián đoạn, Sở đang tham mưu với UBND thành phố tổ chức chương trình dạy học trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dạy, học để học sinh đạt được các yêu cầu theo quy định.