11/01/2025 lúc 02:33 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế

Bên cạnh phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ quốc tế là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Quan điểm mở cửa, hội nhập quốc tế đã sớm hình thành trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ quốc tế là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Do vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tranh thủ hợp tác đến mức cao nhất sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế nhằm đưa đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu vươn lên sánh vai cùng các nước trong khu vực và thế giới.

Mở cửa, hội nhập để phát triển

Trong quá trình đi tìm con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành suy nghĩ về vấn đề mở cửa, hội nhập.

Trên báo L’Humanite (ngày 2/8/1919), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "... Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường."

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác Hồ đã dành thời gian suy nghĩ đến việc mở rộng quan hệ quốc tế nhằm phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Việc đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ đến là cử cán bộ học tập khoa học-kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài...

Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ James Byres (1/11/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáng kiến xây dựng ngoại giao nhân dân, mở đầu cho quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ.

Bức thư có đoạn viết: “Thay mặt Hội Văn hoá Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự mong muốn của Hội là gửi sang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ một đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam nhằm một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá hữu nghị với thanh niên Mỹ, và mặt khác tiếp tục công việc học tập, nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.”

Song tư tưởng chiến lược kinh tế mở được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tập trung, đầy đủ và rõ ràng nhất trong bức thư "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" (tháng 12/1946), với những nội dung chính: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d. Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân."

Tu tuong Ho Chi Minh ve chinh sach doi ngoai va hoi nhap quoc te hinh anh 2

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đón Bác Hồ thăm hữu nghị Trung Quốc, ngày 25/6/1955. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các dân tộc phải mở cửa giao lưu, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi và phê phán tư tưởng biệt lập giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Khi trả lời nhà báo Mỹ Standley Harrison (tháng 3-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà."

Suốt quá trình cách mạng, với những quan điểm trên, đã thể hiện tư duy nhìn xa trông rộng của Bác Hồ.

Thời gian này, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cố gắng tìm cách mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới để vừa tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời, cũng để xây dựng mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đấu tranh thống nhất đất nước.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuỳ theo vị trí địa lý, quan hệ chính trị, lịch sử của từng nước để vạch ra đường lối, chính sách đối ngoại làm cơ sở cho việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế...

Với tư duy của một lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chính sách đối ngoại đúng đắn với các nước làm cơ sở cho việc hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay và sau này.

Thu hút ngoại lực để phát huy nội lực

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì theo đuổi chính sách mở cửa nhằm góp phần duy trì sự ổn định trong khu vực và trên thế giới để nhân dân ta được sống hòa bình, tự do.

Thông qua sự giao lưu, mở rộng quan hệ kinh tế để thu hút mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Quan điểm cơ bản của Người trong việc mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, mà thông qua sự giúp đỡ đó có điều kiện phát huy những tiềm năng của Việt Nam.

Đó là quan điểm thu hút ngoại lực để phát huy nội lực của Bác Hồ, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy vậy, hội nhập nhưng phải dựa vào sức mình là chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn.”

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc các nước bạn giúp đỡ nước ta là quan trọng, là tạo điều kiện để nước ta tự lực cánh sinh.

Đã nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Sự giúp đỡ của bạn là quý báu, chúng ta phải biết ơn sự giúp đỡ đó, nhưng chớ vì bạn giúp ta nhiều, mà trông chờ ỷ lại. Mỗi người Việt Nam cần phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta," "một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác đến giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập."

Tu tuong Ho Chi Minh ve chinh sach doi ngoai va hoi nhap quoc te hinh anh 3

Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô Kliment Voroshilov chủ trì Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức Liên Xô, tại sân bay Moskva, ngày 12/7/1955. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta, do vậy phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi dưỡng lực lượng, phát triển khả năng của ta, tức là có thêm điều kiện để tự lực cánh sinh.

Bởi vậy, Chính phủ phải có kế hoạch để sử dụng hợp lý sự giúp đỡ ấy. Cán bộ ta phải ra sức công tác, phải làm việc tốt với các chuyên gia bạn, học tập kinh nghiệm tiên tiến của các nước bạn, phải bảo quản và sử dụng tốt những máy móc và vật liệu các nước bạn đã giúp ta; phải nghiêm khắc chống bệnh quan liêu, lãng phí, tham ô.

Đồng thời, từng bước xây dựng được một đội ngũ cán bộ làm kinh tế đối ngoại có phẩm chất cách mạng, có trình độ chuyên môn giỏi, để dễ dàng hợp tác, học hỏi các nhà kinh doanh nước ngoài.

Hiện nay, trong quá trình đổi mới, Việt Nam đã xây dựng chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, bảo đảm những nguyên tắc trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho việc mở rộng kinh tế đối ngoại. Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia;” “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.”

Trong đường lối phát triển, chính sách đối ngoại của Việt Nam đảm bảo phải giữ vững chủ quyền đất nước, quyền độc lập, tự chủ, con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng với các dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở bảo đảm chủ quyền của đất nước, phải tích cực đất tranh góp phần giữ vững hoà bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới để tập trung nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế.

Đảm bảo cho Việt Nam hội nhập rộng rãi vào nền kinh tế thế giới toàn cầu; không ngừng nâng cao vị trí của Việt Nam trong khu vực và trong cộng đồng thế giới.

Tình hình hiện nay đòi hỏi hai mặt đối ngoại và kinh tế phải gắn chặt hơn. Những thắng lợi trong chính sách đối ngoại phải nhằm mở rộng quan hệ kinh tế, mang lại sự tăng trưởng bền vững cho đất nước.

Có thể nói, xây dựng một chính sách đối ngoại đúng đắn sẽ là tiền đề, là cơ sở cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế./.

... Theo TTXVN