Cùng với việc tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công cuộc đổi mới, Đảng luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Để đạt được điều này, công việc quan trọng hàng đầu cần đặc biệt coi trọng và thực hiện tốt là nghiên cứu, nhận thức sâu sắc, vận dụng sáng tạo những tư tưởng, quan điểm còn nguyên giá trị và có ý nghĩa lớn của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái của CB, ĐV, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền.
1. Tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên
a.Tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về đấu tranh chống lại những biểu những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên
Trong thế kỷ XIX, hoạt động của C.Mác, Ph.Ăngghen, tập trung vào xây dựng, hoàn chỉnh lý luận về Đảng Cộng sản (ĐCS) và xây dựng Đảng vững mạnh, lãnh đạo giành chính quyền; đồng thời, C.Mác, Ph.Ăngghen luôn coi trọng đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện suy thoái của CB, ĐV. Trong đó, tập trung vào đấu tranh với những biểu hiện giảm sút vai trò tiên phong, gương mẫu; giao động, giảm lòng tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng; vi phạm tiêu chuẩn, tư cách đảng viên và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; bè phái, vô chính phủ, … Có thể khái quát tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về vấn đề này, gồm:
Một là, C.Mác, Ph.Ăngghen chỉ ra và khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên cộng sản làm căn cứ, tiêu chí để nhận diện, đấu tranh với những CB, ĐV suy thoái
C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “... về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận cổ vũ tất cả những bộ phận khác; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản” (1). Như vậy, tiên phong về hành động và về lý luận là những đặc trưng cơ bản của đảng viên cộng sản, phân biệt sự nổi trội của đảng viên so với quần chúng. Những đảng viên có biểu hiện giảm sút vai trò tiên phong cần được Đảng giáo dục, giúp đỡ, nếu không tiến bộ buộc phải đưa ra khỏi Đảng.
Hai là, C.Mác, Ph.Ăngghen tập trung soạn thảo Điều lệ Đảng, cơ sở để xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ CB, ĐV của ĐCS có chất lượng, hoạt động đạt hiệu quả; là căn cứ để đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái thể hiện ở việc vi phạm Điều lệ Đảng.
Khi chuẩn bị thành lập ĐCS đầu tiên trên thế giới (năm 1847) - Liên Đoàn những người cộng sản - cùng với việc chuẩn bị soạn thảo Tuyên ngôn của ĐCS (Cương lĩnh chính trị của ĐCS) C.Mác, Ph.Ăngghen đặc biệt quan tâm soạn thảo Điều lệ Đảng. Điều lệ đã được thông qua tại Đại hội lần thư hai của ĐCS đầu tiên trên thế vào cuối năm 1847. Trong đó, một nội dung rất quan trọng là xác định tiêu chuẩn, tư cách đảng viên; làm căn cứ để xem xét kết nạp đảng viên; nâng cao chất lượng đảng viên; ngăn chặn những kẻ cơ hội tìm cách vào Đảng để phá hoại; đưa ra khỏi Đảng những CB, ĐV suy thoái, biến chất.
Ba là, C.Mác, Ph.Ăngghen đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với các phần tử suy thoái, cơ hội như Pruđông, Bacunin, Becstanh Cauxky với tư cách là những cán bộ của Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai.
C.Mác, Ph.Ăngghen đấu tranh liên tục, kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng với Pruđông, Bacunin, những kẻ suy thoái, cơ hội, tha hóa trong Quốc tế thứ nhất và đuổi bọn chúng ra khỏi tổ chức này. C.Mác, Ph.Ăngghen nhấn mạnh sự nguy hiểm của những phần tử cơ hội, suy thoái, bè phái khi chúng còn ở trong tổ chức của những người cộng sản. Bọn chúng sẽ phá hoại làm tan rã Đảng từ trong Đảng. C.Mác, Ph.Ăngghen viết: “Công khai bên ngoài Quốc tế, những con người đó không nguy hiểm … nhưng là những phần tử thù địch trong nội bộ Quốc tế, họ sẽ phá vỡ phong trào ở tất cả các nước mà họ đã có được mảnh đất đứng chân” (2).
Trong quá trình lãnh đạo Quốc tế thứ hai, Ph.Ăngghen đã đấu tranh quyết liệt đánh bại tư tưởng, quan điểm cơ hội của Becstanh Cauxky, những lãnh tụ cơ hội của Quốc tế thứ hai; gạt bỏ cản trở, dọn quang con đường xây dựng các ĐCS chân chính, không một chút lệ thuộc vào giai cấp tư sản; ngày càng vững mạnh tạo nên thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của ĐCS và phong trào công nhân nhân quốc tế trong thế kỷ XIX.
Bốn là, khi trở thành ĐCS cầm quyền, Đảng cần đặc biệt coi trọng và chủ động đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái của CB, ĐV, nhất là những cán bộ chính quyền.
Tuy chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu về ĐCS cầm quyền, song qua tổng kết Công xã Pari, C.Mác đã đưa ra những tư tưởng, quan điểm cơ bản, có giá trị lớn về ĐCS cầm quyền. Trong đó, C.Mác luận giải sâu sắc sự cần thiết phải đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái của CB, ĐV nhất là của cán bộ chính quyền; đưa ra những giải pháp chủ yếu nhằm ngăn chặn, loại trừ ngay từ khi có những biểu hiện, không để nó phát triển, đe dọa sự tồn tại, phát triển của ĐCS và của Nhà nước vô sản. Những giải pháp đó, gồm: chế độ ủy nhiệm cho những người do nhân dân bầu ra và có thể bị nhân dân bãi miễn bất cứ lúc nào; trả lương của cán bộ ngang bằng lương công nhân; chế độ ủy nhiệm tuyệt đối… Điều này, có tác dụng lớn phòng ngừa suy thoái của CB, ĐV, nhất là tệ chạy chọt chức vị và chạy chọt để thăng quan…
C.Mác viết: “Để tránh cái tình trạng không thể tránh khỏi ấy trong tất cả các nhà nước tồn tại từ trước đến nay - tức là tình trạng nhà nước và các cơ quan nhà nước nguyên lúc đầu là tôi tớ của xã hội, sau biến thành chủ nhân của xã hội - Công xã đã dùng hai biện pháp hết sức công hiệu. Thứ nhất là, Công xã đã ủy nhiệm tất cả những chức vị về hành chính, tư pháp, giáo dục cho những người được chọn ra bằng đầu phiếu phổ thông và đồng thời đã thi hành quyền bãi miễn những người được cử ấy bất cứ lúc nào, căn cứ vào quyết nghị của những cử tri đã bầu ra họ. Và thứ hai là, nó chỉ trả lương cho các nhân viên công vụ từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất, bằng số tiền lương ngang như tiền lương các công nhân khác. Nói chung, số lương cao nhất mà Công xã đã trả là 6000 phơ-răng. Như vậy là đã tạo ra được một trở ngại chắc chắc để phòng ngừa tình trạng chạy chọt chức vị và chủ nghĩa thăng quan phát tài, huống hồ ngoài ra Công xã còn thi hành chế độ ủy nhiệm tuyệt đối với các đại biểu được bầu vào các cơ quan đại biểu” (3).
b. Tư tưởng, quan điểm của V.I.Lênin về đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên
Một là, V.I.Lênin đã đấu tranh chống lại tư tưởng, quan điểm cơ hội về tổ chức của phái Mensêvích về tư cách đảng viên, nêu và luận giải sâu sắc tư cách đảng viên của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; đây là căn cứ, rào cản rất quan trọng để nhận diện, ngăn chặn sự suy thoái của đảng viên
Trong Đại hội lần thư hai Đảng Công nhân - Dân chủ xã hội Nga (1903), V.I.Lênin đại diện cho những người thuộc phái đa số (phái Bônsêvích, phái cách mạng) đấu tranh quyết liệt với tư tưởng, quan điển cơ hội về tổ chức của Mác tốp, đại diện cho phái thiểu số (phái Mensêvích, phái cơ hội) trong đoàn đại biểu của V.I.Lênin dự Đại hội về tư cách đảng viên. Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt trong Đại hội khi tranh luận và trả lời câu hỏi: ai có thể là đảng viên của Đảng Cộng sản? Được thể hiện trong tác phẩm “Một bước tiến hai bước lùi” của V.I. Lênin. Theo V.I. Lênin: “Là đảng viên của Đảng, người nào thừa nhận cương lĩnh của Đảng và ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất cũng như bằng cách tự mình tham gia một trong những tổ chức của Đảng” (4). Những đặc trưng này, có vai trò đặc biệt quan trọng để hình thành một Đảng tiên phong, chân chính; có kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh; đề cao tính tổ chức, kỷ luật của đảng viên, sự gắn bó chặt chẽ giữa đảng viên với tổ chức đảng; tổ chức đảng giúp đỡ đảng viên hoàn thành nhiệm vụ đảng viên; buộc đảng viên thực hiện nghị quyết của mình và kiểm tra, giám sát được mọi hoạt động của đảng viên; là ranh giới phân biệt rõ sự khác biệt giữa đảng viên với quần chúng; ngăn chặn kẻ cơ hội tìm cách chui vào Đảng để phá hoại Đảng.
Trong khi đó, Mác tốp cho rằng; “Được coi là đảng viên của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga; người nào thừa nhận cương lĩnh của Đảng và ủng hộ Đảng bằng những phương tiện vật chất và tự mình giúp đỡ Đảng một cách đều đặn dưới sự chỉ đạo của một trong những tổ chức của Đảng” (5). Những đặc trung này, nhất là đặc trưng thứ ba (đây là điểm khác biệt của Mác tốp với V.I. Lênin về tư cách đảng viên). Mác tốp không bắt buộc đảng viên phải tham gia vào một tổ chức đảng; tạo thuận lợi cho mọi người đều là đảng viên; đã hạ thấp sự giác ngộ và danh hiệu của người đảng viên cộng sản; lẫn lộn giữa đảng viên là người có tổ chức với quần chúng, là người không có tổ chức, đảng viên và người ngoài Đảng; giữa những người tiên tiến với những người lạc hậu… Sự khác nhau nêu trên phản ánh sự khác nhau giữa hai quan điểm: cách mạng và cơ hội về tổ chức. V.I. Lênin đã đấu tranh ngăn chặn sự tác động của tư tưởng, quan điểm cơ hộị phản động đến đội ngũ đảng viên (ĐNĐV) của mình, loại trừ những phần tử cơ hội chui vào Đảng, ngăn chặn sự suy thoái của đảng viên; hình thành Đảng kiểu mới. Trái lại, từ tư tưởng, quan điểm của Mác tốp đã hình thành một đảng cơ hội, phản động và dần dần bị tan rã, nhiều đảng viên trở thành những kẻ phản động cực kỳ nguy hiểm của cách mạng.
Hai là, trở thành Đảng cầm quyền lãnh đạo xây dựng CNXH, bảo vệ đất nước, V.I. Lênin luôn coi trọng bảo vệ sự trong sạch của ĐNĐV
Cùng với việc coi trọng xây dựng ĐNĐV vững mạnh, V.I.Lênin luôn coi nhiệm vụ bảo vệ sự trong sạch, kiên định, vững chắc của ĐNĐV là trọng yếu, thường xuyên. V.I.Lênin viết: “Nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ tính vững chắc, tính kiên định, tính trong sạch của Đảng. Chúng ta phải cố gắng làm cho danh hiệu và ý nghĩa của đảng viên ngày càng cao hơn lên mãi” (6) …
Ba là, V.I.Lênin đặc biệt coi trọng đấu tranh quyết liệt đuổi những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng bằng một cuộc thanh Đảng; coi trọng dựa chắc vào nhân dân để thanh đảng.
Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Đảng Cộng sản (b) Nga chưa thể bắt tay ngay vào lãnh đạo xây dựng CNXH và bảo vệ đất nước, mà phải tập trung vào việc lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc nội chiến do các nước đế quốc cấu kết với bọn phản động ở nước Nga gây nên. Đến cuối năm 1921 cuộc chiến tranh do Đảng lãnh đạo chống lại cuộc nội chiến gần thắng lợi hoàn toàn, Đảng chuẩn bị bước vào lãnh đạo xây dựng CNXH, V.I.Lênin đã soạn thảo và đề xuất thực hiện Chính sách Kinh tế mới (NEP) thay cho Chính sách Cộng sản thời chiến hiện hành, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng tình, ban hành Nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, Đảng phải trong sạch tột mức và thật sự vững mạnh. Song, trên thực tế, đáng lo ngại nhất là trong Đảng những đảng viên cơ hội, thoái hóa, biến chất chiếm tỷ lệ khá lớn, cản trở rất lớn việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này. V.I.Lênin đã đề xuất tiến hành cuộc thanh đảng, được Đảng đồng tình, ra nghị quyết và tổ chức thực hiện.
Cuộc thanh Đảng được thực hiện bằng các hình thức, như: đăng ký lại đảng; động viên ra mặt trận; tham gia lao động cộng sản chủ nghĩa… Đồng thời, sử dụng các biện pháp quyết liệt như: thanh trừ bằng khủng bố; xử lý ngay tại chỗ; hành hình ngay tức khắc… những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất nghiêm trọng, làm ô danh Đảng, gây bất bình trong nhân dân. Điều đáng chú ý là, trong quá trình tiến hành thanh đảng V.I. Lênin rất coi trọng dựa vào ý kiến của quần chúng lao động ngoài Đảng, nhất là việc chỉ ra những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất làm ô danh Đảng, thì ý kiến của nhân dân là đúng đắn, chính xác. V.I. Lênin viết: “… đối với việc đánh giá người, và gạt bỏ những kẻ “chui và đảng”, bọn “làm quan”, bọn đã bị “quan liêu hóa”, thì những lời chỉ dẫn của quần chúng vô sản ngoài đảng và trong nhiều trường hợp thì cả những lời chỉ dẫn của quần chúng nông dân ngoài đảng nữa, rất là quý báu” (7). V.I. Lênin và Đảng Cộng sản (b) Nga đã dựa chắc vào nhân dân để tiến hành cuộc thanh Đảng, đạt kết quả to lớn: “159.355 người bị khai trừ khỏi Đảng (chưa kể người bị ra khỏi Đảng ở tỉnh Brianxcơ, Axtơrakhan, Tuốckixtan), chiếm 24,1% tổng số đảng viên của Đảng” (8)… Nhờ đó, Đảng được xây dựng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, trước mắt là thực hiện thắng lợi Chính sách Kinh tế mới (NEP).
2. Ý nghĩa những tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên đối với Đảng ta hiện nay
Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng (XD, CĐĐ) ta đang tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ. Trong đó, chỉnh đốn, nâng cao chất lượng ĐNĐV theo nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ” là một bộ phận đặc biệt quan trọng. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết này, cần nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái của CB, ĐV. Tập trung và những vấn đề chủ yếu:
Một là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước đột phá về nhận thức trong đảng viên và trong nhân dân, nhất là trong đảng viên về danh hiệu đảng viên cộng sản trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Danh hiệu đảng viên cộng sản gắn bó mật thiết với tư cách đảng viên và là biểu hiện của tư cách đảng viên. Cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ giải pháp do Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (9); trong đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, vân dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về tư cách, danh hiệu đảng viên trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Bằng mọi biên pháp “xốc lại”, nâng cao danh hiệu đảng viên, khơi dậy, khích lệ niềm vinh dự, tự hào được là đảng viên của Đảng trong thời kỳ đổi mới, từ đó từng đảng “tự soi”, “tự sửa”, đề cao danh dự, lòng tự trọng của đảng viên” (10) theo tư cách, danh hiệu đảng viên. Đồng thời, các cấp ủy tập trung đẩy lùi và loại trừ tình trạng xem nhẹ, thậm chí “lãng quên” việc đề cao danh hiệu đảng viên đã, đang diễn ra ở không ít tổ chức đảng, đảng viên hiện nay. Thực hiện tốt những công việc này, là giải pháp đem lại hiệu quả cao loại trừ những suy thoái của đảng viên từ chính bản thân họ.
Hai là, tập trung cao độ đề cao và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, tăng cường kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về thực hiện công việc này.
Trong thời kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây, Đảng đã ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…”. Song, kết quả thực hiện Quy định, rất hạn chế; ở khá nhiều nơi cấp ủy chưa thực sự quan tâm tổ chức thực hiện, nhiều đảng viên chưa coi trọng thực hiện trách nhiệm này, đây là một yếu tố quan trọng của tình trạng một số cán bộ, đảng viên vi phạm Quy định, suy thoái, thoái hóa, chiến chất.
Cần quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin về tiêu chuẩn đảng viên; những điểm phân biệt giữa đảng viên với quần chúng, đó là sự tiên phong về nhận thức lý luận và về hành động thực tiễn; cấp ủy đề cao và tạo thuận lợi của cho đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu; duy trì thành nền nếp việc cấp ủy cấp trên kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới về thực hiện công việc này… Qua đó, loại trừ dần tình trạng ở nhiều nơi một bộ không nhỏ đảng viên về nhận thức lý luận và hành động thực tiễn không hơn gì quần chúng. Đây là biểu hiện của sự suy thoái đáng quan tâm.
Ba là, thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao sức chiến đấu của các chi bộ, tăng cường quản lý, giám sát của chi bộ, sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, công chức, viên chức và nhân dân ở đia phương đối với CB, ĐV, nhất là cán bộ chủ chốt, ngăn chặn suy thoái ngay từ chi bộ.
Trong những năm gần đây, một bộ phận CB, ĐV suy thoái, vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật bị xử lý; trong đó có khá nhiều nhiều cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, cán bộ cấp tướng, cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; ở không ít nơi, khi cán bộ chủ chốt, cán bộ diện cấp ủy cấp trên quản lý bị xử lý kỷ luật, khi đó chi ủy, cán bộ, đảng viên của chi bộ mới biết. Bên cạnh đó, là tình trạng khá nhiều suy thoái tiêu cực của cán bộ chủ chốt không phải do chi ủy, chi bộ phát hiện, mà do mất đoàn kết nội bộ; kèn cựa địa vị; mâu thuẫn “về lợi ích” tố cáo lẫn nhau; các cơ quan truyền thông đại chúng phát hiện…. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, kết luận và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, là sức chiến đấu của nhiều chi bộ, CB, ĐV rất hạn chế, yếu kém; công tác quản lý đảng viên, kiểm tra, giám sát bị xem nhẹ quá mức; vai trò của công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị và nhân dân ở địa phương bị xem nhẹ. Bởi vậy, để ngăn chặn những biểu hiện suy thoái của CB, ĐV, không để nó phát triển và trầm trọng, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nêu trên.
Bốn là, nghiên cứu vận dụng sáng tạo, hiệu quả cuộc thanh đảng do V.I.Lênin và ĐCS (b) Nga tiến hành trước đây ở nước Nga,
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta từ khi ra đời đến nay, Đảng đã lãnh đạo “nhân dân ta giành được hết thắng lợi này, đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX” (11)…Trong thời kỳ đổi mới Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn thách thức và “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (12). Mặc dù Đảng đã ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt kết quả một số nghị quyết về XD, CĐĐ, để Đảng trong sạch, vững mạnh tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công vuộc đổi mới. Song, việc thực hiện các nghị quyết này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII “còn không ít hạn chế, khuyết điểm” (13); một số CB, ĐV “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng lãng phí, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ… Một số cán bộ vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” (14). Đặc biệt, “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái” (15); “Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi;… vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (16).
Trước thực tế đó, có một số CB, ĐV và người dân đã đề nghị Đảng tiến hành cuộc thanh Đảng như ĐCS (b) Nga và V.I.Lênin đã thực hiện trước đây ở nước Nga. Đây là ý kiến có trách nhiệm, đáng hoan nghênh. Song, nếu so sánh cuộc vận động XD, CĐĐ ta hiện nay với cuộc thanh đảng do V.I.Lênin và ĐCS (b) Nga đã tiến hành trước đây, về bản chất là tương đồng, chỉ khác nhau ở mức độ, quy mô của hình thức và biện pháp. Cụ thể là, về hình thức: V.I. Lênin và ĐCS (b) đã sử dụng các hình thức, như đăng ký lại đảng; động viên ra mặt trận; tham gia lao động cộng sản chủ nghĩa… Trong cuộc vận động XD, CĐĐ ta, Đảng đã sử dụng các hình thức: phát thẻ đảng viên, kiểm tra thẻ đảng viên; đánh giá, phân loại tư cách đảng viên hằng năm; cử nhiều đảng viên tăng cường cho những địa bàn khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Về các biện pháp quyết liệt: V.I. Lênin và ĐCS (b) Nga đã dùng các biện pháp quyết liệt, như khủng bố; xử lý ngay tại chỗ; hành hình ngay tức khắc… Bởi vì, trong ĐCS (b) Nga khi đó, bọn cơ hội, phản động, thoái hóa, biến chất cũ cấu kết với bọn cơ hội phản động mới, lén lút chui vào đảng trong chiến tranh trở thành một lực lượng đáng kể chống phá đảng, đe dọa ngay tức khắc sự tồn tại của đảng và chế độ, trước hết, là thực hiện thắng lợi Chính sách Kinh tế mới (NEP). Trong Đảng ta hiện nay, tuy có một số vấn đề cấp bách phải giải quyết, trong đó có vấn đề đảng viên, song tuyệt đại đa số đảng viên tiên phong, gương mẫu, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tích cực, chủ động trong công cuộc đổi mới. Điều này, quyết định sự phát triển, ổn định của đất nước như ngày nay. Vì vậy, đối với Đảng ta hiện nay, chưa đến mức phải tiến hành một cuộc thanh đảng; chưa phải thực hiện những biện pháp quyết liệt như biện pháp V.I. Lênin và ĐCS (b) Nga đã thực hiện trước đây trong cuộc thanh đảng. Chỉ cần Đảng lãnh đạo, chỉ đao thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn những nhóm giải pháp do Đảng xác định, nhất là trong Nghị quyết Trung ương bốn khóa XII, nghi quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Đảng, thì chắc chắn chất lượng ĐNĐV sẽ đựơc nâng lên một bước mới, đáp ứng tốt yêu cầu công cuộc đổi mới./.
TS. Nguyễn Xuân Hưng
……………………………..
(1). C.Mác-Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1995, tr.614-615
(2). C.Mác-Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1995, tr.181
(3). C.Mác-Ph.Ăngghen: Tuyển tập, tập 1. Nxb Sự thật, Hà Nội - 1970, tr.583
(4); (5) V.I. Lênin, toàn tập, tập 8, Nxb Tiến Bộ Mátxcơva 1977, tr. 268
(6). V.I. Lênin, toàn tập, tập 7, Nxb Tiến Bộ Mátxcơva 1977, tr. 354
7) ; (8). V.I. Lênin, toàn tập, tập 44, Nxb Tiến Bộ Mátxcơva 1977, tr. 152; 666-667
(9); (11); (13); (15). ĐCS VN, Văn kiện Hội nghị lần thư tư; BCHTW, khóa XII, Văn phòng TW Đảng xuất bản, HN; 2016; tr. 36; 20; 21; 22
(10). ĐCS VN, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm; BCHTW, khóa XIII; uwsINxb CTQG Sự thật, HN; 2022; tr. 173;
(12). ĐCS VN, Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; tập I; Nxb CTQG sự thật; HN; 2021; 103-104).
(14).; (16). ĐCS VN, Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; tập II; Nxb CTQG sự thật; HN; 2021; 103-104); tr. 178-179; 213