06/10/2024 lúc 21:26 (GMT+7)
Breaking News

Tự hào mãi “chất người” Tôn Đức Thắng

“Bác Tôn, người thợ Ba Son/ Trọn đời vì nước, vì dân quên mình/ Tên người rực rỡ bình minh/ Biển đen bừng sáng, đượm tình năm châu…” - Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Người “truyền lửa” và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay về sự bất khuất, về sự kiên cường, về một tình yêu quê hương cao cả. Đất nước Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng luôn tự hào khi có Bác.

Tượng đài bất khuất

Chỉ cần search trên Google từ khóa “Bác Tôn” là hàng loạt dữ liệu hiện ra về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, về nhân cách đạo đức, về sự ngợi ca của người đời dành cho Người lãnh đạo được Nhân dân kính trọng gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi: “Bác Tôn”.

Sinh thời, Bác Hồ và Bác Tôn là hai đồng chí thân thiết. Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I (từ ngày 29-12-1956 đến 25-1-1957) – (Ảnh: TL)

Bác xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước tại Cù lao ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) - một miền quê giàu truyền thống cách mạng. Sau khi kế nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở thành Chủ tịch nước thứ hai và cũng là Chủ tịch nước cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Chủ tịch nước đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Không chỉ vậy, có nhiều chức danh “đầu tiên” được xứng danh Bác, cụ thể, Bác Tôn là Người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1958) nhân dịp tròn 70 tuổi - và vẫn còn vang mãi lời mộc mạc, chân chất nhưng thấm đậm nghĩa tình với Đảng, với dân tại buổi lễ vinh danh hôm ấy: “Trong buổi lễ vinh quang này, tôi đã nghĩ đến thời kỳ tôi còn ấu trĩ, nghĩ đến những lúc khó khăn hiểm nghèo, Đảng đã dìu dắt, giáo dục tôi, nhân dân đã rèn luyện và giúp đỡ tôi có ngày hôm nay”. Đồng thời, Bác cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin do Chính phủ Liên bang Xô viết trao tặng (1955). Trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Người, đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đã trao tặng Chủ tịch Tôn Đức Thắng Huân chương Sukhbaatar - huân chương cao quý nhất của Mông Cổ.

Bác Hồ kính yêu ca ngợi Bác Tôn là “gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.  Và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng. Tiếng thơm ấy của Người mãi vang vọng khắp Năm Châu.

Ngày nay, để nhớ công ơn Bác, người dân đã thành lập Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Tên gọi Tôn Đức Thắng cũng được đặt cho một giải thưởng cấp thành phố của Thành phố Hồ Chí Minh để tôn vinh những công nhân, kỹ sư có thành tích đặc biệt trong lao động và sản xuất. Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (20/8/1888 - 20/8/1988), Nhà nước Việt Nam đã cho thành lập một bảo tàng với tên gọi ban đầu là “Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng” tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được đổi tên thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng. Hiện nay, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng ở An Giang cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tên Người còn được đặt cho đường phố ở Hà Nội (nối Chu Văn An với Nguyễn Lương Bằng), Thành phố Hồ Chí Minh (nối Đinh Tiên Hoàng đến đoạn cắt Võ Văn Kiệt - Hàm Nghi), Hải Phòng (từ ngã tư Tô Hiệu và Trần Nguyên Hãn đến đường Hùng Vương), Đà Nẵng (nối Nguyễn Lương Bằng với Điện Biên Phủ), Đồng Hới (từ ngã tư Trần Hưng Đạo, Xuân Diệu và Hoàng Diệu đến đường Hà Huy Tập), Thành Phố Pleiku (nối Ngô Quyền và Phạm Hùng với Lê Đại Hành và QL14). Tại thành phố Long Xuyên, cái tên Tôn Đức Thắng được đặt cho con đường nối từ Tượng đài Bông lúa đến Trần Hưng Đạo.

Con dân Việt Nam lại tự hào hơn hết khi cái tên “Tôn Đức Thắng” còn được đặt tại một đường phố ở thành phố Odessa, Ukraine vì liên quan đến sự kiện phản chiến ở Hắc Hải. Đó là minh chứng điển hình của một dân tộc anh hùng đã được thế giới công nhận.

Sống mãi nhân cách - đạo đức - trí tuệ Bác Tôn

20/8/2023 là kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là sự kiện quan trọng không chỉ tỉnh An Giang hướng về, mà còn là ngày mà cả đất nước và dân tộc Việt Nam nhớ về Người. Cũng là dịp để cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, cống hiến của Chủ tịch Tôn Đức Thắng được “sống lại”, trường tồn cùng dân tộc Việt Nam thịnh vượng. Ở đó sáng rõ những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý.

Với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách, Người đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thuở còn sống, dù ở những cương vị nào, Bác vẫn hết lòng, hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân; vẫn giữ vững những đức tính vốn có của mình, làm nhiều nói ít, ghét sự sang trọng xa hoa. Người yêu lao động trí óc và lao động chân tay, lao động trở thành nhu cầu. Người tổ chức, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, luôn tuân thủ kỷ luật lao động và chế độ công tác. Luôn đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết.

Nhân cách - đạo đức - trí tuệ của Bác Tôn vẫn sống mãi trường tồn cùng dân tộc – (Ảnh: Internet)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ đâu, cương vị nào, vị lãnh đạo đáng quý ấy luôn thể hiện nhân cách của người Cộng sản chân chính, luôn khiêm tốn, giản dị, gần gũi, đoàn kết với mọi tầng lớp nhân dân, nhưng vẫn toát lên tinh thần bất khuất, kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời. Bác Tôn chính là niềm tự hào bất diệt của nhân dân Nam Bộ và của toàn dân tộc Việt Nam.

Ngày 30/03/1980, ngày Bác mất, cả đồng bào òa khóc. Chắc chắn một điều, Bác mất, nhưng nhân cách - đạo đức - trí tuệ của Người vẫn sống mãi trường tồn như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết trong bài “Bác Tôn - Nhà cách mạng bất tử”.

Bài học sâu sắc từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Bác Tôn

“Tôi về Mỹ Hòa Hưng như thăm nơi cắt rún/ Đêm mơ màng sông nước ánh trăng soi/ Chợt nghe ai gởi tình vào bài vọng cổ/ Câu ca tan vào da thịt bãi cồn/ Câu ca nhớ người cố xứ, Bác Tôn… Hạnh phúc con người trên đất Bác sinh/ Bài vọng cổ làm tôi bâng khuâng/ Trải lòng trên cù lao Ông Hổ!” (Đêm cù lao Ông Hổ nghe ca vọng cổ).

Đến cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) hôm nay thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một điểm đến văn hóa lịch sử giúp du khách hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn, cũng như vẻ đẹp vùng đất và con người xứ cù lao bình dị, hồn hậu, hào hiệp, mến khách. Và những ngày trong tháng 8, trong lòng người dân An Giang và cả nước lại dấy lên niềm tự hào khôn tả.

Quả thật, càng đi sâu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với Người. Những bài học sâu sắc từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng có thể được đúc kết lại, đó là cần phải học tập tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu - Người Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng nước nhà ngày càng phát triển. 

Trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, nhưng chắc chắn rằng, dù cuộc sống có đủ đầy và văn minh đến đâu, nhưng sự cống hiến của Bác Tôn cùng thế hệ cha anh đi trước sẽ mãi trường tồn như tượng đài bất diệt. Và đâu đó trên những trang lịch sử mới sẽ còn vang mãi lời thơ như nhắc nhở “Bác là người thợ trước sau vẹn nguyền/ Người sống mãi với nước non/ Trong lòng dân Việt sắc son ơn Người/ An Giang đất Mẹ đẹp tươi/ Tự hào có Bác, gương Người sáng soi!”./.

Hoàng Châu