19/12/2024 lúc 14:23 (GMT+7)
Breaking News

Tư duy chiến lược và tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 05-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương con người sâu sắc đã ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Sau 30 năm bôn ba, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giải phóng dân tộc Việt Nam (năm 1945), thống nhất đất nước (năm 1975), góp phần vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Qua đó thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh.

Tầm nhìn của Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở tư duy mẫn tiệp với trái tim yêu nước nồng cháy, được phát triển gắn với tư duy biện chứng duy vật, hòa với sự phát triển trong dòng chảy của tư duy, trí tuệ nhân loại. Tầm nhìn của Hồ Chí Minh được thể hiện trong những nhận định, tiên đoán về nhiều lĩnh vực, nhất là sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Thứ nhất, quyết định ra đi tìm đường cứu nước, khác với các chí sĩ yêu nước, thể hiện tầm nhìn sâu, rộng của Hồ Chí Minh

Sự thất bại của phong trào yêu nước Việt Nam trong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thể hiện cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy các con đường do những người đi trước lựa chọn đã không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành được độc lập, tự do là điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Với sự nhạy cảm đặc biệt, Người sang nước Pháp để đến tận nơi nước đang cai trị dân tộc mình, đến châu Âu, nơi có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào.

Thứ hai, Hồ Chí Minh thấy được tầm quan trọng chiến lược của đoàn kết quốc tế để giải phóng nhân loại

Trên hành trình tìm đường cứu nước, chứng kiến sự áp bức, nô dịch, đau khổ của nhân dân lao động, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kết luận: “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(1). “Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc đã tiến tới một trình độ hoàn bị gần như là khoa học. Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác. Sau hết, nó dựa vào những người vô sản ở các thuộc địa để thống trị những người vô sản da trắng”(2). “Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nữa”(3).

Mặt khác, Người cho rằng, “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”(4). Do vậy, phải gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với CNXH.

Vì vậy, Hồ Chí Minh đã nhận rõ một quốc gia, dân tộc muốn có sức mạnh phải thoát ra khỏi tình trạng biệt lập, phải mở cửa, tăng cường hợp tác với bên ngoài; tình trạng bế quan tỏa cảng chỉ làm đất nước suy yếu và đưa đến những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Năm 1924, trong thư gửi đồng chí Pêtơrốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản, Người viết: “nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU”(5). Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: “cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”(6).

Tư tưởng của Người thể hiện hai nội dung quan trọng: Một là, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, không chỉ thu hẹp ở phương Đông; Hai là, tinh thần đoàn kết không bị giới hạn bởi châu Á hay châu Âu, bởi da vàng hay da trắng như luận điệu tuyên truyền của thuyết Đại Đông Á thời đó. “Khi người An Nam hiểu ra rằng có mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và chế độ thực dân và sự đoàn kết giữa người bản xứ ở các thuộc địa với người vô sản ở chính quốc mà thắng lợi nhất định sẽ sớm diễn ra, biểu hiện là sự thành lập các xôviết, khi họ cảm thấy triển vọng đó tăng cường niềm hy vọng của họ và sự đoàn kết đó củng cố những yêu sách của họ”(7).

Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Khả năng khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương. Để một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương có cơ thắng lợi: 1. Phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong thành phố theo kiểu các cuộc cách mạng ở châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc, theo phương pháp của những nhà cách mạng trước đây. 2. Cuộc khởi nghĩa phải được nước Nga ủng hộ… 3. Cuộc khởi nghĩa phải trùng hợp với cách mạng vô sản ở Pháp. 4. Sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp của vô sản toàn thế giới; mỗi khi chủ nghĩa cộng sản giành được chút ít thắng lợi trong một nước nào đó, nhất là trong một quốc gia đế quốc chủ nghĩa (nước Đức chẳng hạn) thì đó càng là thắng lợi cả cho người An Nam”(8).

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, điều đó chứng minh rằng trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi trước hết là nông dân và đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân yêu nước trong mặt trận thống nhất, với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi(9)

Với tinh thần đoàn kết quốc tế sâu rộng, Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo quốc tế và trở thành một bộ phận của phong trào cách mạng quốc tế. Điều đó không chỉ bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần vào thực hiện những nhiệm vụ cách mạng quốc tế.

Thứ ba, Hồ Chí Minh nhận định sáng tạo về con đường cách mạng Việt Nam và các nước thuộc địa

Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng giải phóng có thể diễn ra và giành thắng lợi; CNXH cũng có thể thắng lợi ở các nước nghèo, thuộc địa. Trong bài Đông Dương, Người viết: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(10). Rằng, “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(11).

Tiếp thu tinh thần của V.I.Lênin trong Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa về việc sau khi hoàn thành nhiệm vụ dân tộc dân chủ có thể tiến thẳng lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN, Hồ Chí Minh khẳng định, ở mỗi nước, sự nghiệp cách mạng có thể không giống nhau. Người chỉ rõ: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta, v.v.. (12).

Người nêu khái quát những đặc điểm của dân chủ mới, đó là:

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân, nhân dân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Trên nền tảng công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với nhân dân, chuyên chính (trừng trị) bọn phản động.

- Về kinh tế, có năm loại: kinh tế quốc doanh, các hợp tác xã, kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ, tư bản của tư nhân, tư bản của Nhà nước. Trong năm loại ấy, kinh tế quốc doanh là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản.

- Tư tưởng của giai cấp công nhân (tư tưởng Mác - Lênin) là tư tưởng lãnh đạo.

- Đảng kiên quyết lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện dân chủ mới và tiến dần đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản).

- Trong nước thì nhân dân hăng hái kháng chiến, thi đua sản xuất; quyết tâm phấn đấu, quyết tâm tiến lên…

Sau ngày miền Bắc được giải phóng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(13). “Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”(14).

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sự thật là cuộc cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa lúc đầu và trước hết là một cuộc cách mạng nông dân. Cuộc cách mạng ấy không tách rời cuộc cách mạng chống phong kiến. Sự liên minh giữa quần chúng đông đảo nông dân và giai cấp công nhân làm cái nền tảng trên đó có thể thành lập một mặt trận dân tộc rộng rãi và vững chắc. Cho nên cải cách ruộng đất là một nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ”(15).

Từ thực tiễn Việt Nam, Người đã nhấn mạnh sự vận dụng quan điểm cách mạng không ngừng của Lênin và sự đóng góp của cách mạng Việt Nam đối với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào cách mạng thế giới: “Những kinh nghiệm của chúng tôi chứng tỏ rằng muốn đưa cuộc cách mạng dân chủ đến thắng lợi và mở ra những giai đoạn nối tiếp nhau cho sự phát triển của một nhà nước dân tộc dân chủ, giai cấp công nhân và đảng của nó phải lãnh đạo cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc bị áp bức và cuộc cách  mạng của giai cấp vô sản các nước đi áp bức phải ủng hộ lẫn nhau. Như Lênin đã dự kiến, ngày nay đã đến lúc mà các dân tộc ngửng cao đầu bước lên vũ đài quốc tế. Nhân dân Việt Nam, về phần mình, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ quang vinh của chủ nghĩa Mác - Lênin”(16).

Đó là những nhận định mang tính sáng tạo của Hồ Chí Minh. Những nhận định đó đã trở thành một trong những hạt nhân cốt lõi trong tư tưởng của Người, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh.

Thứ tư, Hồ Chí Minh có nhiều dự báo chính xác về cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới

Tháng 8-1914, khi đang ở nước Anh, trong Thư gửi cụ Phan Châu Trinh, Người đã dự báo về tình hình thế giới do tác động của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918): “Tiếng súng đang rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng, cháu đã nói với Bác về cơn giông sấm động. Số mệnh sẽ còn dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ thắng. Các nước trung lập còn đang lưỡng lự và các nước tham chiến không thể đoán biết được ý đồ của họ. Tình hình diễn ra là ai thò mũi vào thì chỉ có thể đứng về phe của địch thủ bên này hoặc địch thủ bên kia. Người Nhật Bản hình như có ý định nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong ba hoặc bốn tháng tình hình châu Á sẽ có chuyển biến và sẽ có nhiều chuyển biến”(17).

Năm 1924, trong bài Đông Dương và Thái Bình Dương, Người dự báo về nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới sẽ bùng nổ: “Hiện nay, tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ nhân công rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính người bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó. Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản đó”(18). “Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh”(19).

Thứ năm, Hồ Chí Minh dự báo về thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Việt Nam, giành độc lập và thống nhất đất nước

Trong bài viết Năm mới, công việc mới, đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 01-01-1942, trả lời câu hỏi: Năm nay tình hình thế giới và trong nước sẽ thế nào? Người đã đưa ra dự báo về thời cơ để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do”(20).

Cuối năm 1941, trong bài Lịch sử nước ta, do Việt Minh Tuyên truyền Bộ, xuất bản tháng 02-1942, Người đã dự đoán chính xác năm 1945 Việt Nam độc lập(21). Dự báo này dựa trên cơ sở hiểu biết sâu sắc của Hồ Chí Minh về xu hướng vận động của cách mạng thế giới. Đây là tư duy chiến lược của nhà cách mạng thực tiễn lỗi lạc.

Trong Thư chúc mừng năm mới, đăng trên Báo Nhân dân, số 5376, ngày 01-01-1969, Hồ Chí Minh viết: “Chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”(22). “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”(23). Đúng như niềm tin sắt đá của Người, Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ký ngày 27-01-1973 buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương rút quân khỏi nước ta. Nhưng với bản chất xâm lược, chúng tiếp tục tăng cường viện trợ cho ngụy quyền nhằm kéo dài chiến tranh theo kiểu “Việt Nam hóa”. Với ý đồ thâm độc, đế quốc Mỹ đã ráo riết thực hiện chủ trương “hiện đại và tinh nhuệ hóa” ngụy quân, tăng cường chi viện quân sự khối lượng lớn và xúi giục quân ngụy vi phạm Hiệp định Paris một cách trắng trợn, gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn trong thực thi Hiệp định và bảo toàn vùng giải phóng. Phải đến năm 1975, bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta mới đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Thứ sáu, Hồ Chí Minh tin vào tương lai tất thắng của cách mạng Việt Nam trên cơ sở tư duy chiến lược sâu sắc

Hồ Chí Minh đã 126 lần nhắc đến cụm từ “ta nhất định thắng” trong các bài nói, bài viết, thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước. Hồ Chí Minh có niềm tin mãnh liệt ở thắng lợi của cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Với sức mạnh đại đoàn kết vô địch, chúng ta nhất định thắng lợi!”(24). Với niềm tin vào sức mạnh của nhân dân đối với sự thành công của cách mạng, Người cổ vũ, động viên ý chí quyết tâm của nhân dân, để biến ý chí quyết tâm, lòng yêu nước thành hành động cách mạng. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”(25). “Vận mệnh nước ta ở trong tay ta. Chúng ta đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, thì chúng ta nhất định thắng lợi”(26).

Niềm tin của Hồ Chí Minh vào tương lai tất thắng của cách mạng Việt Nam dựa trên cơ sở của tư duy biện chứng duy vật. Tư duy biện chứng duy vật chỉ ra quy luật tất yếu của tự nhiên, xã hội, tư duy; khẳng định sự ra đời tất yếu của cái mới trên cơ sở phủ định biện chứng, kế thừa cái cũ; khẳng định vai trò của con người trong hoạt động thực tiễn cách mạng.

Thứ bảy, Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn thời đại khi nói về xu thế chung của cách mạng thế giới

Nguyễn Ái Quốc viết: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(27). Trên tinh thần ấy, trong Đường kách mệnh (xuất bản năm 1927) cũng như các văn kiện do Người khởi thảo và thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng năm 1930 đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(28). Những tư tưởng thể hiện tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn mới đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm và khẳng định. Tư tưởng của Người trực tiếp đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đến thắng lợi và góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của cách mạng thế giới.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_________________

(1), (2), (3), (4), (5), (7), (8), (10), (11), (17), (18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.287, 266, 267, 320, 284, 517, 520, 48, 40, 4, 263, 264.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.329.

(9), (13), (14), (23), (27), (28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.31-32, 411, 412, 667, 563, 30.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.293-294.

(15), (16), (22), (23), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.588-589, 589, 531, 531-532, 366.

(20), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.250-251, 267.

(25), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.29, 193.

...