19/04/2024 lúc 15:26 (GMT+7)
Breaking News

TTND.PGS.TS Đoàn Văn Đệ: Nơi đâu có ý chí, nơi đó có con đường

Đến thăm Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, tôi có duyên thực hiện một bút ký chân dung ý nghĩa về một người thầy thuốc quân y tận tâm, đáng kính, nhà khoa học nhiệt thành và cũng là một người thầy mẫu mực trong sự nghiệp đào tạo. Ông là Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đoàn Văn Đệ - Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, Chủ tịch hội thấp khớp học Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tim - Thận - Khớp - Nội tiết, Bệnh viện Quân y 103.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đoàn Văn Đệ - Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, Chủ tịch hội thấp khớp học Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tim - Thận - Khớp - Nội tiết, Bệnh viện Quân y 103, Bộ Quốc phòng.

Hướng đến năm 2024 là dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Học viện Quân y và 65 năm thành lập Bộ môn Tim – Thận – Khớp – Nội tiết, chúng tôi cùng TTND.PGS.TS Đoàn Văn Đệ đã nhìn lại một hành trình thầm lặng mà vẻ vang của một tập thể cán bộ thầy thuốc, y bác sỹ giàu nhiệt tâm với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chặng đường xây dựng và phát triển đầy vinh quang của Học viện Quân y với gần 75 năm và gần 65 năm thành lập Bộ môn đã qua. Từ mái trường giàu truyền thống lịch sử, cách mạng nơi đây, nhiều thầy thuốc, nhà giáo, cán bộ y bác sỹ nhiệt thành, tâm huyết đã cống hiến cho nền y tế nước nhà. Trong đó, TTND. PGS.TS Đoàn Văn Đệ là một trong những thầy thuốc, nhà giáo, nhà khoa học đã có nhiều cống hiến thật sâu đậm và rõ nét trong hành trình vinh quang ấy.

Gắn bó với mái trường Học viện Quân y từ tháng 8/ 1971 đến nay đã hơn 50 năm, miệt mài học tập, nghiên cứu và làm việc PGS.TS Đoàn Văn Đệ chính là người đã có những đóng góp đáng trân trọng, cống hiến cho sự trưởng thành của đơn vị. Với gần 70 năm tuổi đời cho đến khi có quyết định nghỉ hưu ông đã có thời gian gần 50 năm tuổi quân, hơn 40 năm liên tục công tác tại Bộ môn - Khoa Tim - Thận - Khớp - Nội tiết, tham gia giảng dậy, đào tạo bác sỹ quân y dài hạn, bác sỹ chuyên tu , bác sỹ dài hạn dân sự cho các đơn vị quân dân y và cả các khóa BSCK I, BSCK II, ThS, TS…. Đi đầu trong các loại hình đào tạo ấy, với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của mình, ông đã từ một giảng viên trở thành người cán bộ quản lý gương mẫu, nhiệt thành của Bộ môn - Khoa. Đến nay mặc dù đã được nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước, nhưng với nhiệt huyết của mình, ông vẫn dành nhiều tâm sức, trí lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, khoa học theo yêu cầu của công việc. Ở vào độ tuổi gần 70 như hôm nay, dường như trò chuyện cùng ông, tôi vẫn cảm nhận rõ ngọn lửa khát vọng cống hiến cho ngành y tế đất nước. Những năm qua, ông vẫn luôn miệt mài làm việc, nghiên cứu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cả về chuyên môn, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ông được nhiều đồng nghiệp, học trò mến trọng, nhiều người bệnh trân quý, tin yêu bởi phong thái ân cần, tận tâm và sự hết lòng, trách nhiệm trong công việc.

Chia sẻ thêm về hành trình xây dựng, phát triển của Bộ môn - Khoa Tim - Thận - Khớp - Nội tiết, ông cho tôi biết, hiện nay, với 4 chuyên ngành về Tim mạch học, Thận học, Nội tiết học và Thấp khớp học, từ năm 1996 - 2016, trong vòng 20 năm đảm nhiệm nhiều cương vị quản lý khác nhau của Bộ môn - Khoa, ông cảm thấy thật tự hào vì những thành quả đơn vị đã đạt được. Đến nay, từ Bộ môn Tim - Thận - Khớp -Nội tiết, năm 2018, Bộ môn đã chính thức tách ra thành các Trung tâm và các Bộ môn chuyên sâu là: Trung tâm và Bộ môn Tim mạch, Bộ môn Thận và Lọc máu, Bộ môn Khớp và Nội tiết. Và từ một khoalâmsàng Tim - Thận - Khớp - Nội tiết(A2), đến nay đã hình thành 6 khoa lâm sàng là khoa Nội Tim mạch, Khoa can thiệp tim mạch, khoa phẫu thuật tim mạch thuộc Trung tâm và Bộ môn Tim mạch. Khoa Thận – Lọc máu thuộc Bộ môn Thận – Lọc máu , Khoa Cơ xương khớp, Khoa Nội tiết thuộc Bộ môn Khớp Nội tiết. Một điều thật đặc biệt, hầu hết những cán bộ, giảng viên hiện là các nhà khoa học, nhà quản lý tại các khoa đều nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ của cá nhân ông trước đây. Những cán bộ quản lý ấy với nhiều người đã là các Phó GS, TS, ThS, BSCK II có một điểm chung, họ là những đồng nghiệp, nhưng cũng là những học trò của ông và dường như được lan tỏa từ ông một phong cách tận tâm, nhiệt huyết,trung thực, thẳng thắn trong công việc chuyên môn, nhiệm vụ đào tạo và NCKH cũng như điều trị cho bệnh nhân. Những nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ của ông cùng tập thể cán bộ y bác sỹ Bộ môn – Khoa Tim – Thận – Khớp – Nội tiết đã được ghi nhận đầy xứng đáng khi năm 2010, Bộ môn vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong thời kỳ Chống  Mỹ cứu nước. Với Bệnh viện 103, Bệnh viện đã 3 lần được trao tặng danh hiệu AHLLVTND. Trong niềm vui hân hoan, phấn khởi và thành tích vẻ vang ấy của Bệnh viện, không thể không kể đến những tâm huyết, đóng góp tuy thầm lặng mà đầy cao quý của vị thầy thuốc nhiệt thành - PGS.TS Đoàn Văn Đệ. Với tình hình khó khăn hiện nay của ngành y tế nước nhà và một số tiêu cực xảy ra không khỏi làm cho ông trăn trở về trách nhiệm cá nhân của mình cần làm gì để tiếp tục khơi dậy lòng tự hào, tự tin và tự trọng của các thầy thuốc trẻ trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Quân y nói riệng và ngành y tế nói chung.

Từng có dịp thực hiện nhiều bài viết về chân dung, gương sáng những thầy thuốc, bác sỹ tiêu biểu của ngành y tế, tôi được gặp gỡ, trò chuyện và được lắng nghe nhiều đồng nghiệp, nhiều học trò của ông tại các Bệnh viện lớn trên cả nước như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, Bệnh việnChợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất…kể về PGS.TS Đoàn Văn Đệ với niềm khâm phục và ngưỡng mộ lớn lao. Với họ, ông vừa là một thầy thuốc, vừa là một nhà giáo luôn nghiêm túc trong công việc, sống chân tình, thắng thắn và không ngại va chạm, đấu tranh với những tư tưởng tiêu cực. Quả thực, đến nay, nhiều bác sỹ tại các Khoa, Bộ môn, Học viện, các cơ quan đào tạo, quản lý đều luôn trân quý người thầy từng một thời dìu dắt, hướng dẫn và giúp đỡ họ có được những thành công như hôm nay.Những cán bộ do ông trực tiếp hướng dẫn đã có nhiều người đã trở thành những chuyên viên cao cấp, các nhà quản lý có uy tín của ngành trong đó có 1 Giáo sư, 4 Phó Giáo sư, nhiều TS, ThS…

Có lẽ, để có thể kể hết về ông thì đôi dòng ngắn ngủi nhằm phác họa chân dung, hình ảnh một người Thầy thuốc tâm huyết, nhiệt thành cũng chưa thật trọn vẹn và đầy đủ. Nhưng bài viết cũng xin là những lát cắt chân thực, bình dị và hội tụ những dấu ấn thầm lặng mà cao quý của ông –Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đoàn Văn Đệ trong hành trình xây dựng và trưởng thành đầy vẻ vang của Bộ môn Tim - Thận - Khớp - Nội tiết nói riêng, cũng như Bệnh viện Quân Y 103, Học viện Quân Y nói chung.

 

 

 

Tiến Đức