30/03/2025 lúc 22:33 (GMT+7)
Breaking News

Truyền thông quốc tế tăng cường xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia

Truyền thông quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia. Một chiến lược truyền thông hiệu quả sẽ góp phần giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối ngoại, thu hút đầu tư và tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đồng thời có thể nâng cao vị thế giới thiệu tiềm năng, thành tựu và bản sắc văn hóa ra thế giới.

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều cần chủ động tìm kiếm phương thức thu hút sự quan tâm của thế giới, khẳng định vị thế và giá trị của mình trong cộng đồng quốc tế. Việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh và vị thế trên trường quốc tế.

Đối với Việt Nam, quá trình hội nhập mang đến cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt trong chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước. Những chuyển biến tích cực về kinh tế, chính trị, xã hội trong những năm qua đã giúp Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong khu vực và thế giới. Để tiếp tục phát huy lợi thế, việc xây dựng một hình ảnh quốc gia tích cực, hấp dẫn và có sức lan tỏa là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao uy tín quốc gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Quảng bá hình ảnh quốc gia được thực hiện qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó, truyền thông quốc tế đóng vai trò chủ đạo. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, truyền thông quốc tế ngày càng mở rộng không gian tiếp cận, giúp hình ảnh đất nước được lan tỏa mạnh mẽ hơn đến công chúng toàn cầu. Thông qua các nền tảng truyền thông hiện đại như báo chí, truyền hình, mạng xã hội và các chiến dịch truyền thông số, Việt Nam có thể giới thiệu về văn hóa, lịch sử, con người, cũng như những thành tựu kinh tế - xã hội đến bạn bè quốc tế một cách nhanh chóng, trực quan và hiệu quả hơn. Công tác quảng bá hình ảnh quốc gia không chỉ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách, thúc đẩy ngành du lịch và gia tăng cơ hội hợp tác đầu tư.

Xây dựng nội dung quảng bá hình ảnh quốc gia

Quảng bá hình ảnh quốc gia cần phải có nội dung tuyên truyền hợp lý, được nghiên cứu và chắt lọc qua nhiều năm. Việc xây dựng hình ảnh đất nước một cách có hệ thống, khoa học, nhất quán có khả năng thu hút khán giả từ những ánh nhìn đầu tiên. Việc truyền thông xây dựng những khía cạnh để quảng bá cho một quốc gia cũng là trả lời cho câu hỏi điều gì khiến cho người ta thích thú về một đất nước, hay điều gì sẽ hấp dẫn, thu hút sự tò mò, muốn ghé thăm của người dân khắp mọi miền trên thế giới.

Truyền thông quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, và một trong những yếu tố then chốt chính là nhấn mạnh sự ổn định chính trị, an toàn và thân thiện của đất nước. Một quốc gia hòa bình luôn có sức hút mạnh mẽ, bởi lẽ không ai muốn đặt chân đến một nơi bất ổn, dù là để du lịch, làm việc hay đầu tư. Thực tế cho thấy, những khu vực xảy ra xung đột đều gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút du khách và đối tác quốc tế. Ngược lại, hình ảnh một đất nước an toàn, chào đón và giàu tiềm năng sẽ tạo dựng lòng tin và khơi gợi sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã làm rất tốt điều này, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch Covid-19. Khi du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, truyền thông đã đóng vai trò chủ đạo trong việc khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn. Những thông điệp tích cực về số ca nhiễm giảm, các biện pháp kiểm soát hiệu quả và sự mở cửa trở lại nhanh chóng của các địa điểm du lịch đã góp phần thúc đẩy du khách quay trở lại. Chính cách tiếp cận đúng thời điểm và chiến lược truyền thông phù hợp đã giúp ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, đồng thời tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.

Nội dung truyền thông quốc tế về Việt Nam không chỉ cần đảm bảo tính hấp dẫn mà còn phải kịp thời, phản ánh rõ nét chủ trương, chính sách của đất nước đối với các vấn đề quốc tế. Việc cập nhật thông tin về lập trường của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu, như kêu gọi chấm dứt chiến sự hay khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, không chỉ giúp thế giới hiểu rõ hơn về quan điểm của Việt Nam mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm, tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại giao nổi bật, từ những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam và nguyên thủ các nước đến sự hiện diện của Việt Nam tại các hội nghị quan trọng, đều cho thấy nỗ lực khẳng định vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế. Đây chính là yếu tố then chốt giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm từ dư luận, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư.

Bên cạnh yếu tố chính trị và kinh tế, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hình ảnh quốc gia, giúp Việt Nam tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng quốc tế. Truyền thông quốc tế về văn hóa không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các nét đặc trưng mà còn phải khơi gợi sự tò mò, thích thú, từ đó thúc đẩy mong muốn khám phá của bạn bè quốc tế.

Lĩnh vực văn hóa dễ tiếp cận và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất chính là ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam từ lâu đã được đánh giá cao bởi sự hài hòa trong hương vị, nguyên liệu tươi ngon và cách chế biến tinh tế. Những món ăn đặc trưng như phở, bánh mì đã không chỉ chinh phục thực khách mà còn trở thành biểu tượng trên bản đồ ẩm thực thế giới. Sự phổ biến của các món ăn này được minh chứng qua hàng loạt bài viết trên các tạp chí danh tiếng như CNN, The New York Times, Lonely Planet… hay sự xuất hiện trong các chương trình truyền hình ẩm thực nổi tiếng. Không chỉ dừng lại ở những món ăn quen thuộc, truyền thông có thể khai thác thêm nhiều đặc sản vùng miền như bún bò Huế, bún chả Hà Nội, bánh xèo miền Tây hay cao lầu Hội An. Các lễ hội ẩm thực quốc tế, sự kiện quảng bá món ăn Việt tại nước ngoài hay sự xuất hiện của đầu bếp Việt Nam trên các chương trình truyền hình thế giới sẽ là những hướng đi chiến lược để nâng tầm vị thế ẩm thực nước nhà. Nghệ thuật truyền thống cũng là một mảng văn hóa cần được truyền thông quốc tế đẩy mạnh. Việt Nam sở hữu kho tàng nghệ thuật dân gian phong phú, từ các loại hình sân khấu như chèo, tuồng, cải lương, đến những di sản phi vật thể được UNESCO công nhận như cồng chiêng Tây Nguyên hay dân ca quan họ Bắc Ninh. Để tiếp cận công chúng quốc tế, cần có những cách truyền tải sáng tạo và phù hợp với thị hiếu đương đại. MV Bắc Bling của ca sĩ Hòa Minzy, khi kết hợp nhạc điện tử hiện đại với chất liệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Chỉ sau vài ngày ra mắt, MV này đã lọt top 20 thịnh hành YouTube toàn cầu và đứng đầu bảng xếp hạng thịnh hành tại Việt Nam, cho thấy sức hút của việc hiện đại hóa các giá trị truyền thống. Cho thấy nếu biết cách khai thác, nghệ thuật dân gian Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận rộng rãi đến công chúng thế giới.

Lịch sử hào hùng với những cuộc đấu tranh giành độc lập, sự kiên cường và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng lớn. Nhiều bộ phim tài liệu, sách báo quốc tế đã ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của người Việt, nhưng bên cạnh đó, truyền thông cũng cần nhấn mạnh vào sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong thời bình – một Việt Nam năng động, phát triển và hội nhập. Hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách cũng là một yếu tố quan trọng giúp tạo thiện cảm với bạn bè quốc tế. Những chiến dịch truyền thông về nụ cười Việt Nam, sự cởi mở của người dân hay các phong tục tập quán giàu tính nhân văn sẽ giúp công chúng thế giới hiểu rõ hơn về đất nước và con người nơi đây.

Những danh thắng nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, Tràng An cho đến các di tích lịch sử như Cố đô Huế hay đảo Cô Tô, tất cả đều góp phần tạo nên sức hút đặc biệt của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Việc truyền tải những thước phim đẹp, những bài viết hấp dẫn về vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam sẽ không chỉ giúp quảng bá hình ảnh đất nước mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch và nâng cao vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXfBAdueZc2AHqPQhT795PDjAbFV77rZ96mjFgR-tQlaxWHgfe3MpQ-SvaIhpbsy4qtmVl4OrLhXQdHCczpVqYNX4vWkOx_maHQKUcLBeLRBfu2ktCMOOxi2qC0iTvWvGQrn1uunWA?key=Y3Cg9rkMc7VAtURmuwNIlw6_

Tổng hợp một vài danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam

Tối ưu hóa hoạt động truyền thông quốc tế quảng bá hình ảnh đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số

Lĩnh vực truyền thông trên thế giới đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, với sự ra đời của hàng loạt các nền tảng nội dung số, mạng xã hội xuyên biên giới, tích hợp đa phương tiện, đa dịch vụ, đa ứng dụng. Bởi vậy, để công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới đạt hiệu quả tốt, phù hợp với xu hướng hiện nay thì giải pháp tối ưu là chuyển đổi số các hoạt động này một cách thiết thực, hiệu quả. Chuyển đổi số trong công tác truyền thông quảng bá hình ảnh, thương hiệu đất nước ra thế trường quốc tế là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tại Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng “Đề án phát triển 1 cổng/trang thông tin điện tử đối ngoại quốc gia trở thành nền tảng quảng bá hình ảnh quốc gia”.

Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt giữa các quốc gia và các nền tảng xuyên biên giới, trong khi đó lĩnh vực truyền thông số của Việt Nam hiện đang diễn ra chậm và còn nhiều khó khăn, thách thức. Các phương tiện truyền thông số, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội của nước nhà vẫn còn kém cạnh tranh so với các nước phát triển trên thế giới, độ bao phủ quốc tế trong những năm qua dù đã có nhiều bước tiến nhưng vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, thế giới đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các nền tảng tin tức trực, cùng với sự thống trị của các nền tảng mạng xã hội cung cấp nội dung số như Facebook, YouTube, TikTok. Những không gian này có khả năng lan truyền thông tin mạnh mẽ, kết nối công chúng toàn cầu, tạo ra sự tương tác hai chiều nhanh chóng và trở thành phương tiện quan trọng để Việt Nam khai thác nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông quốc tế. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các công cụ AI và trợ lý ảo đang được nhiều quốc gia tận dụng để tối ưu hóa sản xuất nội dung, nâng cao chất lượng truyền thông.

Việc xây dựng một trang tin tức trực tuyến đại diện cho truyền thông đối ngoại của Việt Nam, cung cấp thông tin quốc tế đa ngôn ngữ, kịp thời và chính xác là điều vô cùng cần thiết. Cần nắm bắt xu hướng tiêu thụ nội dung hiện nay, khi công chúng có xu hướng ưa chuộng thông tin ngắn gọn, trực quan. Sự thành công của các định dạng video ngắn như Reels hay Shorts là minh chứng rõ nét cho điều này. Nội dung truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia cũng cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, cô đọng và hấp dẫn hơn để thu hút sự quan tâm của khán giả quốc tế.

Ngoài việc ứng dụng AI để tối ưu hóa nội dung trên website và nền tảng số—từ việc tối ưu từ khóa, tạo tiêu đề hấp dẫn, cải thiện thứ hạng tìm kiếm đến phân tích xu hướng và hành vi người dùng—truyền thông quốc tế còn có thể tận dụng công nghệ thực tế ảo (VR). Việc xây dựng các không gian ảo mô phỏng địa danh nổi tiếng của Việt Nam sẽ tạo ra trải nghiệm du lịch số, giúp công chúng quốc tế có cơ hội khám phá những địa điểm như phố cổ Hội An, kinh thành Huế ngay tại nhà. Đây không chỉ là một phương thức quảng bá hình ảnh quốc gia hiệu quả mà còn khơi gợi sự tò mò, thúc đẩy mong muốn khám phá trực tiếp, từ đó góp phần phát triển du lịch và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ số phát triển mạnh mẽ, truyền thông quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tận dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông số, ứng dụng công nghệ AI, thực tế ảo và xu hướng nội dung mới không chỉ giúp lan tỏa thông tin nhanh chóng, rộng rãi mà còn thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế.

Xây dựng một chiến lược truyền thông bài bản, sáng tạo, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các kênh truyền thông uy tín toàn cầu sẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế, thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt, chủ động nắm bắt cơ hội, đổi mới tư duy truyền thông chính là chìa khóa để Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.

Trương Việt Thành

...