VNHN - Nếu như ai đã từng đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có lẽ đều tâm phục nghệ thuật dẫn truyện tài tình, cách sử dụng ngôn ngữ bác học và bình dân một cách linh hoạt, điêu luyện và đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật thật độc đáo và gần với đời sống của ông. Tác phẩm “Truyện Kiều” Nguyễn Du sẽ được chuyển thể sang nghệ thuật sân khấu múa rối như một thử nghiệm sáng tạo của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Thông qua các mảng miếng, trò diễn, vở rối "Thân phận nàng Kiều" mong muốn đem đến một hình tượng nhân vật khác biệt, gần gũi, dưới góc nhìn đương đại. Với một loại hình nghệ thuật như rối cạn mà phương tiện thể hiện chủ đạo chỉ là những con rối, thông thường nhiều đạo diễn sẽ chọn những kịch bản đơn giản ít xung đột, ít nhân vật để dàn dựng. Thường là những vở diễn kể câu chuyện không quá phức tạp về tâm lý nhân vật. Thế nhưng, kịch bản văn học: “Thân phận nàng Kiều” do nhà văn Nguyễn Hiếu và NSƯT Lê Chức đồng sáng tác được NSND Nguyễn Tiến Dũng chuyển thể sang múa rối là một kịch bản thơ được viết dựa trên tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Vì thế, việc sử dụng nghệ thuật múa rối với các “diễn viên” không chỉ còn là những con rối hay một thanh tre hay một mảnh vải không biết khóc cười, không biết tức giận, không biết hờn ghen. Để bộc lộ được rõ nét nàng Kiều mang kiếp ba đào giữa chốn trần gian luôn chất chứa biết bao màu sắc: Hỉ, nộ, ái, ố… thật sự là quyết định khá là mạo hiểm đối với cả ê kíp sáng tạo, với các nghệ sĩ, diễn viên.
Cảnh trong Vở rối :" Thân phận nàng Kiều"
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng là đạo diễn dàn dựng vở Thân phận nàng Kiều chia sẻ: “Tôi sẽ không dựng và xây dựng một nàng Kiều giống như các loại sân khấu khác đã từng thể hiện. Nếu nghệ thuật múa rối bắt chước những loại hình sân khấu khác dựng Kiều thì chắc chắn sẽ thất bại. Mọi tình tiết, cảnh trí trong “Thân phận nàng Kiều” sẽ được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối, bằng không gian, ánh sáng trừu tượng mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại”’
NSND Nguyễn Tiến Dũng
Qua tạo hình của họa sĩ Lê Đình Nguyên đã giúp cho vở diễn với các chân dung nhân vật được lột tả một cách chân thực nhất. Qua nét vẽ thô tháp, mộc mạc, gần gũi với mỹ thuật truyền thống lại có nét tinh xảo của ý tưởng để làm nên tính cách một số tuýp nhân vật trong vở kịch Từ vẻ trơ tráo của cái dáng vẻ “lờn lợt màu da” Tú Bà với khuôn mặt bạnh, bủng, biến dạng cùng cách miêu tả Sở Khanh là kẻ hai mặt, chỉ lật khuôn mặt thư sinh trắng trẻo là thấy ngay sự gian xảo qua một bộ mặt đê tiện khác chia đôi. Ngoài ra còn có Từ Hải với khuôn mặt thô phác, dày dặn, nét to cương trực với đôi mắt phát sáng cùng bộ võ phục vuông vắn giúp biểu lộ thân hình, toát lên tính cách thẳng thắn, hay vãi Giác Duyên mang khuôn mặt cánh sen lành thiện và những nhân vật khác cũng góp phần tô điểm thêm nhiều màu sắc cho vở kịch.
Cảnh Từ Hải bị bắt trong vở rối "Thân phận nàng Kiều"
Tiết tấu của vở nhanh, linh hoạt, kết nối liên tiếp, từ những màn diễn đơn lẻ một nhân vật đến các đoạn thoại đôi, ba, nhiều hơn, cho đến tấp nập, tràn ngập sân khấu. Đạo diễn mang lại cho người xem cảm giác ai cũng có việc của mình, từ thằng bán tơ cho đến cả bọn… “chim lợn” chuyên “buôn dưa lê”, tính cuộc đời mình bằng việc dò la, bịa đặt hại người, mưu lợi bản thân.
Ngoài một vài điểm cần cân nhắc, bớt đi về lời thoại, lời bình, và việc sử dụng những tấm lụa trắng còn nhiều, có những lúc còn rườm rà, hoặc hình ảnh chiếc bút lông chưa được… đẹp. Vở “Thân phận nàng Kiều” chứng minh một hiệu quả không dễ làm được lâu nay là dựng rối cho người lớn xem sao cho thuyết phục, sao cho truyền tải được tinh thần, trải nghiệm sống trong “thế giới người lớn”.
Cảnh nàng Kiều đánh đàn
NSND Nguyễn Tiến Dũng đã cố gắng Dàn dựng không gian sân khấu một cách sáng tạo và ấn tượng. Với những dải lụa trắng, khi là những căn phòng chốn lầu xanh, khi là sông Tiền Đường, lúc lại là những sợi dây vướng víu ngột ngạt khi một người “đội trời đạp đất” như Từ Hải phải phân vân trước cảnh “Bó thân với triều đình- Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”... Một tác phẩm kinh điển đã ăn sâu trong tâm thức của người Việt Nam, nhưng khi được kể bằng ngôn ngữ rối cạn vẫn thật hấp dẫn và ấn tượng với những sáng tạo thử nghiệm mới lạ, độc đáo và tinh tế.
Nhiều ý kiến nhận định, “Truyện Kiều” là chuẩn mẫu của thơ ca Việt Nam trải qua thời gian, không gian và sự cộng hưởng với nhận thức của người Việt nhiều thế hệ. Cũng đã có nhiều sáng tác dựa theo nguyên bản “Truyện Kiều”. Đấy là trạng thái tiếp nhận, cảm thức sáng tạo bằng một ngôn ngữ khác, khiến cho việc khai thác số phận nàng Kiều đòi hỏi sự cẩn trọng khi đưa ra lối đi riêng.
Cảnh cao trào của vở rối
Như cách đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng lý giải: “Tôi mang cảm xúc của tôi với Kiều, mang kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật của tôi, cả những ấp ủ của tôi với Kiều. Quan trọng là tôi và các nghệ sĩ dùng ngôn ngữ múa rối hiện đại để truyền tải nguyên tác “Truyện Kiều””.
Các nghệ sĩ nhận hoa từ khán giả ( NSND Nguyễn Tiến Dũng ở đầu tiên từ trái sang)
Những người làm trong ngành nghệ thuật ai cũng mong rằng, những con rối này sẽ được đem ra biểu diễn nhiều không chỉ tại nhà hát, mà có thể đi các nơi, cho công chúng và bạn nghề thưởng thức, tham khảo, thậm chí quảng bá văn hóa hình ảnh, văn hóa, tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Mong rằng đây sẽ là những dấu ấn mới trong góc độ nghề nghiệp của đạo diễn NSND Tiến Dũng và ê-kíp cho sự thay đổi đối với của Nhà hát múa rối Việt Nam.