09/12/2024 lúc 16:11 (GMT+7)
Breaking News

Trường Tiểu học Thị trấn Nưa và Dòng chảy tri thức 100 năm qua

Trường Tiểu học Thị trấn Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) ngày nay có xuất phát điểm là Trường Tiểu học Cổ Định. Tên gọi “Cổ Định” có từ thời Lê Trung Hưng. Thời nhà Nguyễn làng Cổ Định thuộc Tổng Cổ Định, huyện Nông Cống, Phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1945 làng Cổ Định thuộc xã Tân Ninh, huyện Nông Cống, đến 1965 xã Tân Ninh thuộc huyện Triệu Sơn và đến năm 2019 xã Tân Ninh được công nhận đô thị loại V - Thành lập Thị Trấn Nưa. Tên gọi Trường Tiểu học Thị trấn Nưa cũng theo đó ra đời.
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường (1923-2023).

Làng Cổ Định xưa vốn có truyền thống hiếu học, trong làng có nhiều người học rộng, thi đỗ đạt cao qua các triều đại. Đầu thế kỉ XX, nhà nước bảo hộ Pháp đồng ý để chính phủ Nam triều (Nhà Nguyễn) quản lí hệ thống giáo dục ở bậc tiểu học sơ đẳng. Thấu hiểu nguyện vọng chính đáng được học của dân làng Cổ Định và vùng lân cận, cụ Lê Trọng Nhị và Lê Đình Ngô (còn gọi là cụ Hàn người làng Cổ Định, nay là Thị trấn Nưa) đã soạn thảo và đệ đơn lên chính phủ Nam triều và Toàn quyền Pháp tại Đông Dương xin xây dựng trường của làng Cổ Định. Được sự hỗ trợ của cụ Nguyễn Tế (còn gọi là ông Phán Tới, Hường Tới) lúc bấy giờ đang giữ chức Chánh văn phòng Nha học chính, thuộc Toàn quyền Pháp tại Đông Dương, nên Toàn quyền Pháp và chính phủ Nam triều đã đồng ý để chính quyền Tổng Cổ Định huy động sức đóng góp của nhân dân xây dựng trường vào năm 1923 và hoàn thành vào năm 1924, lấy tên là Trường Tiểu học Sơ đẳng Pháp Việt làng Cổ Định (École primaire de Cổ Định), người dân quen gọi là Trường Tiểu học Cổ Định.

Từ khi Pháp thiết lập được nền cai trị đến năm 1945 là thời kì chuyển hóa mạnh mẽ giữa 3 miền tư duy (tư duy giáo dục Nho học thời phong kiến, tư duy thời thuộc Pháp, tư duy cách mạng) gắn với 3 loại ngôn ngữ chính là chữ Hán – Nôm, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Trường Tiểu học Cổ Định ra đời trong thời kì Pháp nới rộng chính sách giáo dục “Sơ đẳng” ở xứ Trung Kỳ. Đây là thời kì tạo nền tảng cơ bản về ngôn ngữ (chữ Quốc ngữ) và tư duy cách mạng (cách mạng dân tộc và dân chủ), đồng thời chuẩn bị nhân lực có trình độ cho Cách mạng tháng Tám thành công và cho nền giáo dục sau này.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã mở ra kỉ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Một nền giáo dục mới bắt đầu, nền giáo dục của độc lập, tự do, dân chủ; nền giáo dục “của dân, do dân và vì dân”. Từ đây thầy và trò Trường Tiểu học Cổ Định đã có một tâm thế mới, tâm thế của người làm chủ đất nước, làm chủ ngôn ngữ, làm chủ vận mệnh của mình, yên tâm ra sức thi đua dạy và học, tạo nguồn nhân lực bổ sung sức lao động vào lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa và gia nhập quân đội kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Cựu học sinh cảm tử đầu tiên hi sinh khi anh ôm bom ba càng lao vào xe tăng của giặc Pháp là liệt sĩ Lê Bật Hùng. Anh trở thành tấm gương anh dũng có sức cổ vũ lớn đối với các cựu học sinh của trường đang sinh sống tại quê nhà, nhiều cựu học sinh ngay sau đó đã tham gia đội Vệ quốc quân như đồng chí Lê Đình Thoại, Hứa Như Ý, Lê Viết Vượng, Trịnh Quốc Lâm, Lê Đình Hoài, Hứa Như Họp, Ngô Xuân Mạnh vv.

Trong suốt 3 cuộc kháng chiến (chống Pháp, chống Mĩ và chiến tranh biên giới), từ trong ngôi trường này đã hun đúc luyện rèn nhiều học sinh tham gia kháng chiến chống ngoại xâm. Chỉ tính riêng 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, xã Tân Ninh (nơi Trường Tiểu học Cổ Định tọa lạc) đã tiễn đưa 2.252 người vào bộ đội, 228 người đi thanh niên xung phong, 338 người đi dân công hỏa tuyến, tất cả đều là cựu học sinh và học sinh của Trường Tiểu học Cổ Định - Tân Ninh, tất cả đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó có 299 người đã anh dũng hy sinh, hiện nay tại đài tưởng niệm liệt sĩ của thị trấn còn lưu danh. Còn có 121 người là thương binh, 103 người là bệnh binh, 25 mẹ Việt Nam Anh hùng và trên 1000 người được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại. Sau kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, các thế hệ học sinh Trường Tiểu học Cổ Định tiếp tục tham gia vào lực lượng kháng chiến, đóng góp sức người sức của đến thắng lợi cuối cùng.

Hội cựu học sinh khóa 1976-1983 chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh nhân kỷ niệm 40 năm ngày trở về.

Các thế hệ lãnh đạo của trường đã không ngừng nâng cao công tác quản lý, tích hợp phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu giáo dục ngày càng cao. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được chú trọng và luôn được xếp tốp đầu so với các trường trong huyện, trong tỉnh. Nhiều hạt nhân ưu tú trưởng thành và có đóng góp lớn cho quê hương đất nước, trong đó có 06 vị Lão thành cách mạng, 06 vị giáo sư, 36 vị tiến sĩ; rất nhiều người có trình độ thạc sĩ, đại học, họ là những kĩ sư, bác sĩ, dược sĩ cao cấp, giáo viên, doanh nhân; nhiều người trở thành những nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà quản lí chính trị, quân sự, nhiều người đã trở thành sĩ quan cấp tướng, cấp tá trong quân đội và lực lượng công an nhân dân, trong đó có người được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Những thành tích đạt được trên hành trình dài 100 năm đã được Huyện, Tỉnh, Phòng - Sở - Bộ GD&ĐT, Liên đoàn lao động tỉnh, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ghi nhận và tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen; được công nhận Trường chuẩn Quốc gia mức độ 1 (lần thứ 2); được công nhận hoàn thành Phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3. Được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) tặng Bằng khen với thành tích "Trường tiên tiến xuất sắc", đặc biệt được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng 3 về "Dạy tốt, Học tốt".

Quang cảnh nhà trường chào cờ ngày đầu tuần.

Đi xuyên qua 2 thế kỉ, trải qua 3 cuộc chiến tranh, chuyển hóa giữa 5 miền tư duy (tư duy giáo dục Nho học, tư duy thời thuộc Pháp, tư duy cách mạng, tư duy đổi mới và tư duy thời công nghệ gắn với 3 loại ngôn ngữ chữ Hán Nôm, chữ Pháp, chữ Quốc ngữ và kí tự số); thực hành qua 3 lần cải cách giáo dục, 4 lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, 5 lần đổi tên trường, trong 100 năm qua (1923-2023), Trường Tiểu học Cổ Định đã có gần 400 lượt thầy giáo, cô giáo về giảng dạy, trong đó có 40 thầy giáo, cô giáo được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng; có gần 2 vạn học sinh đã học tập, luyện rèn và cống hiến cho non sông xứ sở, nhiều người đã trở thành các chiến sĩ cách mạng, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Bước vào thời đại thế giới phẳng, giáo dục cũng theo đó phẳng hóa toàn cầu, thầy và trò Trường Tiểu học Cổ Định (nay là Trường Tiểu học Thị trấn Nưa) tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, tôn tạo thêm bề dày truyền thống hiếu học, không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học, định hướng tư duy làm chủ công nghệ lõi, hội nhập trực tiếp vào công nghệ 4.0 và hướng tới kỉ nguyên xã hội thông minh 5.0./.

Ngọc Thể