Quá trình hình thành và phát triển
Tiền thân là trường “Trung học Vĩnh Xương” được thành lập vào năm 1966 (Lúc mới thành lập năm 1966 trường chỉ có 2 lớp Đệ Thất (tương đương lớp 6) với hơn 90 học sinh). Sau năm 1975, vào tháng 10, có quyết định sáp nhập 7 xã Vĩnh vào huyện Diên Khánh thành huyện Khánh Xương nên Trường được đổi tên thành “Trường cấp 2-3 Khánh Xương”.
Năm 1977, 7 xã Vĩnh được tách khỏi huyện Diên Khánh. Ngày 30/3/1977 Thị xã Nha Trang được nâng cấp thành TP Nha Trang trực thuộc tỉnh, trường cũng được đổi tên thành “Trường cấp 2-3 Hà Huy Tập”. Đến năm 1992 mang tên “PTTH Hà Huy Tập”. Theo Luật Giáo dục năm 1998 đổi thành tên “THPT Hà Huy Tập”.
Chia sẻ với phóng viên, Thầy Nguyễn Xuân Thu – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết, khoảng thời gian 45 năm trường đã trải qua nhiều thế hệ, nhiều gian nan, thách thức, có thời điểm trường bị những cơn lũ lụt tàn phá, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, hư hỏng nặng, nhưng luôn lo nghĩ cho thế hệ con em, cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Cho nên tập thể cán bộ, giáo viên của trường đã cùng chung tay vượt khó, không quản ngại khó khăn. Cùng với đó là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể. Trường được xây dựng ngày càng khang trang hơn, cơ sở vật chất ngày càng đáp ứng tốt cho nhu cầu của các em học sinh.
45 năm qua, Trường đã đào tạo bao lớp nhân tài, trí thức để đáp ứng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chủ chốt và đông đảo những người lao động có trình độ văn hóa cho tỉnh nhà. Bề dày truyền thống ấy là niềm tự hào của nhà trường, là vốn quý của ngành giáo dục và cũng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân các xã vùng ven của Thành phố Nha Trang nói riêng và Thành phố Nha Trang nói chung. Học trò và thầy cô được sống trong nghĩa tình đậm sâu. 45 năm qua, một chặng đường tuy chưa phải là dài, nhưng đó là một chặng đường lịch sử đáng nhớ của một mái trường, nơi đã gắn bó bao thế hệ thầy cô giáo và các học sinh, cùng chung đắp một ước mơ cháy bỏng cho sự nghiệp giáo dục.
Thầy và trò nhà trường không ngừng phấn đấu, nỗ lực, bên cạnh đó là sự cố gắng vượt qua khó khăn của cán bộ giáo viên (CBGV) bám lớp bám trường từ những ngày đầu. Tổ chức các hoạt động giáo dục và giảng dạy cho học sinh theo quy định tuyển sinh của Sở GD&ĐT. Phối hợp với cha mẹ học sinh và các cơ quan ban ngành trong quá trình thực hiện hoạt động giáo dục và giảng dạy của trường. Thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục tại địa phương, là trung tâm văn hóa của địa phương. Nhà trường không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy và học tập: sửa chữa sân trường; chăm sóc và trồng cây xanh tạo bóng mát; sửa chữa các phòng máy chiếu, các phòng bộ môn và các phòng học xuống cấp. Luôn phấn đấu nhằm phát huy hết khả năng lợi thế để hoàn thành tốt nhất.
Những thành tích đáng ghi nhận
Nhà trường không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường công tác dự giờ thăm lớp, hàng năm đều tiến hành công tác kiểm tra toàn diện 1/3 giáo viên trong một học kỳ. Chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy là nhiệm vụ được đơn vị đặt lên hàng đầu; chính vì vậy hiệu quả đào tạo năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh đạt tham gia học hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh với 100% và 100% học sinh đạt tỷ lệ khá giỏi; Các chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, kết quả lên lớp, xếp loại các mặt đều đạt và vượt chỉ tiêu so với năm học trước, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều trên 99,6%.
Nhà trường còn tích cực tham gia các kỳ thi, cuộc thi, hội thi và giành nhiều kết quả: cuộc thi “An toàn giao thông, nụ cười ngày mai” theo hướng dẫn của Sở, Bộ GD-ĐT và đạt 9 giải khuyến khích cấp Bộ; cuộc thi “Khoa học kỹ thuật” cấp tỉnh; cuộc thi Olympic tiếng anh tỉnh Khánh Hòa; Tổ chức thành công hội thi GV dạy giỏi trong học kỳ 1, kết quả có 16/17 giáo viên đạt GV dạy giỏi cấp trường năm học 2021-2022. Có 7 giáo viên đạt GV dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022.
Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với thực hiện các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”,… bằng những nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị với phương châm lồng ghép và tích hợp các các nội dung, giải pháp nhằm huy động nhiều nguồn lực để góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường.
Ngoài ra nhà trường đã tích cực triển khai và thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo từ thiện do các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể phát động.
Ngày 16 tháng 6 năm 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1530/QĐ-UBND công nhận Trường THPT Hà Huy Tập Đạt Chuẩn Quốc Gia.
Liên tiếp những năm tiếp theo Trường được Sở GD&ĐT công nhận Trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 (2017); đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 (2021); Cũng trong năm 2021 Trường được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1 (Quyết định số 2520/QĐ-UBND).
Theo thầy Nguyễn Xuân Thu, Quy mô hiện nay (năm học 2022-2023), trường THPT Hà Huy Tập có 50 lớp (35 lớp công lập và 15 lớp Giáo dục Thường xuyên) với tổng số học sinh là 2.262 và 90 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, các thế hệ Thầy và trò trường THPT Hà Huy Tập đã đi qua một chặng đường tuy chưa phải là dài, nhưng đó là một chặng đường lịch sử đáng nhớ của một mái trường, nơi đã gắn bó bao thế hệ thầy cô giáo và các học sinh, cùng chung đắp một ước mơ cháy bỏng cho sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó với những kết quả thành tích đã đạt được sẽ là động lực giúp cho thế hệ Thầy và trò sau này của trường THPT Hà Huy Tập sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng với ngôi trường vinh dự mang tên người chiến sĩ cộng sản Hà Huy Tập - vị Tổng Bí thư thứ ba của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hà Cường - Đình Tiến