12/01/2025 lúc 02:44 (GMT+7)
Breaking News

Truông Bồn - Một thời hoa lửa

Những ngày tháng Bảy, hòa vào dòng người muôn phương, chúng tôi trở lại Truông Bồn - nơi lưu giữ bản hùng ca bất tử. Hơn nửa thế kỷ qua kể từ ngày 31/10/1968 định mệnh ấy, khói hương chưa bao giờ tắt ở nơi chiến địa xưa. Truông Bồn đã trở thành bản hùng ca bất tử, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ.

Đã gần 55 năm (1968 - 2022) trôi qua với biết bao đổi thay, địa danh Truông Bồn một thời khói lửa ấy nay đã trở thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn - nơi lưu giữ những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom, một thời oanh liệt hoa lửa của những chiến sỹ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.

Hơn 50 năm trước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối liền huyết mạch giao thông: Mốc số 0 đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, đường 34 để hậu phương miền Bắc chi viện nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, nơi đây trở thành “tọa độ chết”. Biết bao tấm gương anh dũng kiên cường bám trụ dưới bom đạn ác liệt, biết bao người đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này để lại nỗi đau khôn cùng cho quê hương, đất nước. Chứng tích xưa còn đó tạc ghi trên tượng đài sừng sững hiên ngang, trên những tấm bia liệt sỹ sau làn nhang khói và trong lòng mỗi người còn sống mỗi lần nhớ lại một thời bom đạn khốc liệt của chiến tranh nhưng rất đỗi hào hùng.

Truông Bồn nay đã phủ một màu xanh đầy sức sống, một màu xanh của bất tử…
Linh thiêng và trang trọng....

Đó là những năm tháng giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nước ta. Đầu năm 1967, nhất là năm 1968, sau khi bị thất bại nặng nề liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng liên tục ném bom đánh phá miền Bắc với tên gọi là chiến dịch “Sấm rền”. Sau khi đánh phong tỏa các tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An mà trọng điểm là tập trung đánh phá Truông Bồn.

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thắp hương tri ân các Anh hùng Liệt sỹ trong những ngày tháng 7
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên BTV tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tri ân các Anh hùng Liệt sỹ

Ngày 27/5/1965, Tổng đội (Thanh niên xung phong) TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An được thành lập với 5 đại đội, trong đó có Đại đội 317 là đơn vị được tổ chức tốt, cán bộ có tinh thần xung phong nên được Ban Chấp hành Tổng đội xem như là đơn vị chủ lực của toàn lực lượng TNXP tỉnh, liên tục được điều động đi ứng cứu khắc phục hậu quả giao thông ở nhiều trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt. Đến ngày 19/2/1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn. Thời điểm này, Truông Bồn đang là địa điểm bị đánh phá ác liệt nhất.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Nghệ An dâng hương tri ân các Anh hùng Liệt sỹ.

Ngày cao điểm, máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần, Truông Bồn suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn. Cùng với bộ đội phòng không, bộ đội công binh Quân khu 4, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của Tiểu đội 2, Đại đội 317: “Sống bám cầu, bám đường - chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập - nhưng đường không thể tắc”; “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là động lực mạnh mẽ thôi thúc các lực lượng của quân và dân ta làm nên chiến thắng Truông Bồn, làm nên một Truông Bồn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Thế rồi, cái ngày vô cùng đau đớn đó - vào lúc 6h 10 phút, ngày 31/10/1968, một tốp máy bay Mỹ oanh tạc Truông Bồn, đã trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá, lúc này đây Truông Bồn chìm trong mịt mù khói lửa. Trận bom cùng lúc đã vùi lấp 14 chiến sỹ TNXP thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317. Ngớt tiếng bom, toàn đại đội cùng nhân dân xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương) đã nỗ lực tìm kiếm nhưng chỉ tìm được Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Thông. Còn lại 13/14 chiến sỹ (11 nữ, 2 nam) quê ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu và Hưng Nguyên đã anh dũng hy sinh.

Quận ủy -HĐND-UBND- UBMTTQVN quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội tri ân các Anh hùng Liệt sỹ

Thật xót xa, tiếc nuối bởi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc. Chỉ ngày mai thôi, 7 nữ chiến sỹ của đại đội TNXP 317 sẽ xuất ngũ. Người sẽ lên đường nhập học, người trở về với vòng tay gia đình và đặc biệt, đôi tình nhân anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm sẽ được làm cô dâu, chú rể trong một đám cưới mà cả hai ước mong, đợi chờ. Lẽ ra, các anh, các chị không phải ra chiến hào ngày hôm đó. Nhưng vì huyết mạch Truông Bồn, các anh, các chị vẫn cầm súng, cuốc, xẻng để làm nhiệm vụ. 

Với họ, "tim có thể ngừng đập, nhưng đường thì không thể tắc" và họ đã quết tâm ra chiến hào. 13 cuộc đời mãi mãi gác lại ở độ tuổi xuân thì. Trong cuộc quyết chiến giành độc lập, đâu chỉ có chị Tâm, anh Hòa, mà còn biết bao cô gái nhỏ bé, bao chàng trai can trường đã phải gác lại hạnh phúc riêng để tròn trách nhiệm với quê hương và Tổ quốc.

Không gian Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn hiện ra linh thiêng, tĩnh mịch như thể lắng nghe được tiếng cỏ cây thầm thì, tiếng lòng rưng rưng, thổn thức của những lớp người ở lại. Bước thật khẽ lên từng bậc tam cấp, chúng tôi gặp khu mộ chung tại Khu Di tích với tấm bia đá khổng lồ khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sỹ TNXP anh dũng: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa. Các anh, các chị đã mãi mãi dừng lại ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. 13 cuộc đời, 13 tuổi thanh xuân, 13 khát vọng ấy đã mãi nằm lại trong lòng đất mẹ sau khi hiến dâng trọn vẹn tình yêu cho Tổ quốc, viết lên một huyền thoại cho mảnh đất Truông Bồn.

Thị ủy - HĐND- UBND- UBMTTQVN Thị xã Thái Hòa thắp hương tri ân các Anh hùng Liệt sỹ

Hôm nay, trong dòng người về thăm lại Truông Bồn, chúng tôi đã gặp một cựu TNXP. Ông tên là Anh Tư, quê ở Nghệ An, năm nay ngoài 70 tuổi. Ông Tư chia sẻ: Tôi may mắn hơn đồng đội của tôi vì được trở về. Tháng 7 năm nào tôi cũng trở lại đây thăm đồng đội. Mỗi cái tên ấy là một cuộc đời có thật. Nay các anh, các chị đã hóa thành khúc tráng ca bất tử. Tôi thấy lòng ấm áp khi được chứng kiến Khu tưởng niệm Truông Bồn được xây dựng khang trang, linh thiêng và bề thế. 

Huyện ủy - HĐND - UBND- UBMTTQVN huyện Hưng Nguyên tri ân các Anh hùng Liệt sỹ

Bàn thờ của hơn 1.200 liệt sỹ hi sinh tại Truông Bồn luôn nghi ngút khói hương, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của lớp lớp thế hệ sau đối với sự hi sinh của các Anh hùng liệt sỹ. Mảnh đất Truông Bồn nay đã phủ một màu xanh đầy sức sống, một màu xanh của bất tử…

Tạm biệt Khu Di tích Truông Bồn - một Đài tưởng niệm hữu hình nhưng đã khắc ghi trong tim tôi, trong tim mỗi người ở lại một đài tưởng niệm vô hình, day dứt và không thể nào quên về “Một thời hoa lửa”.

Diệp Chi, Nhật Quang