23/01/2025 lúc 14:03 (GMT+7)
Breaking News

Trung tâm dạy nghề nhân đạo thực hiện cưỡng chế di dời tài sản của đối tác trái pháp luật

VNHN - Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp) nhận định: "Khi mà hợp đồng giữa 2 bên không được thực hiện hoặc cần chấm dứt thì phải có sự thương lượng, thương thảo giữa 2 bên. Nếu thương lượng của 2 bên không được thì cần phải đưa ra tòa án để giải quyết. Việc một bên đưa ra quyết định cưỡng chế rõ ràng thể hiện sự không hiểu biết pháp luật".

VNHN - Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp) nhận định: "Khi mà hợp đồng giữa 2 bên không được thực hiện hoặc cần chấm dứt thì phải có sự thương lượng, thương thảo giữa 2 bên. Nếu thương lượng của 2 bên không được thì cần phải đưa ra tòa án để giải quyết. Việc một bên đưa ra quyết định cưỡng chế rõ ràng thể hiện sự không hiểu biết pháp luật".

Như Pháp luật và Bạn đọc đã thông tin, vừa qua, bà Chu Thị Nhã (tức Chu Thị Nhẽ) trú tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tố cáo bà Vũ Thị Xiêm (Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm có địa chỉ tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo như đơn tố cáo và đơn đề nghị khởi tố vụ án gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền của bà Nhã thì Công ty Cổ phần phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Thanh Nhã (Công ty Thanh Nhã) có hợp đồng hợp tác kinh doanh với Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm (Trung tâm Minh Tâm) do bà Vũ Thị Xiêm làm giám đốc.

Nội dung hợp tác sản xuất ngành hàng may mặc và được thỏa thuận cụ thể trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHTKD ngày 11/02/2016.

Theo bà Nhã, sau khi ký hợp đồng, bà Xiêm ngỏ ý muốn Công ty Thanh Nhã chuyển về cùng nhau xây dựng và phát triển tại trụ sở của Trung tâm dạy nghề Minh Tâm. Do công ty của bà Nhã còn phải thuê khu nhà xưởng nên bà đã đồng ý chuyển lên Trung tâm dạy nghề Minh Tâm để hoạt động.

 Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm  

Bà Nhã cho biết: "Cũng từ đó, bà Vũ Thị Xiêm lấy danh nghĩa của trung tâm bảo trợ xã hội, dạy nghề vay Công ty Thanh Nhã số tiền lên tới hơn chục tỷ đồng để sử dụng nhưng không hoàn trả.

Từ năm 2016 đến nay, bà Xiêm luôn dùng lý do xây dựng trung tâm để vay tiền nhưng trên thực tế không có bất cứ một hoạt động xây dựng nào cả, tôi cũng không rõ bà Xiêm dùng khoản tiền lớn như thế vào mục đích gì".

Đáng chú ý, trong các giấy tờ vay tiền, bà Xiêm luôn sử dụng dấu của trung tâm mà mình là giám đốc để đóng vào văn bản dù chính bà thừa nhận trước báo chí đây là các khoản vay cá nhân, không phải khoản vay của trung tâm.

Ngày 15/04/2019, Trung tâm Minh Tâm đã bất ngờ đơn phương chấm dứt Hợp đồng 01/HĐHTKD nói trên trong khi hợp đồng này có thời hạn đến năm 2026. Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng do Phó Giám đốc Trung tâm Đỗ Hữu Khương ký có nêu: "Theo nguyên tắc thì trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty cổ phẩn phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Thanh Nhã đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng tại điều 5 "Phân chia kết quả kinh doanh".

Bên B (Công ty Thanh Nhã) đã không thực hiện việc báo cáo tài chính thu chi, không thực hiện việc phân chia lợi nhuận sau hoạt động kinh doanh kể từ khi hợp đồng được ký kết đến nay. Không những vậy tiền điện nước sinh hoạt, khấu hao tài sản hàng năm cũng không được Công ty Thanh Nhã thực hiện và thanh toán cho trung tâm. Điều này gây tổn thất lớn về tài chính và hoạt động kinh doanh của của trung tâm chúng tôi".

Ngay sau khi nhận được thông báo trên, Công ty Thanh Nhã đã có văn bản phúc đáp không đồng ý với việc chấm dứt hợp đồng của Trung tâm dạy nghề Minh Tâm.

 Bà Vũ Thị Xiêm và con trai là ông Đỗ Hữu Khương - Phó Giám đốc Trung tâm Minh Tâm

Tuy nhiên, ngày 02/5/2019, Trung tâm Minh Tâm tiếp tục có thông báo số 128 do Giám đốc Vũ Thị Xiêm ký về việc "Tháo dỡ, sửa chữa các khu nhà ở, khu nhà xưởng thực hành. Đồng thời cưỡng chế thu hồi nhà xưởng, trang thiết bị máy móc do Công ty Thanh Nhã không thực hiện việc bàn giao theo thông báo chấm dứt hợp đồng ngày 15/4/2019".

Nội dung thông báo nêu rõ: "Riêng đối với đối tác Công ty cổ phần phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật Thanh Nhã, do đã quá hạn bàn giao nhà xưởng, trang thiết bị máy móc cho trung tâm (ngày 29/4/2019) theo Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng ngày 15/4/2019. Nay trung tâm thực hiện việc sửa chữa các công trình. Vì vậy Trung tâm dạy nghề Minh Tâm đề nghị Công ty Thanh Nhã muộn nhất vào hồi 09h ngày 06/5/2019 phải bàn giao nhà xưởng, phòng ở, trang thiết bị máy móc cho trung tâm cũng như di chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu ra khỏi trung tâm.

Nếu quá thời hạn trên, Trung tâm Minh Tâm sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi nhà xưởng, phòng ở, trang thiết bị máy móc thuộc quyền sở hữu của trung tâm. Mọi tổn hại liên quan đến việc cưỡng chế, Công ty Thanh Nhã hoàn toàn chịu trách nhiệm".

Về vấn đề này, bà Nhã cho biết: "Ngày 03/05/2019, nhân lúc tôi vắng mặt tại công ty, bà Xiêm đến và đọc thông báo sẽ cho người đến cưỡng chế thu hồi đất và đuổi toàn bộ Công ty Thanh Nhã của tôi đi. Tôi gửi thư phản đối và làm đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan có thẩm quyền ngay sau đó".

Nhận được đơn kêu cứu của Công ty Thanh Nhã, ngày 04/05/2019, UBND xã Dị Nậu đã có công văn số 32 gửi Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm đề nghị: "Nếu có phát sinh tranh chấp đối với Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không tự giải quyết được, hai bên có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trong thời gian chờ các cơ quan chức năng giải quyết, hai bên cần tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau và không có việc làm gì gây ảnh hưởng đến tài sản cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của nhau".

 Bà Vũ Thị Xiêm cho người cưỡng chế, tháo dỡ nhà xưởng, trang thiết bị... của Công ty Thanh Nhã 

"Tuy nhiên, vào ngày 06/05/2019, bà Xiêm đã cho người đến đập phá, cưỡng chế, tháo dỡ đồ đạc, trang thiết bị, cơ sở vật chất, xua đuổi chúng tôi khỏi trung tâm. Không những vậy, bà Xiêm còn cho người vứt toàn bộ số lượng vải dùng để sản xuất và quần áo thành phẩm khiến những sản phẩm này bị bẩn, rách không thể sử dụng được nữa (khoảng 2.500 sản phẩm).

Bà Xiêm rõ ràng đã nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, thấy trước được hậu quả của hành vi đó là tài sản của tôi bị hủy hoại không thể sử dụng được nữa nhưng vẫn tiếp tục thực hiện. Trước đó, tôi đã có ký kết nhiều hợp đồng với các đối tác, nay đã đến thời hạn giao hàng mà bà Xiêm có hành vi như vậy làm toàn bộ số hàng đã may không thể sử dụng được, việc sản xuất không thể tiến hành khiến chúng tôi không thể giao hàng theo đúng như hợp đồng. Thiệt hại từ hành vi này lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ đập phá đồ đạc, máy móc, tháo dỡ trang thiết bị, nhà xưởng, hủy hoại tài sản của tôi, bà Xiêm còn khóa cửa cổng khiến các cháu ở trung tâm không thể ra ngoài. Các cháu nhỏ trong trung tâm bị cô lập hoàn toàn, những nhân viên công ty Thanh Nhã muốn vào để chăm sóc các cháu nhưng cũng không thể. Các cháu được bảo trợ tại trung tâm đều là những cháu có vấn đề về nhận thức, hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn thiếu thốn, việc khóa cửa giam lỏng tại trung tâm làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự phát triển của về thể chất và tinh thần của các cháu" – bà Nhã bức xúc.

  Luật sư Nguyễn Hồng Thái 

Nhận định về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp) đưa ra quan điểm: "Khi mà hợp đồng giữa 2 bên không được thực hiện hoặc cần chấm dứt thì phải có sự thương lượng, thương thảo giữa 2 bên. Nếu thương lượng của 2 bên không được thì cần phải đưa ra tòa án để giải quyết. Việc một bên đưa ra quyết định cưỡng chế rõ ràng thể hiện sự không hiểu biết pháp luật. Cưỡng chế là việc của cơ quan Nhà nước đối với người vi phạm, còn việc giao dịch giữa 2 bên phải do phán quyết của tòa".

Được biết, hiện tại bà Chu Thị Nhã đã có đơn tố cáo và đề nghị khởi tố vụ án hình sự gửi cơ quan công an các cấp của TP. Hà Nội về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của bà Vũ Thị Xiêm.

Pháp luật và Bạn đọc sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.