29/11/2024 lúc 17:42 (GMT+7)
Breaking News

Trình tự bầu Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội

VNHNO - Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khoá XIV, công tác nhân sự sẽ được tiến hành ngay từ phiên khai mạc. Chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào ngày mai.

VNHNO - Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khoá XIV, công tác nhân sự sẽ được tiến hành ngay từ phiên khai mạc. Chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trình bày tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào ngày mai.

Tại một kỳ họp Quốc hội, trình tự bầu Chủ tịch nước được quy định tại Điều 31, Nghị quyết 102/2015/QH13 ngày 24/11/2015 về việc ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội. Cụ thể như sau:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

2. Ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

5. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

9. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

10. Chủ tịch nước tuyên thệ.

Về kết quả bầu cử, khoản 3, Điều 27 Nghị quyết 102/2015/QH13 quy định: Ban kiểm phiếu xác định kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín theo nguyên tắc sau đây: 

a) Trường hợp biểu quyết bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, người được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội và được nhiều phiếu tán thành hơn thì trúng cử. Trường hợp cùng bầu một chức danh mà nhiều người được số phiếu tán thành ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội thì Quốc hội biểu quyết lại việc bầu chức danh này trong số những người được số phiếu hợp lệ tán thành ngang nhau.

Trong số những người được đưa ra biểu quyết lại, người được số phiếu tán thành nhiều hơn là người trúng cử; nếu biểu quyết lại mà nhiều người vẫn được số phiếu tán thành ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử;

b) Việc phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;

c) Việc miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ; phê chuẩn miễn nhiệm, cách chức phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XII, Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước./.