27/04/2024 lúc 20:09 (GMT+7)
Breaking News

Trí thức quốc tế với Quốc khánh 2-9: Ý nghĩa to lớn với Việt Nam và thời đại

VNHN - Trong suy nghĩ và cảm nhận của rất nhiều nhà nghiên cứu, nhiều trí thức quốc tế, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9/1945 của dân tộc Việt Nam là một sự kiện đặc biệt ấn tượng. Vì vậy họ đã dành nhiều thời gian và sự tìm tòi để nghiên cứu về sự kiện này.

VNHN - Trong suy nghĩ và cảm nhận của rất nhiều nhà nghiên cứu, nhiều trí thức quốc tế, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9/1945 của dân tộc Việt Nam là một sự kiện đặc biệt ấn tượng. Vì vậy họ đã dành nhiều thời gian và sự tìm tòi để nghiên cứu về sự kiện này.

Không phải chỉ những người có liên quan, hoặc được may mắn chứng kiến cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và ngày Quốc khánh 2/9 của Việt Nam mới có những đánh giá, những cảm nhận và nghiên cứu, mà rất nhiều học giả, nhiều trí thức ở nhiều quốc gia khác nhau chỉ biết sự kiện qua các nguồn thông tin, cũng tỏ ra “đam mê” việc đó. Bởi theo họ, đó là một sự kiện mang những tính chất, ý nghĩa và những tác động vượt ra ngoài biên giới nước Việt Nam.

Nhà sử học A lanh Ru-xi-ô (Pháp) đã có trên 15 tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về các cuộc kháng chiến và về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, ông hết sức cảm phục trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, đặc biệt là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông viết: “Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập cho một nước thuộc địa”.

Nguyên Đại sứ Nga tại Việt Nam Va-đim Xê-ra-phi-mốp cho rằng: “Cuộc Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trở thành một bước ngoặt trong lịch sử phát triển đất nước, tạo điều kiện cho Việt Nam giành được độc lập và phát triển. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước nửa triệu quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, lần đầu tiên trong lịch sử các nước thuộc địa và bán thuộc địa, một chính đảng mới chỉ tồn tại có 15 năm, đã đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi và giành được chính quyền về tay mình trong cả nước” . Ông nhấn mạnh thêm: “Chính thắng lợi của Việt Nam đã chặt đứt một mắt xích quan trọng trong sợi xích đang trói buộc các dân tộc lệ thuộc”.

 Trong khi đó, Nhà báo Pháp D.Ru-sen lại viết: “Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam và thế giới, bởi lẽ nó tượng trưng cho thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, đánh dấu bước chuyển lớn trong lịch sử Việt Nam, đồng thời biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc của toàn thể người dân Việt Nam. Nổi bật trong sự kiện trọng đại này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo vĩ đại, người Anh hùng dân tộc của Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn với lịch sử dân tộc Việt Nam”.

Đại sứ Cu-ba tại Việt Nam Ga-bri-en Pê-ret Ta-rao từng khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam và Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại có một ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc và giải phóng thuộc địa trên thế giới. Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện khát vọng tự do và công lý của các dân tộc thuộc địa, là tấm gương và nguồn động viên đối với các dân tộc thuộc địa và là minh chứng đánh dấu chấm hết của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám đã đạt được thành công lớn là không chỉ giành độc lập cho dân tộc mà đã chấm dứt chế độ bóc lột, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân Việt Nam”.

Nhà sử học Sác-lơ Pho-ni-ơ -  Nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt, là người luôn quan tâm tới các sự kiện diễn ra tại Việt Nam cũng như lịch sử Việt Nam. Ông đã từng đến Việt Nam và càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Ông đã viết: “Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng thực sự, với sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc. Đây là cuộc cách mạng lớn, của toàn dân tộc Việt Nam, đứng lên giành độc lập dân tộc. Thực tế, cuộc cách mạng của Việt Nam đã có tác động lớn trên thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa khi đó. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự chiếm đóng của giặc ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển sang thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Không những thế, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, bởi lẽ đây là một trong những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu tiên trên thế giới. Đối với phong trào cách mạng Đông Dương cũng như thế giới, Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng”. Ông cũng cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người anh hùng giải phóng dân tộc, người đã dành cả cuộc đời mình để lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Theo ông Long Kem - nguyên Đại sứ Cam-pu-chia tại Việt Nam: “Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một thời kỳ mới cho Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập, tự do, thoát khỏi ách đô hộ của nước ngoài, như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Việt Nam tiến hành Cách mạng Tháng Tám và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào ngày 2/9/1945 là cơ hội để nhân dân Việt Nam phát triển đất nước trong thời kỳ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân. Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam đã tạo ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Đối với nhân dân Cam-pu-chia, do thực dân đã mất chỗ dựa ở Việt Nam nên Cam-pu-chia cũng có điều kiện để tiến hành đấu tranh. Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam đã làm suy yếu thực dân, tạo điều kiện cho hai nước láng giềng là Cam-pu-chia và Lào đấu tranh giành thắng lợi”.

Nhà nghiên cứu sử học Gi-ben Scun, qua tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là sự kiện đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ mới. Thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, nhất là đối với nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới vào thời điểm đó, mở đầu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa”.

Một học giả khác là ông Rô-giơ Mi-sen (Pháp), cũng khẳng định: “Sự kiện Cách mạng Tháng Tám và ngày 2-9-1945 không chỉ đánh dấu một mốc lớn đối với Việt Nam mà có ý nghĩa lớn đối với nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới. Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám dẫn đến ngày tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945 ở Việt Nam, mở đầu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa thời bấy giờ. Nhân dân Việt Nam đã không ngừng đấu tranh và các bạn đã chiến thắng. Chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần đấu tranh và những thành quả mà các bạn đạt được”.