08/12/2024 lúc 22:17 (GMT+7)
Breaking News

Tranh Đông Dương “nóng” lên từ một cuốn sách

Ngày 11/1 vừa qua, tại bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (số 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội) đã diễn ra buổi toạ đàm giới thiệu cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” của tác giả Charlotte Aguttes – Reynier (người Pháp).

Cuốn sách được viết trong 10 năm, từ năm 2004 đến năm 2014, là nghiên cứu tâm huyết và sâu rộng của nữ tác giả người Pháp về toàn cảnh lịch sử của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925-1945. Sự kiện cũng nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam.

Buổi toạ đàm với sự tham gia của tác giả Charlotte Agusttes Reynier (chính giữa) và các khách mời

Nữ tác giả Charlotte Aguttes-Reynier, là chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á và giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội các Nghệ sĩ châu Á tại Paris (AAP) kể từ năm 2019. Niềm yêu thích của tác giả với hội hoạ bắt đầu từ thời thơ ấu, khi bà cùng cha là nhà đấu giá Claude Aguttes đến thăm các viện bảo tàng và nhiều bộ sưu tập. Bà quan tâm đến hội hoạ từ đó. Về sau, khi làm việc cùng cha, bà đã bán đấu giá nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh hoạ thế kỷ XX như Juan Gris, Picasso, Fernand Léger, Henri Laurens,… Trong số đó có cả tranh của các danh hoạ Việt Nam như Lê Phổ, Mai Trung Thứ… làm cho bà cảm thấy say mê. Từ đó, bà bắt đầu tìm hiểu và tích luỹ dần vốn hiểu biết về hội hoạ Việt Nam.

Qua nhà đấu giá Agustte, bà đã bán đấu giá được rất nhiều tác phẩm của các danh hoạ Việt Nam, điển hình là hơn 90 tác phẩm của Lê Phổ và hơn 60 tác phẩm của Mai Trung Thứ và của Vũ Cao Đàm. Trong đó, có bức tranh Lê Phổ được bán với giá hơn 1 triệu Euro. Chưa dừng lại ở đó, bà quyết định tập trung nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật hiện đại tại châu Á từ những tài liệu tổng hợp bà thu thập được. Sau đó bà chọn nghệ thuật hiện đại Đông Dương tại Trường Cao đằng Mỹ Thuật Đông Dương làm chủ đề nghiên cứu và viết sách.

Tác giả Charlotte Agustte - Reynier đang giới thiệu cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương"

Sau 10 năm miệt mài nghiên cứu, tác giả đã cho ra mắt cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” với nội dung chính là ghi chép lại lịch sử của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong giai đoạn từ năm 1925 đến năm 1945 dựa trên các tài liệu nghiên cứu công phu và những câu chuyện được kể từ chính gia đình các hoạ sĩ. Cuốn sách viết về quá trình phát triển của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ khi mới thành lập, các bước ngoặt phát triển, hoạt động chính, các cuộc triển lãm, thành tựu, các giảng viên, sinh viên ưu tú cùng tác phẩm của họ. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khi ấy đã trở thành cái nôi ươm mầm cho cuộc canh tân nghệ thuật tại Việt Nam. Sách được viết bằng ba thứ tiếng: tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Anh. Khi đọc sách, ta sẽ bắt gặp những câu chuyện về cac danh hoạ được yêu thích như Inguimberty, Alix, Aymé, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Phổ…

Cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" của tác giả Charlotte Agustee - Reynier

Trong buổi toạ đàm, nhiều người tham gia đã đặt câu hỏi cho tác giả, trong đó có câu hỏi về cảm nhận của tác giả trong quá trình tìm hiểu về nghệ thuật Đông Dương. Charlotte trả lời rằng bà rất ấn tượng với các cuộc phiêu lưu của thầy giáo - hiệu trưởng đầu tiên của trường là Victor Tardieu với những học trò trong trường. Bà cho rằng mục tiêu của Victor Tardieu là đào tạo và chuyển giao. Mỗi năm ông lựa chọn một nhóm tinh hoa với số lượng rất nhỏ để đào tạo và nâng cao trình độ. Victor Tardieu đặc biệt quan tâm đến đời sống các học trò của mình nên ông đã sớm tổ chức nhiều triển lãm để sau này làm vốn liếng cho học trò. Ông đến Việt Nam khi đã 50 tuổi, vì thế nên ông coi học trò mình như con. Tác giả chia sẻ rằng bà đã tiếp cận được những bức thư ông viết cho học trò ngày đó, đầy tình cảm gắn bó tha thiết. Bà đã giữ nguyên những bức thư rồi đưa vào cuốn sách. Thêm vào đó, bà cũng trích đoạn nhiều bài báo và công trình thời đó. Bà làm vậy vì không muốn tự viết về giai đoạn này mà muốn chính những nhân vật thời ấy lên tiếng.

Tác giả Charlotte Agustte - Reynier

Charlotte cũng thổ lộ rằng bà có một ước mơ là được tổ chức triển lãm các tác phẩm nghệ thuật hiện đại Đông Dương tại Pháp và Việt Nam.

Buổi toạ đàm kết thúc khi tác giả Charlotte Agustte – Reynier trao tặng cuốn “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” cho bà Nguyễn Thị Phương Lan, hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Bà Phương Lan chia sẻ rằng buổi toạ đàm giới thiệu cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” là một điểm nhấn ý nghĩa hướng tới kỷ niệm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, mà tiền thân chính là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Đông Dương được thành lập năm 1924 và bắt đầu giảng dạy năm 1925. Sự đón nhận văn hoá Pháp trên nền nghệ thuật dân gian Việt Nam chính là cầu nối giữa nền mỹ thuật hiện đại và truyền thống của Việt Nam. Bởi vậy mà lịch sử mỹ thuật Việt Nam gắn liền với lịch sử mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt nổi bật trong giai đoạn 1925 - 1945.

Tác giả Charlotte Agustte - Reynier trao tặng cuốn sách "Nghệ thuật hiện đại Đông Dương" cho bà Nguyễn Thị Phương Lan, hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Tác già Charlotte Agustte - Reynier ký tặng sách cho độc giả

Đến với buổi toạ đàm có nhiều nghệ sĩ và gia đình các nghệ sĩ tham gia như họa sĩ Lê Huy Văn - con trai họa sĩ Lê Quốc Lộc, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi - cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn, họa sĩ Tô Ngọc Thành - con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, họa sĩ Nguyễn Thái Dũng - con trai họa sĩ Nguyễn Khang, cô Alexane Reynier - con gái của tác giả - người biên dịch cuốn sách từ tiếng Pháp sang tiếng Anh.

Trần Quỳnh Hoa

...