20/05/2024 lúc 17:21 (GMT+7)
Breaking News

Trà Vinh: Nhiều chủ trương hiệu quả phát triển làng nghề truyền thống

Tỉnh Trà Vinh có tiềm năng phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Hiện địa phương này đang chủ trương thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.

Làng nghề hoa kiểng Long Đức – (Ảnh: Internet)

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm trước đây, các làng nghề ở Trà Vinh đã góp phần giải quyết việc làm lao động nông thôn, tạo thêm nguồn thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, đóng góp đáng kể vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tuy nhiên một thực tế đặt ra rằng hoạt động các làng nghề này vẫn còn nhiều “nút thắt” chưa được “tháo gỡ”. Phải kể đến là được hình thành theo quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại… nên sản phẩm của các cơ sở trong làng nghề không đa dạng. Cũng như là thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ sản xuất, nguồn nhân lực kế thừa... Một minh chứng điển hình như làng nghề khai thác sơ chế, chế biến thủy sản thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang, được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận năm 2011), hiện nay cơ sở làng nghề giảm hơn 50% so với những năm trước; giải quyết việc làm cho trên 500 lao động, với thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở ở làng nghề ở huyện Trà Cú có nhãn hiệu, là cơ sở Trì Cảnh (Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Hàm Giang) và cơ sở Diệp Thị Trang (Làng nghề đan đát xã Đại An). Như vậy, hầu hết sản phẩm ở làng nghề chưa có thương hiệu, chưa đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định, khó cạnh tranh trong cơ chế thị trường.  

Trước thực trạng trên, “bài toán” bảo tồn và phát triển các làng nghề tỉnh Trà Vinh cần có lời giải. Theo đó, tỉnh đang tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, cùng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ các làng nghề đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ trực tiếp một lần 50 triệu đồng/làng nghề để xây dựng phương án bảo vệ môi trường, làm hồ sơ đề nghị công nhận, xây dựng biển quảng bá, chỉ dẫn và tổ chức lễ công bố làng nghề…

Làng nghề thủ công Đức Mỹ - (Ảnh: Internet)

Đặc biệt là hỗ trợ các làng nghề tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…. Khuyến khích các cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; phát triển làng nghề gắn với du lịch… Từng bước đưa khoa học công nghệ vào sản xuất vào các làng nghề, gắn với việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề và bảo vệ môi trường.

Trong “hành trình” đó, đòi hỏi các cơ sở sản xuất ở làng nghề cần mạnh dạn thay đổi tư duy, đầu tư máy móc, công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã phù hợp thị hiếu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Tỉnh Trà Vinh hiện có trên 12.200 cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn; trong đó, gần 7.800 cơ sở tập trung chủ yếu vào 13 làng nghề truyền thống, với khoảng 36.400 lao động.

Các làng nghề ở Trà Vinh tập trung vào 3 nhóm ngành nghề chính. Bao gồm Nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 4 làng nghề.
Nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 7 làng nghề; và Nhóm ngành sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có Làng nghề trồng hoa kiểng./.

HC