19/05/2024 lúc 06:46 (GMT+7)
Breaking News

TP Hồ Chí Minh: Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng bị ngừng hơn 4 tháng?

VNHN - Chiều 13/9, Trung nam Group - nhà đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” vừa có buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí tại TP Hồ Chí Minh để giải trình về việc vì sao dự án này bị ngừng thi công thời gian qua.

VNHN - Chiều 13/9, Trung nam Group - nhà đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” vừa có buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí tại TP Hồ Chí Minh để giải trình về việc vì sao dự án này bị ngừng thi công thời gian qua.

Ghi xuất xứ nhà sản xuất vật liệu thép là sai luật

Theo đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” đã hoàn thành 72% khối lượng và tạm dừng thi công từ ngày 27/4 cho đến nay.

Nguyên nhân tạm dừng là bởi Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án do UBND TP Hồ Chí Minh chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group giải trình với báo chí chiều 13/9

Việc dừng giải ngân là do Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) của dự án tuy ký xác nhận giá trị hoàn thành nhưng trong văn bản xác nhận thường kèm theo các ý kiến và khuyến cáo thiếu cơ sở. Tại văn bản số 2903/STC-ĐTSC ngày 14/5 của Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh nêu rõ TVGSHĐ không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố nên Sở không thể ký xác nhận.

Sau đó, TVGSHĐ đã ký lại tổng hợp các đợt tại văn bản HTFC-SCFC/LO-18-041 vào ngày 27/6 nhưng BIDV không chấp nhận vì việc ký xác nhận của TVGSHĐ không theo biểu mẫu 02A để Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho dự án.

TVGSHD không xác nhận thanh toán với lý do tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP Hồ Chí Minh duyệt; chỉ dẫn kỹ thuật: S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355. Trên thực tế, trong hồ sơ thiết kế, bản chỉ dẫn kỹ thuật do tư vấn thiết kế lập ban đầu có nội dung này.

Về điều này, đại diện tư vấn giám sát hiện trường cũng khẳng định rằng theo Luật Xây dựng, việc đơn vị thiết kế chỉ định nhà sản xuất dùng thép loại nào là sai, tuyệt đối không được ghi xuất xứ nhà sản xuất vật liệu thép, có chăng cũng chỉ nêu tính chất cơ lý hóa học vật liệu. Do đó, TVGSHĐ nêu thép thuộc tiêu chuẩn G7 như thời gian qua trên phương tiện truyền thông là sai và không đúng theo luật quy định.

Đại diện Trung nam Group cũng cho rằng quy định như vậy là trái với Luật Xây dựng (Điểm đ, Khoản 2, Điều 86), đó là: “Không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước”. Để phù hợp với các quy định của pháp luật, đơn vị tư vấn thiết kế cũng đã đính chính lại nội dung chỉ dẫn kỹ thuật: “Vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355 hoặc tương đương”.

Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) và Kiểm toán Nhà Nước cũng đã kiểm tra, kiểm toán dự án. Hoàn toàn không có việc Sở NN& PTNT hợp thức hóa việc thay vật liệu thép. Theo quy trình, Sở thẩm định, sau đó nhà đầu tư phê duyệt trên nội dung thẩm định và mới tiến hành ký hợp đồng với nhà thầu thi công chế tạo cửa van. Tiếp theo là phê duyệt vật liệu nhập về, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi đưa vào chế tạo và gia công.

Cũng theo ông Tiến, tại hợp đồng BT (Điều 10) UBND TP Hồ Chí Minh ký với nhà đầu tư không có điều khoản hay ràng buộc nào là thép sử dụng cửa van phải là thép G7, châu Âu, thép Mỹ, thép Nhật hay thép Trung Quốc. Việc chọn lựa thép phôi tấm để gia công chế tạo cửa van có thể dùng bất cứ loại thép đạt chuẩn kỹ thuật. Nhà đầu tư mua thép xuất xứ từ nước nào thì khai báo giá vật tư đầu vào là thép của nước ấy chứ không mua thép nước này khai báo giá thép nước kia.

Dự án không thiếu vốn

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung nam Group cho biết, đối với công tác thi công luôn tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC) đã được thẩm định phê duyệt và được Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu của Bộ NN&PTNT kiểm tra nhiều lần đánh giá công trình chất lượng.

“Tại nhiều văn bản, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã nêu rất rõ là các bên tham gia dự án phải tuân thủ theo kết quả thẩm định của Sở NN&PTNT. Căn cứ nội dung các văn bản trên thì TVGSHĐ đã không tuân thủ chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ cho TP Hồ Chí Minh đã thi công đạt khối lượng 72%

Dự án tạm dừng khi khối lượng thi công đã đạt 72%, tương đương với tổng giá trị hoàn thành là 5.690 tỷ đồng. Trong khi đó, TVGSHĐ chỉ xác nhận 3.503 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã chi là 803 tỷ thì khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được giải ngân lên tới 1.384 tỷ đồng, gây khó khăn cho nhà thầu và làm ảnh hưởng đến đời sống của đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư và công nhân thi công trên công trường. 

“Chúng tôi khẳng định dự án không thiếu vốn. Nhà đầu tư không có lỗi trong việc dự án tạm dừng. Nguồn vốn dành cho dự án đầy đủ và luôn có sẵn để giải ngân theo Quyết định 2240 của Ngân hàng Nhà nước”, ông Tiến cho hay. 

Trước đó, trong báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam (liên danh được chọn làm tư vấn giám sát dự án) cho biết, nhà đầu tư đã sử dụng vật liệu thi công cửa van thép không thống nhất với khâu thiết kế. Việc này chưa được chính quyền thành phố chấp thuận, có khả năng khiến chi phí duy tu bảo dưỡng cao hơn.

Về điều này, nhà đầu tư Trungnam Group một lần nữa khẳng định, TVGSHĐ đã thông tin không chính xác Sở chuyên ngành của thành phố cũng như nhà đầu tư.

Cuối tháng 8/2018, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng xem xét, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để giải quyết những vướng mắc xung quanh dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ngừng thi công hơn 4 tháng do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn ngừng giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn).

Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, công trình cũng giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.