19/01/2025 lúc 16:01 (GMT+7)
Breaking News

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy nhanh chuyển đổi số và khoa học công nghệ, tiếp cận nguồn lực tài chính… là những giải pháp TP Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị “Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021” được tổ chức ngày 19-3.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy nhanh chuyển đổi số và khoa học công nghệ, tiếp cận nguồn lực tài chính… là những giải pháp TP Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị “Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021” được tổ chức ngày 19-3.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trải qua hơn 3 năm hoạt động, Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn thành phố (Tổ công tác) đã đạt được những kết quả quan trọng. Đây được xem là mô hình sáng tạo, đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển của thành phố.

Theo đó, Tổ công tác đã kết luận hướng xử lý vướng mắc đối với 92 dự án (51 dự án bất động sản; 21 dự án liên quan đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội, phục vụ người dân và hai dự án liên quan đến hoạt động sản xuất). Ngoài ra, 108 đề xuất, kiến nghị của DN, nhà đầu tư cũng được Tổ công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý.

Đáng chú ý, nhiều giải pháp liên quan đến huy động và phát huy nguồn lực trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư đã được Tổ công tác đưa ra như: Phát triển đô thị chung quanh nhà ga, tạo nguồn thu từ quỹ đất các tuyến metro; đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố (đối với các dự án đầu tư nhóm A); thực hiện xã hội hóa các khu đất có quy hoạch thể dục thể thao trên địa bàn thành phố. Đây là những đột phá góp phần cải thiện môi trường đầu tư của TP Hồ Chí Minh.

Trong 92 dự án được Tổ công tác kết luận hướng xử lý vướng mắc nêu trên, hiện có 35 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 320 nghìn tỷ đồng, cơ bản thực hiện xong nội dung chỉ đạo, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. 57 dự án cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các Bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Hiện, thành phố có gần 447.380 DN, trong đó có 431.536 DN trong nước (chiếm 96,46% tổng số DN của thành phố), 15.843 DN FDI (chiếm 3,54% tổng số DN thành phố). Về cơ cấu, thành phần DN: DN có quy mô vốn điều lệ dưới 3 tỷ đồng hơn 284 nghìn DN, chiếm hơn 64,4%; DN có quy mô vốn điều lệ từ 3 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng khoảng 119.800 DN, chiếm 26,14%; DN có quy mô vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng có 33.506 DN, chiếm 7,25%; DN có quy mô vốn điều lệ từ 100 tỷ trở lên có 10.062 DN chiếm 2,18%.

Toàn cảnh hội nghị ngày 19 - 3 

Trong năm 2020, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đóng góp 54,76% vào GRDP, khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đóng góp 19,05% vào GRDP, khu vực kinh tế Nhà nước đóng góp 13,5% vào GRDP (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 12,69% GRDP). Cũng trong năm 2020, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn nước ngoài đã đóng góp hơn 152 nghìn tỷ đồng vào thu nội địa của thành phố (tính chung cả giai đoạn 2016 -2020, hai khu vực này đóng góp hơn 603 nghìn tỷ đồng).

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “Thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết các khó khăn của các DN, nhà đầu tư bằng hành động thực chất, cụ thể. Thành phố cũng mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều hơn nữa các dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ công tác về đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, đem lại hiệu quả đầu tư cho các doanh nghiệp.”

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư của thành phố, song hoạt động của Tổ công tác vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục bằng các giải pháp cụ thể, căn cơ để hiệu quả hoạt động được nâng thêm một bước, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho cộng đồng DN, nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiệu quả kinh doanh cho DN nói riêng.

Tại hội nghị, UBND TP Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận đầu tư cho tám dự án với tổng vốn đầu tư 23.145 tỷ đồng; trao chủ trương đầu tư cho năm dự án, tổng vốn đầu tư gần 15 nghìn tỷ đồng; trao giấy phép xây dựng cho dự án chung cư Cô Giang, quận 1 với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, UBND TP Hồ Chí Minh trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC triển khai dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuộc TP Thủ Đức với tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm hình thành và phát triển khu trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng.