Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan yêu cầu sở ngành, địa phương mở đợt cao điểm xử lý và đặt mục tiêu cuối năm nay chấm dứt ô nhiễm tiếng ồn karaoke.
Yêu cầu này được ông Hoan đưa ra tại cuộc họp cùng các sở, ngành bàn các giải pháp xử lý tiếng ồn do karaoke gây ra, sáng 9/3.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan chỉ đạo kết luận cuối cuộc họp. Ảnh: Hữu Công.
Theo đó, thành phố sẽ giải quyết nạn tiếng ồn karaoke trong hai giai đoạn. Từ nay đến cuối tháng 5, chính quyền tập trung tuyên truyền nhắc nhở người dân, các cơ sở kinh doanh; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan xử lý tiếng ồn. "Giai đoạn này chưa xử lý vi phạm hành chính mà chủ yếu để người dân ý thức hơn", ông Hoan nói và đặc biệt lưu ý các chung cư cần quy định không hát karaoke vì không gian nhỏ, ảnh hưởng nhiều người.
Giai đoạn hai, từ tháng 6 đến cuối năm, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi gây tiếng ồn từ karaoke theo các Nghị định liên quan gồm: 100, 167, 155 và 98. "Quy định có hết rồi, quan trọng là sự phối hợp và không được lấy lý do thiếu người hay thiết bị đo nữa. Chính quyền phải xử lý nghiêm vì cái chung", ông Hoan nói và cho biết mục tiêu đến cuối năm thành phố chấm dứt tiếng ồn từ karaoke.
Loa thùng được một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp phục vụ khách hát karaoke. Ảnh: Ngọc Bích.
Trước đó, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết tiếng ồn phát sinh chủ yếu từ các nguồn: dịch vụ karaoke, điểm vui chơi, vũ trường, quán bar, beer club; quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa công suất lớn; hát karaoke ở hộ gia đình; nhạc ở tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật, liên hoan; nhạc quảng cáo ở siêu thị, chợ, địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa...).
Theo bà Mỹ, các trường hợp gây ồn sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 155 Chính phủ, mức xử phạt 1-160 triệu đồng. Tuy nhiên, muốn phạt cơ quan chức năng cần có kết quả đo đạc bởi đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Vi phạm tiếng ồn còn bị xử lý theo Nghị định 167, nhưng mức phạt 100.000-300.000 đồng chưa đủ sức răn đe. Quy định chỉ được xử phạt từ 22h đến 6h nên ngoài khung giờ này, cơ quan chức năng khó xử lý khi xảy ra tiếng ồn.
Ngoài ra, việc xử lý vi phạm tiếng ồn còn gặp vướng mắc như khi phát hiện đoàn kiểm tra, người vi phạm ngưng hoặc giảm âm lượng loa gây khó trong xử lý; pháp luật chưa có quy định cụ thể xử lý tiếng ồn từ loa kéo hát karaoke... Chính những tồn tại này nên trong hai năm 2019-2020, thành phố chỉ xử lý được 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn ở khu dân cư.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ tại cuộc họp. Ảnh: Hữu Công.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố kiến nghị Trung ương sửa một số quy định trong xử lý tiếng ồn như: tăng thẩm quyền xử phạt cho chủ tịch UBND xã, phường; tăng mức xử phạt; không giới hạn thời gian xử lý vi phạm. Đồng thời cần kiến nghị bổ sung xử phạt nhóm hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư; sửa đổi quy định về đo độ ồn nền và đo tần suất ồn...
Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương cho biết những ngày qua, khi địa phương xử lý mạnh, các quán nhậu dùng loa công suất lớn tỏ ra e dè. Tuy nhiên khi lực lượng kiểm tra rút về, tiếng ồn trở lại như cũ. Chính quyền cơ sở cũng gặp khó trong xử lý tiếng ồn từ loa karaoke kéo gắn vào xe máy chạy loanh quanh trên đường, len lỏi từng khu phố. Do vậy cơ quan chức năng cần quy định cụ thể để xử phạt những trường hợp gây ồn "di động" này.