VNHN - Vừa qua, HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 nhất trí đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu) thành Lê Văn Duyệt theo đề nghị của UBND TP.
HĐND TP.HCM đã nhất trí đổi tên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu) thành Lê Văn Duyệt. (Nguồn: Internet)
Tại kỳ họp thứ 20, các đại biểu thuộc HĐND TP.HCM khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã cùng thống nhất thông qua nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đổi tên một phần đường Đinh Tiên Hoàng dài 947m, lộ giới 30m tại quận Bình Thạnh (đoạn từ cầu Bông đổ xuống Phan Đăng Lưu) mang tên của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Trước đó, để xây dựng tờ trình này, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã lấy ý kiến của Hội Khoa học lịch sử TP.HCM và Hội Di sản văn hóa TPHCM. Cả Hội Khoa học lịch sử TP.HCM và Hội Di sản văn hóa TPHCM đã có ý kiến thống nhất vào tháng 4/2020.
Chính thức đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt. (Nguồn: Internet)
Song song đó, UBND quận Bình Thạnh cũng đã tổ chức lấy ý kiến của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và ý kiến của nhân dân trên địa bàn phường 1, phường 3 (quận Bình Thạnh).
Theo lịch sử, trước 1975 Sài Gòn từng có con đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Cách Mạng Tháng 8, bắt đầu từ ngã sáu Phù Đổng đến ngã tư Bảy Hiền, có tài liệu ghi kéo dài đến quốc lộ 1 (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh).
Lê Văn Duyệt (1764-1832) là Võ tướng từ thời Chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, phò tá hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, được thăng chức Khâm Sai Chưởng Tả quân Doanh Bình Sơn Tướng quân, tước Quận Công. Ông đã 2 lần làm Tổng trấn Gia Định thành, lần 1 từ năm 1812 đến 1815 (thời vua Gia Long), lần 2 từ năm 1820 đến 1832 (thời vua Minh Mạng). Tả quân Lê Văn Duyệt còn là một nhân vật lịch sử có công lao to lớn trong việc xây dựng, phát triển, bảo vệ vùng đất Gia Định và Nam bộ thế kỷ XVIII-XIX.
Đoạn từ cầu Bông đổ xuống Phan Đăng Lưu. (Nguồn: internet)
Trên cơ sở đề nghị của UBND TP.HCM, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đã có ý kiến thống nhất vào ngày 7/7/2020. Bên cạnh đó, kết quả trên thực địa tiếp xúc dân cư và trên văn bản báo cáo đều có sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư. Trong đó, phần lớn người dân ở quận Bình Thạnh đồng ý với đề xuất trên, với tỷ lệ 65% (516 hộ).
Trong phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với tờ trình của UBND TP.HCM về việc bổ sung quỹ tên và đặt đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt./.