VNHN - Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN.
Ngày 25/6, trả lời báo chí, Tổng thư ký Lim Jock Hoi cho rằng chủ đề của Năm Chủ tịch Việt Nam về xây dựng một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” rất phù hợp với tình hình hiện nay, đồng thời khẳng định Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 là “minh chứng cụ thể” cho tình đoàn kết và vai trò lãnh đạo của ASEAN được thể hiện qua hợp tác khu vực mạnh mẽ. Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết của việc đoàn kết trong khu vực nhằm ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định cam kết chung thúc đẩy hợp tác khu vực trong việc giải quyết các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, và đảm bảo chuỗi cung ứng khu vực.
Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Ảnh: Trọng Hải
Theo Tổng thư ký Lim Jock Hoi, ASEAN có trách nhiệm tiếp tục hợp tác để đưa ra phản ứng chung trước dịch bệnh COVID-19 nhằm bổ trợ và tăng cường cho các phản ứng quốc gia và địa phương. Do vậy, hội nghị cấp cao lần này là dịp để ASEAN tăng cường hơn nữa sự gắn kết và chủ động thích ứng của mình, phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020.
Về những nội dung chính của hội nghị, Tổng thư ký Lim Jock Hoi cho biết hội nghị lần này tái khẳng định sự cần thiết của kế hoạch phục hồi khu vực mà ASEAN đang tập trung xây dựng sau Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 được tổ chức vào tháng 4 vừa qua. Kế hoạch trên sẽ có sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ ở các quốc gia thành viên ASEAN, các ngành công nghiệp, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác. Ông cho biết ASEAN mong đợi nỗ lực hợp tác lớn hơn trong việc chia sẻ thông tin và kiến thức, trong phát triển y tế, cũng như trong các chính sách đối nội về an sinh xã hội và y tế. Bên cạnh đó, việc quản lý rủi ro về sức khỏe cộng đồng và kế hoạch phục hồi nền kinh tế cho tới khi tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả bằng vaccine cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Một trọng tâm khác của hội nghị là đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN với các bên chủ chốt có liên quan của Cộng đồng ASEAN trong đó có thanh niên, cộng đồng doanh nghiệp và các nghị sĩ.
Bình luận về ý kiến cho rằng đại dịch COVID-19 đã không thể ngăn ASEAN tăng cường hợp tác theo tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, Tổng thư ký Lim Jock Hoi cho biết, ngay từ đầu, các quốc gia thành viên đã nhanh chóng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Phản ứng nhanh chóng và chia sẻ thông tin giữa các quan chức y tế ASEAN, sự hợp tác mạnh mẽ giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài như ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo ông, ASEAN đã hợp tác và nhanh chóng ứng phó với đại dịch thông qua hai Hội nghị cấp cao đặc biệt cũng như nhiều biện pháp được triển khai trong từng lĩnh vực. Tổng thư ký Lim Jock Hoi cho biết nhiệm vụ cấp bách của ASEAN trong thời gian tới là đưa ra một kế hoạch phục hồi mạnh mẽ, toàn diện và thiết thực nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế xã hội của đại dịch.
Tổng thư ký Lim Jock Hoi khẳng định trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm được nhiều việc và "thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch", đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là việc giúp đỡ một số nước thành viên ASEAN cũng như một số nước đối tác đối thoại trong việc ứng phó với đại dịch. Ông cũng gửi lời cảm ơn Việt Nam về vai trò dẫn dắt ASEAN trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 và chúc mừng Việt Nam về thành tích chống dịch hiệu quả. Theo Tổng thư ký ASEAN, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng, chống dịch trong nước, đã không có ca nhiễm trong cộng đồng nào từ nhiều tuần nay và hiện Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi.
Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, các công việc cũng đang được tiến hành nhằm thiết lập “Quỹ ASEAN ứng phó với dịch COVID-19”, kho dự trữ vật tư y tế, và quy trình vận hành tiêu chuẩn trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Việt Nam cũng đã khởi động các cuộc thảo luận về Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025. Đây là điều rất quan trọng, giúp ASEAN gắn kết và thích ứng tốt hơn trong tiến trình hội nhập khu vực, đồng thời thích nghi với trạng thái “bình thường mới” hiện nay và rút ra các bài học quan trọng./.