VNHNO - Trước thềm Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI lần thứ 14) diễn ra vào ngày 19- 22/9/2018 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai, Tiến sĩ Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trả lời phỏng vấn về những thành tựu và đóng góp của Kiểm toán Nhà nước trong nhiều năm qua.
Đại hội ASOSAI 14 là sự kiện quốc tế cấp Bộ trưởng có quy mô lớn nhất của ASOSAI lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, dự kiến sẽ có khoảng 350 đại biểu đến từ 46 quốc gia với cấp trưởng đoàn tương đương từ Bộ trưởng trở lên. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch chính thức của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á nhiệm kỳ 2018 -2021.
Xin ông cho biết những kết quả mà Kiểm toán Nhà nước đạt được nhằm tăng cường minh bạch ngân sách nhà nước.
Từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.240 tỷ đồng, trong đó, 2 năm 2016-2017, đã kiến nghị xử lý tài chính 129.732 tỷ đồng, chiếm 36,7% so với tổng số kiến nghị từ khi thành lập; 8 tháng đầu năm 2018 đã kiến nghị xử lý tài chính 32.595 tỷ đồng. Đặc biệt, kiến nghị xử lý tài chính trong những năm qua đã được phần lớn các đơn vị chấp hành nghiêm túc, số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2015 tỷ lệ thực hiện là 64,3%, năm 2016 là 75,6% và năm 2017 là 78,2%).
Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp nhiều thông tin, kiến nghị quan trọng và kịp thời để Quốc hội xem xét, phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho Chính phủ, cơ quan quản lý sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế.
Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và kiến nghị các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng; đồng thời Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hàng trăm văn bản có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công không phù hợp với thực tiễn hoặc trái với quy định, tạo lỗ hổng, gây thất thoát nguồn lực công (tính riêng trong giai đoạn 2011-2017 Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 669 văn bản), kiến nghị hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, bịt các lỗ hổng cơ chế, chính sách làm thất thoát nguồn lực công. Những kiến nghị sửa đổi hay hủy bỏ văn bản đó đã góp phần quan trọng làm minh bạch ngân sách nhà nước, quản lý tài chính công, tài sản công hiệu quả và lành mạnh nền tài chính quốc gia, đồng thời thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để có được những kết quả trên, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai đẩy mạnh những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
Để đạt được những kết quả trên, Kiểm toán Nhà nước luôn chủ động cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước thông qua việc xây dựng và triển khai các đề án, chương trình hành động, kế hoạch công tác kịp thời, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện đặc thù của Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt là việc lựa chọn đúng chủ đề kiểm toán, những lĩnh vực nhiều lỗ hổng dễ xảy ra thất thoát được xã hội quan tâm, như: BOT, BT, đất đai, xây dựng cơ bản... Đồng thời, chú trọng thường xuyên giáo dục, đào tạo nâng cao đạo đức, năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên trong hoạt động công vụ, đảm bảo tất cả các hoạt động của kiểm toán viên theo hướng “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng” nhằm tăng cường hơn nữa uy tín, trách nhiệm và niềm tin của kiểm toán viên, hình ảnh Kiểm toán Nhà nước trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán, đồng thời thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện, qua đó đã nâng cao chất lượng, hiệu lực kiểm toán, nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kiểm toán và áp dụng công nghệ cao trong kiểm toán một số lĩnh vực, như kiểm toán đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm toán tài nguyên, khoáng sản...; 100% các cuộc kiểm toán, sau khi kết thúc đều được đánh giá, chấm điểm, bình xét và xếp loại đối với từng Kiểm toán viên, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và Trưởng Đoàn kiểm toán là cơ sở đánh giá năng lực và bình xét thi đua. Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát kiểm toán viên, như Nhật ký online điện tử; kiểm soát đột xuất; thanh tra đột xuất...
Bên cạnh đó, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước luôn quan tâm, phát động phong trào đăng ký và bình chọn các cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng để kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kiểm toán. Điều cơ bản là phải nâng cao trình độ năng lực và đạo đức, lòng tự tôn nghề nghiệp, xác định con người là trung tâm của mọi thắng lợi. Tổ Kiểm toán có vai trò quan trọng, quyết định kết quả kiểm toán.
Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, từ đó đưa ra các kiến nghị gì để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách, thưa ông?
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công, qua đó đã kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời, bịt lỗ hổng, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước. Một số kết quả nổi bật trong thời gian qua được các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội quan tâm, như: Cơ chế về đối tác công tư; việc quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng tài nguyên, khoáng sản; kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp; kiểm toán đề án tái cơ cấu doanh nghiệp; các tổ chức tài chính - ngân hàng; kiểm toán công nghệ thông tin đã được chú trọng.
Kiểm toán, đánh giá về cơ chế đối tác công tư: Ngoài việc kiến nghị xử lý tài chính, truy thu nộp ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, lỗ hổng của cơ chế, chính sách liên quan tới loại hình đầu tư công, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Kiểm toán đánh giá công tác quản lý, sử dụng đất đai: Chỉ rõ việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch chung; không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phù hợp với quy định; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo; xác định giá đất còn nhiều bất cập, sai sót, hạn chế đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng... Đồng thời, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực đất đai.
Trong kiểm toán công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất cập làm giảm thu, thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời chỉ rõ các sai phạm thường xảy ra, như: Cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép thăm dò khoáng sản sai quy định; khai thác trái phép, vượt công suất, khai thác khi giấy phép đã hết hạn, vượt ranh giới, vượt trữ lượng cấp phép; việc xác định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản còn chưa kịp thời, chưa đúng quy định, trong khi công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng Kiểm toán Nhà nước trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, trong thời gian tới ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp nào, thưa ông?
Để Kiểm toán Nhà nước đạt được các mục tiêu đến năm 2020 như Chiến lược Phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã đề ra, Kiểm toán Nhà nước luôn bám sát nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để Kiểm toán Nhà nước luôn hoạt động đúng định hướng, phục vụ tốt nhất việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đầy đủ khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức và hoạt động kiểm toán, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, bảo đảm tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước độc lập, hoạt động hiệu quả, trở thành công cụ quan trọng, hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát tài chính công và tài sản công.
Hoàn thiện tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước theo hướng nâng cao bộ máy tinh gọn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mỗi kiểm toán viên là một chuyên gia trong kiểm toán lĩnh vực được giao. Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung thu hút nhân tài, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, chuyên gia các lĩnh vực và tăng cường công tác đào tạo thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực cho cán bộ, kiểm toán viên; chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm toán hoạt động việc quản lý tài chính công, tài sản công nhằm xác định tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả, trong đó tập trung kiểm toán các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, quy mô các cuộc kiểm toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán; xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu, số hóa dữ liệu, áp dụng phần mềm hỗ trợ kiểm toán trong các lĩnh vực, trong lập kế hoạch, báo cáo, quản lý, điều hành và theo dõi kết quả kiểm toán; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương; cấp ủy và chính quyền địa phương. Đẩy mạnh việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nghiêm túc, kịp thời.
Chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước, trong đó tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược với một số cơ quan kiểm toán tối cao có thế mạnh trên một số lĩnh vực, đẩy mạnh việc trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ nhằm tăng cường năng lực cho Kiểm toán Nhà nước; hoàn thành tốt vai trò là Chủ tịch các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!