VNHN - Ngày 18/4, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị hải quan kiểm tra thực tế để xác định lượng hàng hóa thực xuất khẩu, các đơn vị sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, không yêu cầu doanh nghiệp phải dỡ hàng ra khỏi container (đối với hàng hóa đóng trong container).
Để hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương trong việc kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo xuất khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đã có hướng dẫn cụ thể về cách thức kiểm tra mặt hàng này. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan kiểm tra hồ sơ để xác định gạo xuất khẩu đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tổng cục Hải quan đề nghị việc kiểm tra gạo xuất khẩu không yêu cầu doanh nghiệp phải dỡ hàng ra khỏi container. Ảnh: Internet
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, khối lượng hàng hóa phải được kiểm tra qua cân, được cơ quan hải quan ghi nhận để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, cơ quan hải quan căn cứ khối lượng hàng hóa thực tế được xếp lên phương tiện vận tải của hãng tàu hoặc đơn vị xếp dỡ để xác nhận số lượng thực tế xuất khẩu. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên theo quyết định của Tổng cục Hải quan, cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện việc kiểm tra hồ sơ (luồng Vàng) và thực hiện biện pháp kiểm soát lượng gạo xuất khẩu theo hướng dẫn nêu trên.
Ngoài ra, với các lô hàng đã được vận chuyển đến cửa khẩu xuất, nhưng đăng ký tờ khai hải quan tại chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, đã được hệ thống phân luồng kiểm tra thực tế hàng hóa, chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện kiểm tra thực tế theo đề nghị của chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai. Để đảm bảo việc thực hiện theo đúng hướng dẫn, Cục Giám sát quản lý về hải quan đề nghị cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra, theo dõi việc thực hiện của công chức hải quan, không để tình trạng phiền hà, sách nhiễu, gây bức xúc cho doanh nghiệp.