24/11/2024 lúc 14:48 (GMT+7)
Breaking News

Tọa đàm: “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không”

Bám sát định hướng, quan điểm của Đảng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đó coi phát triển hạ tầng hàng không là một trong những trọng tâm và đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được và sau quá trình khởi động có thể coi là suôn sẻ thì việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hàng không cần phải tiếp tục “kích hoạt” một giai đoạn mới với tốc độ nhanh hơn, có thể vượt “gió ngược” để cất cánh.

Các khách mời tham gia Tọa đàm

Để có góc nhìn toàn diện về vấn đề này, sáng 23/6, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” với sự tham dự của các khách mời: Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy; Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Anh Dũng; Nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu; Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - điều phối chương trình Tọa đàm, nhằm phân tích, đánh giá, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích kỹ về thực trạng hạ tầng hàng không hiện nay, những kết quả đạt được, điểm yếu, các cơ hội và thách thức đặt ra đối với phát triển hạ tầng hàng không cũng như đề xuất các giải pháp để thu hút và huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không…

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Anh Dũng, hiện nay, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và 1 cảng hàng không đã kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh. Giai đoạn 2011-2019, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới.

Tốc độ phát triển rất nhanh của vận tải hàng không đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Giai đoạn 2011 – 2019, kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam có công suất thiết kế là 95 triệu lượt hành khách/năm trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước COVID-19 năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đã đạt 116,5 triệu hành khách/năm (vượt khoảng hơn 20 triệu lượt khách) và với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng, nhất là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.

Các vị khách mời đều có chung nhận định, hạ tầng hàng không hiện nay quá tải so với nhu cầu phát triển của đất nước và chúng ta phải có cách thức để mở rộng bởi vì nghẽn ở đây không chỉ là chuyện đi lại mà còn nghẽn cả nền kinh tế, không thể kết nối, không thể phát triển du lịch, không thể thu hút đầu tư…

Đại diện lãnh đạo địa phương đầu tiên của Việt Nam triển khai, thu hút đầu tư 1 sân bay tư nhân, Sân bay Quốc tế Vân Đồn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã chia sẻ về những cách làm, bài học hay, kinh nghiệm quý của Quảng Ninh trong thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tâng sân bay.

Ông Cao Tường Huy khẳng định, cảng hàng không Vân Đồn là công trình động lực mà địa phương xác định phải đầu tư. Đây cũng là cảng hàng không đầu tiên mà Chính phủ giao cho Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện và cũng là cảng hàng không đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT. Được khởi công từ năm 2015, công trình đã được khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 3/12/2018.

Ông Nguyễn Anh Dũng, chuyên gia Lương Hoài Nam và TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Đây là cảng hàng không mà tôi cho rằng đã thành công. Tất cả hành khách đi qua cảng hàng không này đều cảm thấy tiện nghi, mang dáng dấp riêng có của 1 cảng hàng không bên bờ vịnh Hạ Long – di sản thế giới”, ông Cao Tường Huy bày tỏ và cho biết từ thực tiễn xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm lớn. Cần cải tiến phương pháp tổ chức đầu tư, cải cách hành chính để quyết tâm lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết. Phải quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bởi đây là khâu quyết định để hỗ trợ nhà đầu tư nhanh nhất, tiết kiệm nhất các chi phí đầu tư.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư vào hạ tầng hàng không cũng đã được các đại biểu đề cập tại Tọa đàm, trong đó đáng lưu ý Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam khái quát khó khăn vướng mắc bằng 4 chữ: "Chưa có đường đi". Tức là nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa.

Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam lo ngại việc nếu các nhà đầu tư không được quyền tham vấn, không được đề xuất về quy hoạch thì sẽ rất khó kiếm được nhà đầu tư. Từ đó, ông Nam kiến nghị cần có cơ chế cho các nhà đầu tư có quyền tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay có ý định thực hiện xã hội hóa.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên nhiều kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thu hút và huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh giải pháp phải lựa chọn được những nhà đầu tư tâm huyết và trách nhiệm, có năng lực tài chính, kinh nghiệm cũng như nghiệp vụ làm sân bay.

Về cơ chế chính sách, phải sửa đổi tất cả các luật có liên quan để tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi nhất. Bên cạnh kêu gọi các nhà đầu tư, cần tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến Trung ương trong quá trình thực hiện các dự án. Cần “trải thảm” về cơ chế chính sách và nhất là thủ tục hành chính đơn giản, mạch lạc và không có những rủi ro cho nhà đầu tư./.

Xuân Nam