VNHN - Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu, làm một người tử vong tại tỉnh Đăk Nông. Tại tỉnh Kon Tum đã có 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Ba năm trở lại đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, nhiễm trùng, nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây nên qua đường hô hấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh bạch hầu. Do một bộ phận trước đây chưa được tiêm chủng vắc xin bạch hầu; việc miễn dịch bệnh bạch hầu có giới hạn duy trì được 10 năm. Và sẽ giảm dần nếu không được tiêm bổ sung.
Điều đáng nói là trường hợp bệnh nhân nam, người dân tộc Ja Rai, sinh năm 2010, ở làng O, xã Ya Xiar, huyện Sa Thầy là người khỏe mạnh mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy. 3 trường hợp khác đều ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô. Các bênh nhân khi nhập viện đều có triệu chứng bị sốt, ho, đau họng và sưng a bi đan. Hiện cả các bệnh nhân đều được cách ly, có sức khỏe ổn định.
Đại diện lãnh đạo ngành Y tế các tỉnh cho biết giải pháp căn bản, hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu bùng phát là triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho tất cả mọi người, để tạo miễn dịch cho cộng đồng; giám sát chặt chẽ các ổ dịch đang hoạt động; phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để cách ly, điều trị, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; đề nghị Cục Y tế dự phòng, thuộc Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ vắc-xin và vật tư để triển khai thực hiện phòng chống bệnh bạch hầu./.