15/01/2025 lúc 05:39 (GMT+7)
Breaking News

Tình cảm đặc biệt Bác dành cho Hưng Yên qua 10 lần về thăm

"Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về; xây dựng tổ đổi công; thanh toán nạn mù chữ và giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh mùa hè”, Bác đã căn dặn như thế khi về thăm xã Vạn Xuân.

"Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về; xây dựng tổ đổi công; thanh toán nạn mù chữ và giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh mùa hè”, Bác đã căn dặn như thế khi về thăm xã Vạn Xuân.

Bác Hồ về thăm Hưng Yên ngày 16-9-1961

Hưng Yên tự hào là quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho tỉnh Hưng Yên với 10 lần về thăm.

Lần thứ nhất

Bác về thăm Hưng Yên vào ngày mùng 10 tháng 1 năm 1946. Bác nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Hưng Yên, động viên phong trào đắp đê chống lụt. Người căn dặn nhân dân Hưng Yên "phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói".

Lần thứ hai

Bác về Hưng yên vào ngày 21 tháng 10 năm 1946, sau khi kết thúc chuyến thăm theo lời mời của Chính phủ Pháp. Hồ Chủ Tịch về nước bằng tàu biển. Từ Hải Phòng đến Hà Nội bằng tàu hỏa, tới ga Đình Dù (huyện Văn Lâm), Bác đã nói chuyện với cán bộ nhân dân ra chào đón Bác. Tàu chuyển bánh, nhân dân đã hô vang khẩu hiệu: "Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh", "Hồ Chủ Tịch muôn năm"!

Lần thứ ba

Ngày mùng 5 tháng 01 năm 1958 Hồ Chủ Tịch về thăm Hưng Yên. Sau khi làm việc với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bác đã nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện, xã về chống hạn để sản xuất. 14 giờ chiều cùng ngày, Người về thăm đồng bào Tiên Lữ đang vét ngòi Triều Dương và dân công đào sông từ Phố Giác đến chợ Thi. Tại đây, khi nói chuyện với cán bộ dân công, Người căn dặn: "Làm thủy lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời". (Sau ngày Bác về thăm, con sông này được mang tên là sông Bác Hồ).

Lần thứ tư

Ngày mùng 3 tháng 7 năm 1958, Hồ Chủ Tịch về dự và nói chuyện với Đại hội thi đua sản xuất vụ mùa giỏi tỉnh Hưng Yên. Bác đã động viên nhân dân Hưng Yên quyết tâm chống hạn và thưởng Huy hiệu cho một xã có thành tích chống hạn khá nhất.

Sau khi nói chuyện ở Đại hội, Hồ Chủ Tịch về thăm xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm) - nơi có thành tích đào giếng lấy nước cứu lúa. Tại đây, Bác đã nhắc nhở cán bộ và nhân dân: "Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về"; xây dựng tổ đổi công; thanh toán nạn mù chữ và giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh mùa hè.

Lần thứ năm

Ngày 20 tháng 9 năm 1958, Hồ Chủ Tịch về thăm và kiểm tra việc chuẩn bị khởi công xây dựng Công trường đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải. Bác nói: "Công trình Bắc - Hưng - Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng lên".

Bác Hồ làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên về sản xuất vụ mùa và chống hạn (ngày 3-7 năm 1958)

Lần thứ sáu

Ngày 16 tháng 10 năm 1958, Hồ Chủ Tịch về thăm công trình Đại thủy nông Bắc -Hưng - Hải. Bác đã đến thăm bộ phận dân công đang đào sông Đình Dù đoạn Như Quỳnh, Chợ Đậu (huyện Văn Lâm) gồm hơn một vạn dân công của các huyện Thuận Thành, Gia Lương (Bắc Ninh) và Văn Lâm, Ân Thi, Phù Cừ, thị xã Hưng Yên, Tiên Lữ (Hưng Yên). Bác đã thưởng ba Huy hiệu cho các đơn vị và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Lần thứ bảy

Ngày 25 tháng 10 năm 1958, Bác về thăm công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải lần thứ 3. Tại đây, Người đã nói chuyện với cán bộ dân công đang làm việc tại công trường. Bác động viên mọi người hăng hái thi đua lập nhiều thành tích để công trình hoàn thành trước kế hoạch

Lần thứ tám

Ngày 20 tháng 2 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ tư. Bác đến thăm anh chị em công nhân đang làm việc ở cống Xuân Quan (Văn Giang) và thăm nhân dân xã Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Lần thứ chín

Người về thăm và nói chuyện tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc (họp tại Hưng Yên), bàn nhiệm vụ, phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa công tác thủy lợi tiến lên phục vụ tốt kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế nông nghiệp.

Hưng Yên là một trong những tỉnh có thành tích xuất sắc về thủy lợi. Tại Hội nghị, Bác đã trao cờ Làm thủy lợi khá nhất cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Bác cũng đã về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động. Bác căn dặn: "Nghĩa Dân là dân phải có nghĩa với Tổ quốc vì cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Dân đã thực hiện tốt phong trào hợp tác hóa, thực hành tiết kiệm và sản xuất tốt góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vững mạnh, làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà".

Bác dặn dò cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Dân hăng hái phát huy tốt đẹp truyền thống của xã. Khi đến thăm nhà mẫu giáo Nghĩa Dân, Bác căn dặn các cô giáo và cán bộ phải quan tâm, chăm sóc thế hệ mầm non. Bác nói: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm phải trồng người"!

Nhớ lại khoảnh khắc xúc động đó, Anh hùng lao động Vũ Thị Tỵ, thôn Triều Dương, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ bồi hồi kể lại: "Chúng tôi đi lên trên đó thì được nghe Bác nói, chịu khó làm công tác thủy lợi, khó nhọc vài năm, khổ vài năm nhưng sung sướng muôn đời. Qua lời Bác dạy như thế mà thấm thía vào trong tim mắt. Từ đó tôi về cùng xã thành lập đội Thủy Lợi, làm phong trào thủy lợi để đưa đời sống của dân lên".

Lần thứ mười

Ngày mùng 5 tháng 2 năm 1966, Bác về thăm đơn vị công binh đang diễn tập bắc cầu phao trên sông Hồng. Tại đây, Người đã nói chuyện với dân quân trực chiến tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, động viên cán bộ chiến sĩ và nhân dân đoàn kết một lòng chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ thống nhất nước nhà./.