VNHN- Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vĩ đại của dân tộc ta, tôi đã từng được nghe và biết đến nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh lưu danh sử sách. Thế nhưng có một trận huyết chiến đã diễn ra ở Phước Yên cách đây 52 năm về trước mà cho đến tận bây giờ tôi mới được nghe kể lại. Đó là một trận huyết chiến không cân sức của một tiểu đoàn lính giải phóng với bầy sói hung hãn được trang bị tối tân của địch. Chuyện kể về Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3 – Trung đoàn Do An anh hùng.
Những ngày cuối tháng 7, trong một lần tác nghiệp tại Phường Hải An, thị xã Nghi Sơn, tôi tình cờ được biết đến bác Nguyễn Trọng Lương với tư cách là một Đảng viên cương trực, thẳng thắn của địa phương. Có chút ngưỡng mộ về khí chất của người đảng viên cao tuổi, tôi được biết, bác là một cựu chiến binh, cựu tù Côn Đảo sống sót trở về. Mang theo sự ngưỡng mộ đó, tôi tìm đến nhà bác Nguyễn Trọng Lương vào cuối ngày làm việc. Tiếp tôi với một tinh thần cởi mở, thân thiện, bác kể cho tôi nghe về con đường đến Côn Đảo của bác. Qua câu chuyện đó, tôi mới được biết đến Phuớc Yên và hơn 500 chiến sỹ giải phóng đã chiến đấu anh dũng cho đến những hơi thở cuối cùng.
Chuyện rằng, tháng 4 năm 1968, sau đợt 1 của chiến dịch Mậu Thân, Tiểu đoàn 8 (K8), thuộc trung đoàn 3, sư đoàn 324B được giao nhiệm vụ kéo giãn lực lượng địch để tạo điều kiện cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy đợt 2. Với tư cách là chính trị viên đại đội, 10h tối 23/04, bác Nguyễn Trọng Lương nhận lệnh lên tiểu đoàn, với tinh thần nhiệm vụ: Sẵn sàng hi sinh một bộ phận nhỏ để dành thắng lợi toàn cục.
Tiểu đoàn K8 di chuyển từ rừng Hương Trà xuống Thanh Lương (Thanh Xuân – Thừa Thiên Huế). Sau khi di chuyển đến Thanh Lương, K8 bị lộ và bị địch dồn toàn bộ lực lượng bủa vây, ép K8 phải đầu hàng. Ngày 26/04, trong khi K8 đang đào công sự thì địch huy động hai tiểu đoàn Kỵ binh bay cùng 5 Tiểu đoàn của Sư đoàn I bộ binh Việt Nam Cộng Hòa được pháo, xe tăng, và máy bay yểm hộ, quyết bao vây tiêu diệt K8. Những ngày cuối tháng tư, Phước Yên hoang tàn xơ xác bởi những trận oanh tạc của Mỹ - Ngụy. Những người lính giải phóng trẻ tuổi mười tám đôi mươi nhưng quả cảm và kiên trung đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Sau những đợt không kích, pháo kích đẫm máu, địch lại dùng trực thăng phát loa phong thanh kêu gọi bộ đội ta bỏ vũ khí đầu hàng. Thế nhưng đáp lại những lời dụ dỗ của chúng là những loạt đạn AK và đạn cối chát chúa không có vẻ khuất phục. Không dụ hàng được K8, địch đã dồn toàn bộ lực lượng tấn công. Bộ đội ta đã quần nhau với một lực lương địch gồm 7 tiểu đoàn hung hãn được yểm hộ tối tân, có hỏa lực mạnh hơn K8 cả chục lần. Sau một tuần đánh nhau và cầm cự với địch, các chiến sỹ K8 chỉ ăn gốc mía cầm hơi mà chiến đấu. Bác Lương giọng run run, xúc động kể: “Đêm thì pháo sáng, ngày thì máy bay, các chiến sỹ ta không hề có cơ hội để tác chiến với lực lượng yểm hộ giải vây phía ngoài. Đó là những ngày ác liệt mà các cháu không thể hình dung được”. Trận quyết tử của các chiến sỹ K8 ở Phước Yên, trên chiến trường Thừa Thiên đã trở thành một trận huyết chiến bi tráng trong lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta. Dòng sông Bồ (một nhánh của sông Hương) chảy qua Thanh Lương nhuốm đỏ ngục máu của bộ đội K8. Đến ngày 28/04, khi bộ đội ta đã hết đạn, địch cho máy bay dùng lựu đạn cay xả xuống trận địa, những chiến sỹ còn lại của K8 mê hết. Anh em chiến sỹ bị thương, khát nước, tìm men xuống sông bồ uống nước, máu loang đỏ dòng sông. Đêm 29/4, với tất cả tinh thần quả cảm, cán bộ, chiến sĩ K8 đã tổ chức chiến đấu và mở đường máu vượt qua vòng vây. Xác định đây là phương án táo bạo, và chấp nhận hy sinh, nhưng để tránh những tổn thất cho dân làng thì đây là phương án tốt nhất, K8 hy sinh là điều được ban chỉ huy lường trước.
Dòng Sông Bồ đoạn qua xã Quảng Thọ - chứng tích trận đánh huyền thoại của các chiến sỹ K8 (ảnh sưu tầm)
Sau một tuần giao tranh với địch, dù diệt được hơn 200 lính Mỹ nhưng K8 đã bị tổn thất nặng nề. hơn 500 chiến sỹ của tiểu đoàn hy sinh gần hết, số sống sót chỉ còn đúng 46 người, trong đó có Tiểu đoàn trưởng và cán bộ tác chiến Quân khu. Lực lượng bộ đội địa phương cũng hi sinh rất nhiều trong trận đánh sinh tử này. Sau 5 ngày đêm chiến đấu, hơn 500 chiến sỹ của K8 đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng sông Bồ và trên trận địa Phước Yên. Bản thân bác Nguyễn Trọng Lương, khi đó là Chính trị viên Đại đội cũng bị địch bắt và đưa về giam giữ, khai thác tại nhà tù Côn Đảo. Năm 1973, khi Hiệp định Pari được ký bác Lương mới được trao trả theo điều khoản trao trả tù binh của Hiệp định.
52 năm đã đi qua, chiến tranh đã kết thúc. Những vết thương trên da thịt của các chiến sỹ giải phóng cũng đã dần lành lại, thế nhưng còn đó một dòng sông Bồ đang ôm trọn thân thể thanh xuân của các chiến sỹ K8, còn đó một Phước Yên ghi dấu tích trận huyết chiến năm nào của những chiến sỹ giải phóng đã quyết tử đến giọt máu cuối cùng cho hòa bình của dân tộc. Còn đó linh hồn các anh đã hòa vào đất trời Phước Yên, làm nên một khúc tráng ca huy hoàng và bất tử. Để tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh, ban liên lạc K8 năm xưa đã quyết định lấy ngày 28/4 hàng năm làm ngày giỗ cho cho hơn 500 chiến sỹ đã hi sinh trên trận địa Phước Yên năm xưa.
Bia tưởng niệm các chiến sỹ K8 (ảnh sư tầm)
Chia tay Bác Lương, người Cựu chiến binh quả cảm, người chiến sỹ trung kiên khi trời đã chạng vạng tối, trong tôi trào dân một cảm xúc khó tả, đó là lòng biết ơn, kính phục và sự ngưỡng mộ đối với bác và những chiến sỹ, đồng đội của bác đã và đang nằm lại trên chiến trường Thừa Thiên. Hiện nay, để tưởng nhớ, ghi công những chiến sỹ đã hi sinh, nhà nước ta đã lập bia tưởng niệm các chiến sỹ K8 tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế./.