14/11/2024 lúc 23:15 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là những lĩnh vực rất quan trọng, có đối tượng và phạm vi rộng, có tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đặc thù; đồng thời là vấn đề có tính chất chiến lược lâu dài, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, nhờ tinh thần trách nhiệm cao và sự phối hợp tốt giữa các bộ, cơ quan và các địa phương với Ủy ban Dân tộc, nên chính sách dân tộc đã mang lại những hiệu ứng tốt đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy…

Chính sách dân tộc thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn các chương trình của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sinh kế và tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, như: Chương trình 143 (Chương trình xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm giai đoạn 2001 - 2005, được phê duyệt theo Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg, ngày 27-9-2001, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, được phê duyệt theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình 134 (một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20-7-2004, của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phân bổ đất rừng và trồng rừng; các chính sách về giáo dục, y tế,... Trong giai đoạn 2011 - 2018, có 205 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, theo Báo cáo số 426/BC-CP, ngày 4-10-2018, của Chính phủ, “Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 chương trình, chính sách, trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nội dung các chính sách giai đoạn 2016 - 2018 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa, như: Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho người dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; ổn định cuộc sống cho người dân tộc thiểu số di cư tự phát; phát triển kinh tế - xã hội cho các dân tộc thiểu số rất ít người; phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Cho đến nay, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các chương trình đã đem lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta. Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí: giai đoạn 2003 - 2008 là khoảng 250.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998.000 tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư đó được tập trung vào xây dựng hàng vạn công trình kết cấu hạ tầng (đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, công trình nước sạch, trường học, lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm cụm xã...); hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho dân tộc thiểu số rất ít người; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự phát triển mạnh mẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt so với trước thời kỳ đổi mới, trên tất cả các phương diện: ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, nghe, nhìn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5%/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn tới. Việc xây dựng, ban hành một số đề án, cơ chế chính sách còn chậm so với kế hoạch đề ra và yêu cầu thực tiễn. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện 03 chương trình còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp…

Bổ sung, hoàn thiện chính sách chung đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Để làm tốt hơn nữa chính sách dân tộc, công tác dân tộc, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về công tác dân tộc”; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011, của Chính phủ, “Về công tác dân tộc”. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc.

2. Hoàn thiện các văn bản pháp luật về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, trong đó sớm xây dựng và ban hành Luật Dân tộc. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương; đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các cấp.

3. Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc trưng văn hóa của từng vùng, miền, đặc điểm của từng dân tộc, từng địa phương. Trong tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc cần có sự phân loại cụ thể để thực hiện có trọng điểm, hiệu quả, dứt điểm, nhất là đối với những chính sách quan trọng, cấp bách, phù hợp với khả năng tiếp nhận và sự chuẩn bị ở mỗi dân tộc, mỗi địa phương.

4. Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách cần quán triệt sâu sắc đặc điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phù hợp với đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện (thủ tục phải đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện...); bảo đảm tính kịp thời và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

5. Rà soát, đề xuất với cấp có thẩm quyền chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (như tiếp tục áp dụng chế độ cử tuyển; quan tâm bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp…).

6. Khẩn trương thực hiện các đề án, nhiệm vụ về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025; bảo đảm tiến độ và chất lượng.

7. Ủy ban Dân tộc chú trọng và có giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao năng lực thực hiện của cả hệ thống quản lý công tác dân tộc và chính sách dân tộc từ trung ương tới địa phương; củng cố đội ngũ cán bộ và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong gian đoạn tới. Rà soát, xác định rõ những nhiệm vụ, công việc cần tập trung giải quyết theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các công việc trọng tâm, đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực thực hiện dứt điểm trong năm 2025 và các năm tới.

8. Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện kịp thời; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là vốn sự nghiệp.

Hoàn thiện chính sách giáo dục đối với vùng dân tộc thiểu số

Trong hệ thống chính sách chung đối với các dân tộc thiểu số, chính sách giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trong những năm qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS, miền núi đã có những chuyển biến đáng kể: Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh (HS) đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, qua đó kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phố cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS ngày càng được duy trì bền vững. Cùng với đó, hệ thống giáo dục chuyên biệt (Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT), trường dự bị đại học (DBĐH) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực vào công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, thu hút và tạo điều kiện cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đóng góp công sức đối với sự nghiệp GD&ĐT. Các chính sách đó đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện được cuộc sống đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; giúp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, gắn bó và tâm huyết với con em đồng bào DTTS, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó là những chính sách cụ thể được thực hiện, như: Về chính sách của ưu tiên trong tuyển sinh DTTS rất ít người, rất nhiều trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng này được ưu tiên vào học tại các cơ sở giáo dục phù hợp theo nguyện vọng. Học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào học tại các trường PTDTNT, trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp; học sinh tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc hỗ trợ chi phí học tập, riêng đối với trẻ em, học sinh, sinh viên 16 DTTS rất ít người được thực hiện…

Tuy nhiên, có lúc, có nơi một số chính sách chưa thỏa mãn yêu cầu thực tế, còn nhiều chồng chéo trong quá trình triển khai, cần có sự điều chỉnh, bổ sung… Cụ thể như: Cần huy động và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ giáo dục; rà soát nguồn lực đầu tư hiện thời để xác định tính phổ diện, trọng tâm, trọng điểm của chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư, hỗ trợ; đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở giáo dục, ưu tiên cho trường mầm non, tiểu học và các trường phổ thông có nhiều bậc học; huy động nguồn tài chính từ ngân sách, từ các chương trình mục tiêu và xã hội hóa nguồn lực. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học. Duy trì và phát triển phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở một cách bền vững; phổ cập trình độ trung học phổ thông. Xác định, phân định rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương thức giáo dục ở từng cấp học. Nâng cao chất lượng giáo dục chuyên biệt, đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Mặt khác, cần nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng tích hợp phổ thông phổ quát và phổ thông vùng, miền, dân tộc thiểu số; tăng cường chương trình dạy - học ngoại ngữ, công nghệ thông tin chuyên sâu, lồng ghép dạy - học tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục thường niên. Mở rộng và duy trì bền vững mạng lưới giáo dục từng cấp học và liên thông, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Rà soát chính sách giáo dục hiện hành trên cơ sở đánh giá, rà soát các nghị định, thông tư đã ban hành nhưng phân tán, chồng chéo nội dung để hợp nhất, thống nhất các văn bản tổ chức thực hiện. Tiếp tục nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện chính sách giáo dục. Xây dựng cơ chế điều hành, kiểm tra, đánh giá gọn nhẹ và hiệu quả khi thực thi các chính sách phát triển giáo dục…/.

Ths. Nguyễn Văn Cường

...