23/11/2024 lúc 23:17 (GMT+7)
Breaking News

Thương nhân, tổ chức nước ngoài muốn kinh doanh TMĐT tại Việt Nam cần lưu ý gì?

Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký với Bộ Công Thương là quy định mới tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định số 85).

Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký với Bộ Công Thương là quy định mới tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định số 85).

Thương nhân, tổ chức nước ngoài muốn kinh doanh TMĐT cần lưu ý gì?

Theo đó, Nghị định số 85 bổ sung điều chỉnh đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.

Để có thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, thương nhân, tổ chức nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định 85 có hiệu lực.

Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương được quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử; Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động; Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Ngoài việc phải đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam. Những thương nhân, tổ chức nước ngoài này phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện ủy quyền của mình tại Việt Nam. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật; thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ báo cáo với Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt đọng của năm trước đó.

Thực tiễn cho thấy kể từ thời điểm ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, TMĐT Việt Nam đã có nhiều bước thay đổi rõ nét. TMĐT đã trở thành hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT bán lẻ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 13,7 tỷ USD năm 2021, chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Theo báo cáo “Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2021” của Google và Temasek, doanh thu kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái và dự đoán ước đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Với tiềm năng dân số lớn, hạ tầng ngày càng đồng bộ và phát triển, Việt Nam đang là mảnh đất đầy tiềm năng cho các thương nhân, tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ TMĐT vào Việt Nam.

Quy định mới về thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT tại Việt Nam trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP là một bước hoàn thiện hơn của hệ thống pháp luật, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ nội địa và nước ngoài.