26/12/2024 lúc 22:33 (GMT+7)
Breaking News

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng

VNHN - Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) đã giúp các doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

VNHN - Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) đã giúp các doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ảnh minh họa - TL

Nền tảng hỗ trợ

UPS - nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển toàn cầu vừa ra mắt chương trình hoàn thiện đơn hàng trực tuyến eFulfillment, giúp người bán hàng tại Việt Nam dễ dàng quản lý đồng thời nhiều kênh TMĐT. Với eFulfillment, DN có điều kiện tinh giản quá trình cập nhật danh mục, lưu trữ, đóng gói, vận chuyển và theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa trên nhiều kênh TMĐT. Nhờ nền tảng này, các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ có thể tập trung vào việc phát triển kinh doanh và tìm cách mở rộng thị phần. Trước đó, trong tháng 7/2019, UPS cũng đã mở rộng dịch vụ bảo đảm, giao hàng tận nơi UPS Worldwide Express Freight ở 24 tỉnh - thành Việt Nam cho các lô hàng đóng pallet trên 70kg.

Ông Russell Reed - Giám đốc Điều hành UPS Thái Lan và Việt Nam cho biết: “Mỹ hiện là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, và với 96% người tiêu dùng tại Mỹ mua bán trực tuyến trên các kênh TMĐT, chúng tôi muốn giúp các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam mở rộng quy mô và gia tăng mức độ tiếp cận hàng hóa”.

Trong khi UPS tăng cường đầu tư để đưa dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng thì Fado ký kết với Alibaba cũng với mục tiêu giúp khách hàng tiếp cận với các thị trường mới thông qua sàn TMĐT Alibaba. Theo ông Phạm Đạt - Tổng giám đốc Fado, qua Alibaba.com, các DN Việt Nam có thể quảng bá sản phẩm tới 260 triệu DN mua hàng tại 240 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cũng theo ông Phạm Đạt, sau khi đăng ký trên các sàn giao dịch B2B của Alibaba, DN có thể chào hàng, tìm kiếm bạn hàng, đặt hàng, ký kết hợp đồng, thanh toán qua hệ thống này. Không chỉ vậy, Alibaba còn giúp các công ty tìm thấy loại sản phẩm mình cần và đơn vị cung cấp.

Tương tự Alibaba, sàn TMĐT đến từ Mỹ Amazon cũng đang thu hút DN Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn TMĐT của mình. Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 482 tỷ USD. Thông qua kênh Alibaba.com và Amazon.com, hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể tăng hơn nữa khi DN vừa và nhỏ có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp.

Ông Russel Reed cho biết, UPS sẽ tiếp tục hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh doanh. Việc mở rộng các dịch vụ của UPS sẽ giúp DN Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trong môi trường kinh doanh mới mẻ này.

Tại lễ công bố kế hoạch hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling hồi đầu năm, ông Bernard Tay - Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho rằng, khi kết hợp với nguồn lực từ khắp thế giới của Amazon sẽ tạo điều kiện để DN Việt Nam phát triển và xây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Phải biết cách khai phá

TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu (theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam). Hiện có 32% DN vừa và nhỏ Việt Nam thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Việc gia nhập những nền tảng TMĐT B2B sẽ giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên thế giới, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại qua hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu.

Người mua trực tuyến cần sự hiển thị hàng hóa rõ ràng, bao gồm chi tiết sản phẩm, giá cả, phí vận chuyển và thời gian giao nhận, vì vậy DN cần phải nhanh chóng thích ứng. Nhà bán hàng cũng cần chú trọng dịch vụ giao nhận và đổi trả hàng hóa linh hoạt.

Trong năm 2019, nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ dệt may, da giày cho tới nông sản, thủ công mỹ nghệ... của Việt Nam đang chú trọng hơn đến kênh bán hàng này nhằm gia tăng lượng hàng xuất khẩu.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, TMĐT xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong hai năm tới. Do đó, xuất khẩu qua TMĐT là xu thế tất yếu và cũng là phương thức giúp DN có được đơn hàng nhanh chóng.

Tuy nhiên, để khai phá thành công kênh TMĐT, DN cần phải cải thiện nhiều vấn đề. Hiện mới chỉ có 12% trong số các DN vừa và nhỏ của Việt Nam đăng tải bán hàng trên các nền tảng TMĐT. Đã vậy, DN còn thiếu kỹ năng và tự chủ khi bán hàng trực tuyến.

Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc cách mạng TMĐT khi chiếm hơn 50% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn cầu, nhưng mua sắm trực tuyến phát triển quá mạnh thì yêu cầu của khách hàng cũng trở nên phức tạp hơn, đặt kỳ vọng cao hơn. Người mua trực tuyến cần sự hiển thị hàng hóa rõ ràng, bao gồm chi tiết sản phẩm, giá cả, phí vận chuyển và thời gian giao nhận, vì vậy DN cần phải nhanh chóng thích ứng. Nhà bán hàng cũng cần chú trọng dịch vụ giao nhận và đổi trả hàng hóa linh hoạt, cũng như tận dụng sự phát triển của thương mại di động để tạo ra trải nghiệm mua sắm đa dạng hơn cho khách hàng.