11/01/2025 lúc 06:13 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy toàn diện chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

Theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của ngành và bảo đảm phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Nhiều thành tựu, lắm thách thức

Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit) ngày 2/12, ông Đặng Duy Hiển, Phó Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời là Tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp.

Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được đẩy mạnh, tiêu biểu như hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo, giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng.

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, song theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn tản mạn, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Suất đầu tư cho nông nghiệp thông minh và công nghệ cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp cần tập trung 6 nội dung chính

Nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp toàn diện hơn nữa trong thời gian tới nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của ngành và bảo đảm phát triển bền vững, ông Đặng Duy Hiển đề nghị tập trung vào 6 nội dung chính gồm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Ông cho rằng, thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Cụ thể, cần tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, trong đó ưu tiên về đất trồng lúa, đất rừng, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để giúp người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

“Cần ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, thực phẩm, an toàn dịch bệnh”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị xem xét thử nghiệm sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ,...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi số, chính phủ điện tử mạnh mẽ trong công tác quản lý để đề xuất và thực thi các chính sách, chỉ đạo điều hành hệ thống, hệ sinh thái nông nghiệp hiệu lực, hiệu quả thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và trong điều kiện ứng phó nhanh với tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, như dự báo, cảnh báo thị trường, thông tin kết nối cung-cầu phát triển thị trường nông sản.