07/05/2024 lúc 04:19 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

VNHN - Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được nhìn nhận là lĩnh vực đầy tiềm năng khi lượng người dùng in-tơ-nét đang ngày càng tăng mạnh.

VNHN - Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam được nhìn nhận là lĩnh vực đầy tiềm năng khi lượng người dùng in-tơ-nét đang ngày càng tăng mạnh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, do người tiêu dùng (NTD) và doanh nghiệp (DN) trong nước chưa nhận thấy hết tiềm năng, hiệu quả mà TMĐT đem lại, cho nên vẫn còn tình trạng hờ hững, thiếu sự quan tâm, đầu tư để loại hình kinh doanh này phát huy hết thế mạnh của mình.

Ảnh minh họa

Cơ hội cho các doanh nghiệp

Thương mại điện tử là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia bởi sự ưu việt của nó như tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và chi phí được tối ưu. Trong khi đó, với cách làm truyền thống khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, có thể mất hàng tháng mới đến được các thị trường mong muốn, điều này dẫn đến chi phí sản phẩm tăng cao và chất lượng giảm sút. 

Do đó, việc áp dụng TMÐT trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu và thực tế ở nước ta cũng đã cho thấy, không ít DN áp dụng TMÐT cũng như tham gia vào sàn giao dịch TMÐT đã mang lại những kết quả rất khả quan, nhất là với những DN nhỏ khi có được cơ hội tìm thấy những khách hàng bên ngoài giới hạn địa lý của một tỉnh, thành phố hay một quốc gia.

Hiện nay, dẫn đầu xu hướng kinh doanh trên in-tơ-nét là các trang mạng nổi tiếng có hàng trăm nghìn lượt truy cập mỗi ngày như Lazada.vn, Vatgia.vn, enbac.com, muare.vn, nhommua.com,… 

Ðây đã trở thành những sàn TMÐT uy tín được nhiều DN Việt Nam tin tưởng và lựa chọn làm kênh giới thiệu và bán sản phẩm. Bởi họ nhận thấy, chỉ khi thông qua các sàn TMÐT uy tín, DN mới có thể tiếp cận các cơ hội kinh doanh, không kể khoảng cách không gian và thời gian một cách nhanh nhất. Với những lợi ích mà nó đem lại, nhiều chuyên gia nhận định, TMÐT có thể giúp các DN nhỏ cạnh tranh ngang bằng với các thương hiệu lớn trong lĩnh vực tiếp thị và giao thương quốc tế.

Chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, TMÐT và công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các DN lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Do vậy, để cạnh tranh trong môi trường năng động và có hàm lượng công nghệ cao của nền kinh tế số, các DN cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, tránh lối mòn của các DN đi trước. Ðồng thời, các DN trong nước cần đầu tư hệ thống hậu cần mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng.

Bên cạnh đó, đề cao chữ tín trong kinh doanh, vì với hình thức mua bán trực tuyến, uy tín là điều quan trọng nhất để giữ chân khách hàng. Dự báo, năm 2018 thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các DN nước ngoài, vì vậy trong thời gian tới, để cạnh tranh tốt hơn, các nhà bán lẻ phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hình thức bán hàng online (trực tuyến) song song với hình thức offline (truyền thống), điều này sẽ càng khiến lĩnh vực TMÐT ở nước ta tiếp tục phát triển ngày càng sôi động hơn.

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo đánh giá của Hiệp hội TMÐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng TMÐT của Việt Nam năm 2017 đạt hơn 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến rất ngoạn mục, thông tin từ hàng nghìn trang mạng TMÐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. 

Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát năm 2016 từ 62% lên đến 200% trong năm 2017. Ðối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Ngoài ra, việc số lượng người dùng smartphone (điện thoại thông minh) tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam cũng tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của TMÐT. Hiện trung bình mỗi người sử dụng in-tơ-nét tại Việt Nam đang chi 160 USD/năm cho TMÐT. 

Với lợi thế dân số trẻ, ước tính 30% dân số Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến vào năm 2020; giá trị mua hàng hóa trên đầu người sẽ đạt mức trung bình 350 USD/năm cho TMÐT. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng thị trường của TMÐT Việt Nam sẽ lên tới 22% mỗi năm và tăng trưởng có thể đạt 30 đến 50%/năm trong thời gian tới. Dự báo, trong 5 năm tới, quy mô thị trường TMÐT Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Tiềm năng của TMÐT Việt Nam là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có một thực tế đang có sự không công bằng trong giao dịch trực tuyến qua biên giới giữa nhập khẩu và xuất khẩu với các khách hàng cá nhân. Bởi khách hàng cá nhân Việt Nam đang mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam. Phần lớn NTD Việt Nam, đặc biệt là thế hệ NTD trẻ hiện khá ưa chuộng mua hàng qua các website TMÐT của nước ngoài như Amazon.com, eBay.com,… 

Hiện tượng này được Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng chỉ ra là do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng và phù hợp nhu cầu NTD, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Bên cạnh đó, các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu có uy tín cao. 

Ngoài ra, chi phí hoàn tất đơn hàng đối với một số hợp đồng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài có giá thấp hơn so mặt hàng mua trong nước. Ở chiều ngược lại, phần lớn các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không qua các nhà phân phối trung gian.

Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước cũng vẫn "đuối" hơn so nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Và một yếu tố khác như chất lượng, mẫu mã sản phẩm Việt Nam vẫn lép vế hơn so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác. Mặt khác, hiện nay nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của TMÐT ở nhiều DN Việt Nam chưa được đầy đủ và chưa đúng mức, việc mua hàng theo kiểu truyền thống, dùng tiền mặt vẫn đang là rào cản lớn đối với việc thúc đẩy phát triển TMÐT.

Ðể TMÐT nước ta phát triển bền vững, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho phát triển thanh toán điện tử. Khuyến khích và thu hút đầu tư của xã hội, đầu tư tư nhân nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử. Tăng cường các chính sách khuyến khích phát triển các thị trường tiềm năng ứng dụng thanh toán điện tử như thị trường giao thông vận tải, logistics,… 

Các DN và các sàn TMÐT cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử. Với các sàn giao dịch TMÐT cần tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, có biện pháp ngăn chặn, xử phạt với các DN bán hàng giả, hàng nhái…. VECOM và các DN trong lĩnh vực TMÐT cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách quy định hiện không còn phù hợp sự phát triển TMÐT.

Ðồng thời, Chính phủ và các DN cần kết hợp với NTD đẩy mạnh hoạt động truyền thông và giáo dục, hướng dẫn trong toàn xã hội để thanh toán điện tử trở thành phương tiện thanh toán quen thuộc với người dân cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ thanh toán điện tử nói riêng và TMÐT nói chung./.