03/05/2024 lúc 13:52 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam

VNHNO - Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) phối hợp với Đại học Northampton và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo thúc đẩy phát triển khu vực DN tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam.

VNHNO - Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) phối hợp với Đại học Northampton và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo thúc đẩy phát triển khu vực DN tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam.

Hình ảnh tại lễ công bố Nghiên cứu. Ảnh: VGP/Thu Lê.

Theo nghiên cứu mới nhất cho thấy, tại Việt Nam, SIB chỉ chiếm 4% khu vực tư nhân nhưng lại là một trong những nhân tố chủ chốt giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Tại Việt Nam, 70% SIB đang kinh doanh có lợi nhuận, 59% SIB lựa chọn cân bằng giữa mục tiêu xã hội và kinh tế, 34% lại tập trung vào mục tiêu xã hội. Trong đó, việc làm, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường là 3 lĩnh vực tác động hàng đầu của SIB.

GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: VGP/Thu Lê.

Phát biểu tại sự kiện, GS. Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng đại học NEU cho rằng, mô hình kinh doanh vì xã hội, vì phát triển bền vững là mô hình kinh doanh của thế kỷ 21. Đây là mô hình "cùng thắng", đa giá trị, ở đó các doanh nhân vừa tạo giá trị kinh tế cho bản thân, vừa tạo tác động lên xã hội, giảm thiểu tác động lên môi trường.

Bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam khẳng định: "Nắm bắt mô hình kinh doanh này chính là phát triển cách tiếp cận bền vững và bao trùm hơn cho tăng trưởng kinh tế, thông qua đổi mới sáng tạo và công nghệ; nâng cao năng suất lao động, đồng thời giải quyết những thách thức về xã hội, môi trường mà quốc gia đang đối mặt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG".

PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xã hội khởi nghiệp thuộc Đại học NEU cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho các SIB thông qua 4 khía cạnh: Vốn, thị trường, nâng cao năng lực, tiếp cận thông tin. 

Theo đó, Chính phủ có thể khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức công sử dụng dịch vụ, sản phẩm của các SIB, kể cả các doanh nghiệp thương mại thông thường khi có nhiều hợp đồng với các SIB cũng sẽ được công nhận và hưởng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhất định. Hoặc có thể chia nhỏ gói thầu, tạo điều kiện tiếp cận cho các SIB.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tạo SIB tại Việt Nam, cần tăng cường tiếp cận nguồn vốn và các phương pháp tài chính sáng tạo khác cho khu vực SIB. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự kết nối giữa SIB và các doanh nghiệp khác trong khối tư nhân và thành lập mạng lưới đại diện cho khu vực SIB./.