30/11/2024 lúc 23:35 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác châu Mỹ

VNHN - Ngày 25/09/2020 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đến tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

VNHN - Ngày 25/09/2020 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đến tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn có sự tham dự của gần 200 đại biểu là Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo Sở Công Thương, các Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Về phía các đối tác châu Mỹ, Diễn đàn cũng có sự tham gia của đại diện cơ quan ngoại giao các nước khu vực châu Mỹ tại Việt Nam là Đại sứ Brazil, Chile, Colombia, Cuba, Mexico, Venezuela, và Peru; Đại biện sứ quán Argentina, Uruguay và Panama; Đại diện Đại sứ quan Hoa Kỳ và Canada cùng đại diện nhiều doanh nghiệp và Tập đoàn lớn của các nước châu Mỹ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại - công nghiệp giữa Việt Nam và các nước khu vực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, Diễn đàn có sự kết nối và tham gia phát biểu trực tuyến của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Uruguay Francisco Bustillo (Uruguay là Chủ tịch luân phiên của Khối Thị trường chung Nam Mỹ MERCOSUR) và 08 Tham tán thương mại của Việt Nam tại các quốc gia Châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Brazil, Chile, Cuba, Argentina.

Châu Mỹ: đối tác có mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD tỷ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.

Mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19, nhưng trong 8 tháng năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3  tỷ USD, tăng 11,8% trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019. Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8 năm 2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.

Thời gian qua, một số Hiệp định thương mại quan trọng đã và đang được thiết lập để tạo nên nền tảng tích cực cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại mới như: Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ ký năm 2000; Hiệp định thương mại tự do với Chile ký năm 2011;  Hiệp định thương mại với Cuba ký năm 2018; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký năm 2018 và đi vào hiệu lực năm 2019, trong đó có Canada, Peru, Mexico của khu vực Châu Mỹ là những quốc gia lần đầu tiên có quan hệ tự do thương mại (FTA) với Việt Nam. Hiện nay, Hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đang được trao đổi về khả năng đàm phán.

"Là một trong những nước duy trì được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn kiên định thực hiện tốt các cam kết quốc tế, nỗ lực thúc đẩy cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư để tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định và bền vững" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, và việc thiếu thông tin cập nhật về các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh đến kinh tế, xã hội của Việt Nam và các nước châu Mỹ nói riêng cũng như trên phạm vi toàn cầu. Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ, do đó, cũng không tránh khỏi những tác động bất lợi.

Biến khó khăn thành cơ hội phát triển phù hợp mới

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động xấu tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các nước châu Mỹ. Đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thất nghiệp gia tăng là những khó khăn lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải. “Tuy nhiên, khó khăn tới cũng là lúc cơ hội phát triển mới cho những doanh nghiệp biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ đạt 69,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại tuy vẫn đạt mức tương đối cao là 11,8% nhưng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài và cần có những biện pháp và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để sớm khôi phục nền kinh tế.

Quang Cảnh buổi Diễn đàn

Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Mỹ sẽ nỗ lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh.

Với mong muốn vượt qua khoảng cách địa lý, khoảng cách do dịch bệnh, Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp - là nơi kết nối các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hai bên, khắc phục khó khăn, tìm kiếm cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực châu Mỹ trong thời gian tới.