VNHN - Trong ngày 9 và 10/01/2020, Hội nghị của Ủy ban tham vấn Thuận lợi hóa Thương mại ASEAN lần thứ 16 (ATF-JCC 16) được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Việt Nam. Đây là Hội nghị đầu tiên của năm 2020 thuộc kênh kinh tế, do Bộ Công Thương phụ trách.
Việt Nam chính thức tái đăng cai Chủ tịch của năm ASEAN lần thứ 2 nhằm thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế cũng như khẳng định vị thế trong khu vực. Là chủ nhà của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức cả về việc điều phối nội dung lẫn công tác tổ chức, song cũng mang lại nhiều cơ hội không nhỏ cho ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng trong quá trình tăng cường hợp tác và thúc đẩy thương mại, đầu tư trong khu vực.
Ngày 06/01/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã tổ chức “Lễ Khởi động Năm Chủ tịch ASEAN 2020”, mở màn cho hàng loạt hội nghị trong khuôn khổ ASEAN cũng như ASEAN với các đối tác sẽ được tổ chức xuyên suốt năm 2020 ở nhiều cấp khác nhau và ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ ngày 09 đến ngày 10/01/2020, Hội nghị của Ủy ban tham vấn Thuận lợi hóa Thương mại ASEAN lần thứ 16 (ATF-JCC 16) đã được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Việt Nam.
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị bao gồm đại diện Bộ Công Thương,Tài chính, Khoa học & Công nghệ và một số cơ quan liên quan. Hội nghị ATF-JCC 16 đã tập trung thảo luận những nội dung chính trong hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại của khối ASEAN cũng như tham vấn các sáng kiến như: minh bạch hóa, đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm mục tiêu cắt giảm 10% chi phí giao dịch thương mại nội khối vào năm 2020 và tăng gấp đôi giá trị giao dịch thương mại nội khối trong giai đoạn 2017-2025 như được đặt ra trong Kế hoạch hành động chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2020 (ATF-SAP), Kế hoạch hành động chiến lược AEC 2025 cho thương mại hàng hóa (SAP-TIG).
Toàn cảnh hội nghị ATF-JCC 16.
Hội nghị ATF-JCC 16 cũng là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai với vai trò Chủ tịch điều hành hội nghị. Với vai trò chủ tịch, Việt Nam đã chủ động, linh hoạt trong quá trình điều phối cuộc họp, tích cực tham vấn quan điểm của các nước ASEAN, Ban thư ký ASEAN cũng như các đối tác và đại diện các cơ quan chuyên ngành của ASEAN; thông qua chương trình nghị sự của hội nghị; thống nhất các luồng quan điểm để đưa ra kết luận của hội nghị.
Hội nghị ATF-JCC 16 đã thảo luận các sáng kiến và đề xuất cụ thể để thúc đẩy hợp tác của các nước ASEAN trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho thương mại, chuẩn bị cho đánh giá giữa kỳ của ASEAN về nội dung này vào năm sau. Những nội dung thảo luận cụ thể tập trung vào việc thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về các biện pháp phi thuế (NTMs) của các nước ASEAN; tăng cường tham vấn giữa các chính phủ ASEAN với cộng đồng doanh nghiệp.
Đề xuất nghiên cứu đánh giá tác động (RIA) của các NTMs; cập nhật cơ sở dữ liệu NTMs do các đối tác của ASEAN (EU-ARISE, ERIA/UNCTAD) xây dựng để đăng tải lên cổng Cơ sở dữ liệu thương mại chung của ASEAN và Cơ sở dữ liệu thương mại các quốc gia ASEAN (ATR/NTR); đề xuất tổ chức các hội thảo và xây dựng năng lực cho các nước thành viên ASEAN; và thảo luận đường hướng triển khai đầy đủ “Hướng dẫn các nguyên tắc thực hiện về các biện pháp phi thuế của ASEAN (NTM Guidelines)”, được thông qua tại Hội đồng AFTA lần thứ 32, ngày 29 tháng 8 năm 2018 tại Singapore.
Một trong những hoạt động quan trọng của Hội nghị là phối hợp hoạt động giữa các nhóm công tác chuyên ngành trong ASEAN để đảm bảo mục tiêu chung là tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối. Do vậy, Hội nghị lần này có sự tham gia của Chủ tịch nhiều nhóm công tác chuyên môn liên quan đến thương mại hàng hóa, hải quan, tiêu chuẩn... để cùng nhau chia sẻ thông tin và thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết các vấn đề ASEAN cần thúc đẩy trong thời gian tới. Cuộc họp cũng có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong ASEAN, các tổ chức quốc tế và một số cơ quan nghiên cứu để cùng nhau hợp tác trong nhiều lĩnh vực chuyên môn.
Điều hành và tham gia Hội nghị lần này, Việt Nam, với tư cách chủ tọa hội nghị, đã có những đóng góp tích cực, thiết thực trong quá trình thảo luận, nhằm tiếp nối những nội dung đã từng được thảo luận tại những hội nghị trước và xác định hướng hợp tác về tạo thuận lợi cho thương mại trong thời gian tới của khu vực trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Các nước đánh giá cao sự điều hành và những ý kiến đóng góp của Việt Nam để có những kết quả cụ thể, thực tế, bám sát nhu cầu của ASEAN. Các kết quả chính của hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN lần thứ nhất năm 2020 (SEOM 1/51), sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong những ngày tới.