01/05/2024 lúc 00:21 (GMT+7)
Breaking News

Thúc Đẩy chuyển đổi số phát triển nông nghiệp vùng đô thị

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”

Ảnh minh họa 

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp.

Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp được đẩy mạnh như hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo, giúp công tác quản lý ngành ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng.
Mới đây, tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tổ chức hội thảo khuyến nông đô thị lần 1 năm 2024, chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”.
Hơn 200 đại biểu đến từ các đơn vị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức và lãnh đạo ngành nông nghiệp của 26 tỉnh, thành phố trong cả nước, là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịnh cho rằng, áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, từ trí tuệ nhân tạo đến các hoạt động tự động hóa, thông tin kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến từ đầu đến cuối. Thông qua áp dụng chuyển đổi số, giá trị sản phẩm được tăng lên.
Tại hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đã và đang đặt ra nhu cầu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị để bảo đảm an ninh lương thực và cung ứng đủ nguồn thực phẩm cho cư dân đô thị.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp tại các vùng đô thị luôn đối mặt với nhiều hạn chế, như: thiếu đất canh tác, ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải sinh hoạt, giao thông… Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ số mới, như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đô thị sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho các khu vực đô thị Việt Nam.
Với chủ đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã trình bày tổng quan, cách tiếp cận và triển khai công tác truyền thông về chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong hoạt động khuyến nông.
Nhiều ý kiến tham luận chuyên sâu về các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu quả; ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) để tự động hóa các hệ thống tưới tiêu, giám sát và điều khiển yếu tố môi trường; ứng dụng blockchain để xây dựng truy xuất nguồn gốc sản phẩm…, đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Vũ Nhật