VNHN - Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo Doanh nghiệp Cộng hòa Séc - Việt Nam do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 10/4 tại Khách sạn Pan Pacific, Hà Nội.
Hội thảo Doanh nghiệp Cộng hòa Séc - Việt Nam là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Vladimir Bartl, Thứ trưởng Bộ Công Thương CH Séc từ ngày 10 đến ngày 13/4.
Tham gia hội thảo có ông Vladimir Bartl - Thứ trưởng Bộ Công Thương nước CH Séc; ông Petr Kulovaný - Vụ trưởng Vụ chính sách kinh tế đối ngoại CH Séc; ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ Bộ Công thương; TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI; ông Lê Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, CH Séc.
Doanh nghiệp CH Séc - Việt Nam tham gia hội thảo, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, TS. Đoàn Duy Khương khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và CH Séc từ trước đến nay luôn tốt đẹp và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ông cũng đưa ra những đánh giá về sự phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - CH Séc thời gian qua. Về quan hệ song phương, trao đổi thương mại giữa hai nước có mức tăng trưởng ổn định, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có triển vọng giữa Cộng hòa Séc với Việt Nam là nông sản thực phẩm, dệt may, máy móc thiết bị, trang thiết bị y tế bệnh viện, năng lượng, công nghệ thông tin.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đạt hơn 257 triệu USD (trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt trên 151 triệu USD, nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 106 triệu USD).
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam cũng hướng đến quan hệ đa phương để doanh nghiệp đến từ CH Séc có thể hợp tác sâu rộng với Asean, thị trường có tới 600 triệu người tiêu dùng. Đối với Việt Nam, Cộng hòa Séc là cửa ngõ để hàng hóa thâm nhập vào các nước trong Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt sắp tới khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực trong năm 2018 sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam vào thị trường châu Âu.
TS. Đoàn Duy Khương phát biểu tại hội thảo
"Tuy nhiên với số liệu từ Tổng Cục Hải quan có thể thấy, cán cân thương mại giữa hai nước chưa cân bằng, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều hơn sang CH Séc. Chính vì vậy trong thời gian tới, chúng ta phải cân bằng cán cân thương mại. Cân bằng cán cân có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế giữa hai nước Việt Nam và CH Séc", TS. Đoàn Duy Khương cho biết.
Cùng quan điểm với TS. Đoàn Duy Khương, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ Bộ Công thương cũng mong muốn các doanh nghiệp CH Séc tăng cường đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới: "Quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai nước Việt Nam - CH Séc đang ngày càng được củng cố ngày càng tốt đẹp và phát triển. Quan hệ chính trị tốt đẹp với việc trao đổi nhiều mặt cấp cao trong thời gian qua đã tạo đà cho sự phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Phía Việt Nam ghi nhận sự ưu tiên CH Séc dành cho Việt Nam trong các chính sách hợp tác, phát triển thời gian vừa qua và trong giai đoạn 2016-2020."
Ông Linh cũng cho biết CH Séc nằm trong số bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại Trung và Đông Âu. Điều đáng mừng 2 tháng đầu năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt gần 50 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2017. Hết tháng 2 năm 2018, CH Séc đã có 36 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực tại Việt Nam.
Ông Vladimir Bartl mong muốn Việt Nam - CH Séc thúc đẩy việc cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước
Thứ trưởng Bộ Công Thương nước Cộng hoà Séc, ông Vladimir Bartl đánh giá, Việt Nam đang ngày càng thu hút đầu tư từ nước ngoài, trong đó có CH Séc. "Chúng tôi cũng đã thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp Séc tại Việt Nam. Chúng tôi đồng ý với nhận định của VCCI về việc chưa cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước và còn nhiều tiềm năng chưa khai phá giữa hai quốc gia. Như vậy, chúng ta có thế cùng nhau thúc đẩy mục tiêu chung này, chúng ta hướng tới một mối quan hệ thương mại lâu dài”, ông Vladimir nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vladimir Bartl, CH Séc mong muốn thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, công nghệ khai khoáng, công nghệ xây dựng, hoá chất, viễn thông, radar, máy móc công nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ sinh học và nano.
Ông Petr Kulovaný - Vụ trưởng Vụ Chính sách Kinh tế đối ngoại CH Séc khẳng định: "Việt Nam là 1 đối tác truyền thống của Séc từ 1970-1980 đến nay, chúng ta vẫn duy trì quan hệ đối tác tốt. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của CH Séc tại châu Á và Asean. Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường ưu tiên về xuất khẩu, cán cân thương mại chưa cân bằng nên chúng tôi sẽ hướng tới tăng cường xuất khẩu từ CH Séc sang Việt Nam. Tôi hi vọng các doanh nghiệp CH Séc quan tâm hơn nữa đến thị trường Việt Nam một trong những thị trường đang phát triển năng động nhất châu Á"./.