VNHN - Quỹ Toàn Cầu Hóa Saemaul (SGF – Hàn quốc) vừa tổ chức đợt tập huấn ứng phó, ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 cho các hộ nông dân làng Trạch Phổ (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) trong tuần qua.
Các nông dân đã được các chuyên gia tư vấn, y bác sĩ theo đoàn hướng dẫn các thao tác vệ sinh phòng dịch, như sử dụng nước xà phòng, dùng nước sát khuẩn và đeo khẩu trang đúng cách, các biện pháp phòng ngừa nhiễm dịch trong cộng đồng…
Nông dân được tập huấn rửa tay sát khuẩn đúng cách.
Ông Kwak Busung, Trưởng Đại diện SGF Việt Nam cho biết, đây là một trong những điểm tập huấn mà SGF triển khai thí điểm tại Việt Nam, với sự cho phép của chính quyền các địa phương và trên tinh thần hợp tác hội nhập, xây dựng mô hình nông thôn mới. Ông Busung khẳng định, mô hình nông thôn mới của Hàn quốc (tên gọi Saemaul Undong) có tính tích cực, hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân cải thiện cuộc sống sinh hoạt, canh tác các đặc sản, thổ sản địa phương hiệu quả hơn. Đến nay, cạnh Trạch Phổ, SGF đang hỗ trợ thí điểm 6 làng nông thôn theo mô hình này, ở ấp Tân Quới Lộ, ấp 9 Lương Tâm (Hậu Giang), Mộ Đạo (Bắc Ninh), Phú Ninh, Phú Nam 1, và Tiền Tiến (Thái Nguyên).
“Trên tinh thần hướng dẫn bà con nông dân nâng cao chất lượng sinh hoạt, chúng tôi thực hiện việc hỗ trợ tập huấn và giúp đỡ các nông dân nắm bắt tốt hơn các kỹ thuật khoa học, kiến thức về phòng chống dịch tễ, cụ thể là ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh COVID-19 một cách chủ động. Chúng tôi tin rằng những hướng dẫn tập huấn này sẽ giúp họ có thêm kiến thức tự bảo vệ mình và cộng đồng tốt hơn, trước những nguy cơ dịch bệnh tái phát và đe dọa hiện nay”. Ông Busung nói như vậy.
Các nông dân làng Trạch Phổ tham gia tập huấn phòng ngừa COVID-19.
Cạnh việc hỗ trợ tập huấn, SGF cũng tổ chức chương trình “Chia sẻ khó khăn thời COVID”, hỗ trợ lương thực phẩm cho nông dân tại Trạch Phổ và 6 làng nông thôn mới.
Theo Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế, việc tiếp cận các mô hình nông thôn mới và những hỗ trợ cần thiết về kiến thức ngăn ngừa dịch tễ cho người nông dân địa phương là rất quan trọng. Đặc biệt, khi những mô hình này được triển khai trên tinh thần hợp tác hội nhập, sẽ giúp các nông dân hiểu rõ hơn những lợi thế cơ hội và năng lực phát triển của mình, trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu ngày một sâu sắc.