16/11/2024 lúc 09:55 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng thăm Nhật Bản: Các thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD

VNHNO - Các giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tổng giá trị xấp xỉ 10 tỷ USD.

VNHNO - Các giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đạt được trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tổng giá trị xấp xỉ 10 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Sáng 10/10, tại Nhà khách Hoàng gia Meiji Kinenkan, Tokyo, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, từ Hội nghị này, sẽ có thêm nhiều ý tưởng, đề xuất mới, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, những khuyến nghị, cách thức để biến những ý tưởng đó thành những kế hoạch đầu tư thật cụ thể, ''biến những ước mơ lớn của chúng ta thành hiện thực".

Với chủ đề  ''Cơ hội mới, tầm nhìn mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, ở Hội nghị xúc tiến đầu tư năm ngoái tại Nhật Bản, nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp hai nước chia sẻ cởi mở, trong đó có nhiều ý tưởng được hiện thực hóa bằng những kế hoạch đầu tư kinh doanh cụ thể. ''Và chúng ta hy vọng, trong buổi hôm nay, sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới, đặc biệt là những đề xuất có thể sớm biến những ý tưởng đó thành kế hoạch hợp tác, đầu tư, kinh doanh cụ thể".

Nhấn mạnh quan hệ hai nước đang trong giai đoạn phát triển hết sức tốt đẹp trên nhiều phương diện như ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, Thủ tướng cho biết, lãnh đạo cấp cao hai nước có quan hệ tin cậy chiến lược, thường xuyên có chuyến thăm lẫn nhau. 

Thủ tướng nhấn mạnh: ''Bên ngoài các cuộc tiếp xúc ngoại giao đó, chúng tôi còn là những người bạn thân quý, rất hiểu nhau và sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho quan hệ đối tác, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Chúng tôi xem đây chính là tài sản quý giá giữa hai nước và đó cũng là tài sản của doanh nghiệp bởi điều này sẽ góp phần làm tăng giá trị tài sản cho doanh nghiệp hai nước trong mối quan hệ hợp tác và đầu tư lẫn nhau".

Đối với Việt Nam, trên phương diện kinh tế, Nhật Bản là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ hai về đầu tư FDI với trên 52 tỷ USD, đứng thứ tư về quan hệ thương mại với trên 33 tỷ USD. 

Năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 9 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đến 7 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Hội nghị thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

"Trong lần tiếp xúc cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trước đây, tôi đã nhấn mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam. Các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam thể hiện qua các chỉ số về môi trường đầu tư của Việt Nam liên tục được thăng hạng", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng dẫn kết quả khảo sát của JETRO cho biết, có đến 70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Lý do chính để mở rộng hoạt động là do doanh thu tiếp tục được kỳ vọng tăng (88% số doanh nghiệp được đánh giá). 

Số lượng doanh nghiệp có lãi chiếm trên 65%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm 2016. Việt Nam hấp dẫn với những lợi thế đầu tư về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, chính trị xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ.

Cách đây 5 năm, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp: Điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. 

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao. Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực. 

Chính phủ Việt Nam muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hàng không, khách sạn cao cấp…

Biến những giấc mơ lớn thành hiện thực

''Các bạn có hỏi chúng tôi rằng có gì mới mà Việt Nam xúc tiến đầu tư lần này", Thủ tướng bày tỏ và chia sẻ một số điểm mới, cũng là cơ hội đầu tư mới. Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với việc bán cổ phần các doanh nghiệp lớn về vận tải, hàng không, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... 

Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp của Nhật Bản có tiềm lực mạnh về tài chính, năng lực quản trị tốt, mạng lưới thị trường quốc tế, sẽ trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hạ tầng cơ sở chất lượng cao, như hệ thống giao thông, năng lượng, viễn thông, hạ tầng khu công nghiệp theo nhiều hình thức linh hoạt, trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy Chương trình hạ tầng chất lượng cao ra khu vực Mekong.

Việt Nam đang phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với khu vực và toàn cầu, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam theo các thủ tục đơn giản về chuyển nhượng vốn, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến hai bên ký kết, trao các biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Theo Thủ tướng, các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang được xem là một trong các hình mẫu của đầu tư FDI tại Việt Nam về sự kiên nhẫn, ý chí, quyết tâm, về kỷ luật, trung thực và tính hiệu quả trong đầu tư. 

Vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang đóng vai trò dẫn động và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các dòng vốn FDI vào Việt Nam. Hiện tại, có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, tính cạnh tranh, hàm lượng kỹ thuật cao, tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu.

Thủ tướng tin tưởng, từ Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, sẽ có thêm nhiều ý tưởng, đề xuất mới, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, những khuyến nghị, cách thức để biến những ý tưởng đó thành những kế hoạch đầu tư thật cụ thể, ''biến những ước mơ lớn của chúng ta thành hiện thực".

Thủ tướng khẳng định cam kết môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện và ''các bạn hãy đến với Việt Nam để hai bên chúng ta cùng phát triển bền vững và phát triển lâu dài".

Phát biểu khai mạc của Chủ tịch JETRO, ông Hiroyuki Ishige cho biết, sau thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản năm ngoái, dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng mức kỷ lục. 

Tuy nhiên, theo ông, đây chỉ mới là điểm khởi đầu. Qua Hội nghị lần này, ông hy vọng quan hệ hợp tác đầu tư hai nước sẽ lên tầm cao mới. Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại diện Chính phủ Nhật Bản, ông Horofumi Takinami, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, thông qua sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, hai bên đạt nhiều kết quả tích cực như rút ngắn thời gian xin visa thương mại, đơn giản thủ tục hải quan... 

Ông mong muốn Việt Nam sớm hoàn tất thủ tục trong nước về CPTPP và cho biết, Nhật Bản sẽ hợp tác với các trường đại học của khu vực Mekong trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

Tại Hội nghị, 19 văn bản bao gồm giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đã được ký và trao đổi. Theo đó, tính cả các văn bản đã được trao tại buổi Hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe ngày 8/10/2018, tổng trị giá các giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng xấp xỉ 10 tỷ USD./.

Theo Chinhphu.vn