Hội nghị trực tuyến các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27 vừa khai mạc trọng thể lúc 19h00 (giờ Việt Nam) ngày 20/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Apec 27 tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: VGP
Tham dự Hội nghị có các nhà lãnh đạo và đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lãnh đạo Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC, Hội nghị Cấp cao được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Trong vai trò chủ nhà, Malaysia chọn chủ đề của năm APEC 2020 là "Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường và thịnh vượng chung", tập trung vào 3 ưu tiên: xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; cải thiện thương mại và đầu tư; bao trùm, kinh tế số và bền vững sáng tạo. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Malaysia tổ chức phần lớn các hội nghị trong Tuần lễ APEC theo hình thực trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin nhấn mạnh, trước những những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực, cũng như trước những thách thức chưa từng có, với chủ đề “Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung”, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 khẳng định quyết tâm của các nhà Lãnh đạo APEC đưa châu Á – Thái Bình Dương phục hồi thành công, hướng đến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bao trùm, sáng tạo và an toàn.
Theo ông Muhyddin Yassin, đại dịch COVID-19 đã có những tác động sâu sắc đến cách thức chúng ta đặt ra những ưu tiên về thương mại và đầu tư. “Đối với APEC hôm nay chúng ta hợp tác để cùng nhau giảm thiểu những tác động của COVID-19, nhờ đó vai trò của chúng ta ngày càng trở nên nổi bật hơn”. Trong giai đoạn khó khăn nhất, thì tính nhân văn là điểm nổi trội. “Chúng ta cần hợp tác cùng nhau, thống nhất để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Hiện nay thế giới đang cố gắng tìm kiếm cách tiếp cận vaccine một cách công bằng và giúp mọi người có thể tiếp cận được. APEC chiếm 60% GDP thế giới nên đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy khôi phục kinh tế.
“Chúng ta cần phải tiếp tục duy trì thương mại và sát cánh cùng nhau để đưa khu vực của chúng ta hướng tới phát triển và phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững”, Thủ tướng Malaysia nói. Kể từ năm 1994 đến nay, khi APEC đặt ra mục tiêu Bogor, thương mại nội khối của APEC đã tăng hơn 4 lần, hiện chiếm khoảng 50% thương mại toàn cầu, thể hiện sự liên kết kinh tế của APEC. Về mặt đầu tư, kể từ năm 2000, đầu tư vào các nền kinh tế APEC cũng đã tăng gấp 2 lần.
Thủ tướng Malaysia đề xuất 3 ưu tiên mà APEC nên hướng tới và thúc đẩy. Đó là, khẳng định cam kết hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Điều này rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh. Tính ổn định và dễ dự báo của thị trường là trụ cột quan trọng giúp cho thương mại và đầu tư tiếp tục được duy trì ngay cả trong thời gian khủng hoảng. Ưu tiên thứ hai là tăng cường và phát triển nền kinh tế số, qua đó, tạo thêm công ăn việc làm và giúp cho người lao động trở lại thị trường lao động. Thứ ba là tăng trưởng kinh tế bao trùm. Phục hồi kinh tế và sau đó là tăng trưởng kinh tế cần phải đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Hội nghị Cấp cao APEC, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng đối với thế giới và khu vực, nhất là triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng cường hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, đẩy mạnh liên kết kinh tế, duy trì các chuỗi cung ứng, thúc đẩy kinh tế số và công nghệ số.
Một nội dung hết sức quan trọng tại Hội nghị Cấp cao lần này là thảo luận và thông qua Tầm nhìn APEC sau năm 2020, nhằm triển khai sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra vào tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đang tiếp tục thảo luận sâu sắc để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất ứng phó với các khủng hoảng hiện nay, đồng thời đưa ra những định hướng hợp tác để tiếp tục duy trì vai trò của châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đi đầu về phát triển và liên kết kinh tế, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo toàn cầu trong những thập kỷ tới.
Hội nghị lần này dự kiến thông qua 2 văn kiện là Tuyên bố Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27 và Tuyên bố về Tầm nhìn APEC sau năm 2020.