19/12/2024 lúc 17:13 (GMT+7)
Breaking News

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân

Tối ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân từ ngày 25-28/6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (6/2008 - 6/2023), trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì cục diện phát triển và đạt nhiều thành quả tích cực mới. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và Trung Quốc tổ chức đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính rất trọng thị thể hiện sự coi trọng của hai Đảng, hai nước trong quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và quyết tâm phát triển mối quan hệ này ngày càng bền vững hơn, ổn định hơn và thực chất hơn.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, do Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chủ trì - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyến thăm đã đạt nhiều kết quả quan trọng:

Tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường mạnh mẽ, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc trong tình hình mới, mang lại lợi ích cho Nhân dân hai nước.

Phía Trung Quốc dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính sự đón tiếp rất trọng thị, chu đáo, thân tình, thắm tình “đồng chí, anh em”; thu xếp để Thủ tướng hội đàm, hội kiến với tất cả 04 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh. Trong không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở, lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả lâu dài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; khẳng định đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị hai Đảng, hai nước, thể hiện thành ý, thiện chí trong việc làm sâu sắc hơn nữa các mặt hợp tác giữa hai bên, nhất là trên kênh Đảng, trong các lĩnh vực trọng yếu như an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam.

Hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng giúp thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Trong các cuộc tiếp xúc, phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Chuyến thăm giúp tăng thêm sự hiểu biết hữu nghị, củng cố nền tảng xã hội cho việc phát triển quan hệ hai nước. Hai bên đạt nhiều nhất trí quan trọng về duy trì giao lưu, tiếp xúc thường xuyên qua kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giữa các bộ, ngành, địa phương và nhất là giữa Nhân dân hai nước. Nhất trí khôi phục các hoạt động giao lưu Nhân dân như: Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung, Liên hoan thanh niên Việt - Trung, Gặp gỡ hữu nghị Việt - Trung, qua đó giúp tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị của hai Đảng, hai nước.

Ngoài ra, các đồng chí đoàn viên chính thức đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các cơ quan tương ứng của Trung Quốc, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo cơ sở quan trọng để làm sâu sắc hơn nữa giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước thời gian tới.

Thủ tướng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dấu ấn Việt Nam tại WEF Thiên Tân

Với chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của nền kinh tế toàn cầu”, Hội nghị WEF Thiên Tân (Davos mùa hè) năm 2023 do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là một trong những sự kiện kinh tế có quy mô hàng đầu thế giới, quy tụ khoảng 1.400 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, với sự tham gia của các lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế uy tín.

 Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Hội nghị đã tập trung đánh giá, trao đổi, tìm ra các định hướng, giải pháp, đặc biệt phối hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp, nhằm duy trì đà tăng trưởng, ứng phó với các các “cơn gió ngược” tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với Thủ tướng Chính phủ các nước New Zealand, Mông Cổ, Barbados là những khách mời chính tại Hội nghị năm nay. Theo WEF, đây là đại diện những nền kinh tế mới nổi, có đóng góp ngày càng quan trọng cho kinh tế khu vực và toàn cầu, đang tiên phong trong một số lĩnh vực then chốt để tạo ra các động lực mới cho phát triển.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính được mời tham dự hội nghị này cho thấy sự coi trọng của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF là hoạt động đối thoại quốc gia duy nhất được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như một hình mẫu về phục hồi kinh tế và đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo cơ hội để trao đổi về những định hướng, chính sách và môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có lịch trình làm việc dày đặc trong gần 24 tiếng tại Thiên Tân, gồm tham dự và phát biểu tại nhiều phiên họp quan trọng, có các cuộc trao đổi thực chất, hiệu quả, cởi mở với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn hàng đầu thế giới. Nổi bật là các cuộc gặp với Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ các nước New Zealand, Barbados, Mông Cổ, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF về chủ đề “Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”. 

Sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị WEF Thiên Tân mang nhiều ý nghĩa và đạt nhiều kết quả quan trọng:

Thủ tướng đã chia sẻ nhiều quan điểm, cách tiếp cận, những định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực, kịp thời, xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Đó là: (i) suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; (ii) hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài; (iii) cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; (iv) các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; (v) các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài; (vi) biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Để đương đầu với các “cơn gió ngược”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cách tiếp cận và sáu định hướng quan trọng. Về cách tiếp cận, Thủ tướng cho rằng đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. 

Về các định hướng, thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là mục tiêu, là chủ thể, vừa là trung tâm, là nguồn lực, là động lực cho phát triển.

Thứ hai, cần tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm. Các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Thứ ba, có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu  thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực.

Thứ tư, không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trợ sự phát triển của toàn cầu.

Thứ năm, sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác công – tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 Sáu “cơn gió ngược”, cũng là sáu nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm kinh tế toàn cầu và sáu định hướng giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra đã được lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hết sức chia sẻ. Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính về ba yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế là bảo đảm hòa bình, ổn định, đoàn kết, hợp tác quốc tế, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đặc biệt là khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng và phát huy tiềm năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá cao và trở thành định hướng thống nhất cao tại Hội nghị WEF năm nay.

Cùng với đó, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa Việt Nam và WEF.

Việc hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026, tập trung vào những lĩnh vực khả thi như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số… đã tạo nền tảng để tăng cường quan hệ hai bên trong giai đoạn mới. Với kết quả quan trọng này, WEF sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách và nâng cao năng lực thích ứng trước các xu thế phát triển mới, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương trong những vấn đề có lợi ích thiết thực như nông nghiệp thông minh, phát triển các cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không, thành lập Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam…

Sự tham gia lần đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thường niên mùa hè của WEF đã tạo dấu ấn tốt đẹp với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về vai trò, vị thế của Việt Nam, tiềm năng và triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam. Những đóng góp thiết thực của Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị, đóng góp vào thúc đẩy quan hệ Việt Nam – WEF, tăng cường hơn nữa việc thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các nước, các tổ chức tại WEF Thiên Tân góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, New Zealand, Barbados và WEF - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những thông điệp gửi cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu và Trung Quốc

Sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị WFF Thiên Tân, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và các tập đoàn lớn của Trung Quốc, cũng như việc Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc với sự tham gia rất đông đảo của các doanh nghiệp Trung Quốc, đã tiếp tục truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu những thông điệp quan trọng.

Đây là những cơ hội có giá trị để các doanh nghiệp nước ngoài hiểu sâu sắc hơn về chủ trương, chính sách, môi trường đầu tư, qua đó tăng cường niềm tin và đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng đã giới thiệu rất rõ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về những yếu tố nền tảng phát triển, những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh, những mục tiêu và định hướng phát triển của Việt Nam, những giải pháp trọng tâm thời gian tới để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư, giảm chi phí, nâng chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh định hướng của Việt Nam trong thu hút FDI có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Về ưu tiên, Việt Nam đẩy mạnh thu hút và có các chính sách khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; các dự án thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững.

Tại các cuộc trao đổi, Việt Nam luôn được giới thiệu là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, năng động, đổi mới với quy mô và tiềm năng ngày càng lớn mạnh. Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đánh giá cao thành tựu phục hồi và triển vọng kinh tế Việt Nam, nhận định Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao, có nhiều chính sách theo hướng gỡ khó, tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Với các chính sách, biện pháp quyết liệt của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài.  

Các hoạt động phong phú, nhiều ý nghĩa

Cũng trong chuyến công tác này, Thủ tướng đã có các hoạt động phong phú, nhiều ý nghĩa. Trong đó, các cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các nước tại WEF Thiên Tân góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với Mông Cổ, New Zealand, Barbados, đặc biệt trong các lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, du lịch…

Cuộc gặp của Thủ tướng với các nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn trân trọng tình hữu nghị, sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay; nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, tiếp nối và phát huy những thành quả mà thế hệ đi trước để lại, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc trong thời đại mới.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng đã gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc; khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt tại Trung Quốc, là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một trong những động lực, cội nguồn sức mạnh phát triển của đất nước, với yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 36 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Thủ tướng cũng đã đi khảo sát Khu mới Hùng An - kiểu mẫu mới nhất về cải cách mở cửa và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc tại tỉnh Hà Bắc, tìm hiểu về kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, lựa chọn địa điểm, cơ chế huy động và khai thác nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài xã hội trong xây dựng mô hình thí điểm cấp quốc gia này của Trung Quốc.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời tiếp tục đóng góp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của kinh tế thế giới trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tham gia giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu, vì môt Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.

Phạm Thủy