Sáng 28/3, tại trụ sở Quốc hội, tiếp tục diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày chuyên đề thứ 3 với chủ đề: Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị ngoài việc đánh giá tình hình thực hiện chiến lược 10 năm (2011-2020) và Phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm vừa qua. Thủ tướng sẽ nêu các nội dung trọng tâm chiến lược 10 năm (2021-2030) và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025); thứ ba là tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển KT-XH. Ảnh: VGP
Trong phần tổ chức thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Phần thứ 3 này tập trung lưu ý tổ chức thực hiện, là nhiệm vụ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, địa phương để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào thực tiễn đời sống xã hội. Tôi nhấn mạnh việc thực hiện từ Trung ương đến cơ sở là quan trọng nhất. Chủ trương 1, biện pháp 10, kế hoạch 20, đôn đốc thực hiện kiểm tra quyết liệt thì mới thành công. Nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt điều hành thì Nghị quyết và chiến lược không đi vào cuộc sống. Đặc biệt phải sáng tạo, khát vọng để thực hiện. Chúng ta cần hiểu tổ chức thực hiện là cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ các cấp chính quyền".
Về phần đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược 10 năm (2011-2020) và Phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm vừa qua, phải trả lời “câu hỏi chúng ta đang ở đâu?”. Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh kết quả đạt được hôm nay là quá trình phấn đấu của nhiều thế hệ, nhất là sau 35 năm đổi mới. Kết quả đó đạt được không phải là của một nhiệm kỳ cụ thể mà là dưới sự lãnh đạo của Đảng, là sự tích lũy của nhiều nhiệm kỳ, của nhiều thế hệ mọi tầng lớp nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. Trong năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới với độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ.
Tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm 2011-2021 đạt 5,95%. Nhiều công trình, nhà máy được đầu tư từ các nguồn lực khác nhau. Trong 5 năm qua, đã đầu tư xây dựng được 62 nhà máy chế biến, khắc phục cơ bản tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, không chỉ quan tâm phát triển đô thị, nơi tập trung người giàu, người khá giả, nhà đầu tư mà phát triển cả vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Không để ai đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất do thiên tai.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, GDP bình quân đầu người nước ta đứng thứ 4 ASEAN. Nêu một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Thủ tướng cho rằng, cần khắc phục trong dài hạn cũng như trong trung hạn và đặt vấn đề, nước ta có thể đứng thứ nhì ASEAN hay không về quy mô nền kinh tế và nhấn mạnh “khả năng này có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm”.
Thủ tướng đặt vấn đề đưa Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về quy mô kinh tế. Ảnh: vov.vn
Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao với sự thay đổi cách nghĩ, cách làm.