VNHN - Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Cần năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội…
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào sáng nay, 9/5 với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.
Cho rằng tháng Năm là một trong những tháng đẹp nhất, Thủ tướng bày tỏ đã có một Việt Nam hào khí vào những thời khắc này cách đây hàng chục năm.
Người dân Việt Nam khi ấy đã sống trong không khí hân hoan của những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, như Chiến thắng mùa Xuân 30/4, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; và chúng ta vừa đi qua ngày hội của những người lao động khắp thế giới (1/5). Đặc biệt, hôm nay, ngày 9/5, ngày cách đây 75 năm, Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức.
“Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch mang tên COVID-19 gây ra”. Hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như đại dịch COVID-19, Thủ tướng nói.
Để ngọn lửa tăng trưởng sớm bùng lên trở lại
Trên phương diện kinh tế, khủng hoảng y tế đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế từ từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ nội thương đến ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động cho đến thâm dụng công nghệ, từ dầu mỏ đến ô tô, từ các nước đang phát triển đến quốc gia phát triển, bất kể quy mô kinh tế nhỏ hay lớn đều không tránh khỏi tác động.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, như bao biến cố lớn của lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng mặc dù có thể có nhiều tổn thất mất mát, thậm chí có những người đã không thể vượt qua. Vậy đâu là loài sống sót? Cha đẻ của Thuyết Tiến hoá Darwin đã từng nói không phải loại mạnh nhất hay thông minh nhất mà loại có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót.
Cho đến giờ này có thể nói những doanh nghiệp, những hợp tác xã, hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tham dự sự kiện hôm nay là những doanh nghiệp có năng lực thích nghi tốt nhất. Trong khi chúng ta vui vì điều này, chúng ta rất tiếc khi đã có những doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, phá sản thời gian qua.
“Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, Thủ tướng nói.
Trên phương diện y tế, mô hình chống dịch của Việt Nam được nhiều nước, tổ chức quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao. Tại sao chúng ta có thể thành công như vậy? Trước hết đó là do dân tộc ta đã có sẵn chất đề kháng của tinh thần đoàn kết, tiếp đó là tính kỷ luật và tuân thủ của người dân. Điều này cho thấy một chân lý đó là nếu mỗi người chấp nhận hy sinh một phần nhỏ lợi ích của mình thì tất cả đều được lợi. Mặt khác, Đảng, Nhà nước đã có quyết sách đúng, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng vì chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19 trong thời gian qua, cơ bản đẩy lùi COVID-19 ở Việt Nam.
Trên phương diện kinh tế, mặc dù phải tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội, sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được của các nước phát triển ngay thời kỳ thuận lợi.
Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực như những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến, đồng thời chứng minh rằng năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn.
Thủ tướng lấy ví dụ, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp duy trì tính bền vững, thậm chí tăng trưởng cao, thị trường chứng khoán nhìn chung đi xuống nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu vẫn tăng trưởng. Tại sao? Đó là việc các doanh nghiệp ấy hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, luôn hướng đến các giá trị đích thực, vì lợi ích của con người, lấy con người làm trung tâm chứ không phải theo đuổi giá trị ảo. Những doanh nghiệp như vậy không bao giờ thất bại chừng nào con người vẫn tồn tại.
Thủ tướng nhắc lại khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế đã như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Một là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân. Hai là thu hút FDI. Ba là đẩy mạnh xuất khẩu. Bốn là thúc đẩy đầu tư công. Năm là khuyến khích tiêu dùng nội địa với số dân gần 100 triệu người.
Để cụ thể hóa chiến thuật đó, Hội nghị hôm nay được tổ chức. Thủ tướng mong muốn Hội nghị này phải thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén giờ bật lên để phát triển.
“Việt Nam chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”, Thủ tướng chia sẻ.
“Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành. Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chống trì trệ như chống dịch
Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.
Đặt kỳ vọng Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng nêu rõ đó là Hội nghị thể hiện sự kết tinh của tinh thần yêu nước, của người dân và doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước, một quyết tâm tái cơ cấu, vượt lên trên các yếu kém để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.
Đây là cơ hội để chúng ta không chỉ tạo dựng tinh thần đoàn kết và niềm tin còn là bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, yêu lao động của chúng ta. Lao động là vinh quang, làm việc để thấy mình có vinh dự và còn có khả năng lao động đóng góp cho xã hội, cho quê hương, đất nước. Các doanh nghiệp, kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển bản thân của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.
Hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.
Đối với bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, một tinh thần dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân. Đặc biệt, cần lưu ý trong những công việc không phải “quyền anh, quyền tôi” lúc này mà phải là vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu phát biểu của các bộ, ngành hôm nay phải rõ ràng, chất lượng, trọng tâm, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ, chính sách nào, giải pháp nào mới mẻ đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói toàn chuyện biết rồi và đặc biệt là cán bộ, công chức phải được quản lý để cán bộ, công chức chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.
Do đó, Hội nghị này phải nêu được những giải pháp, những ý tưởng mới, chẳng hạn như về thị trường, kết nối chuỗi giá trị, về một chất keo để dán lại các điểm đứt gãy, về lao động, thuế, phí… Chúng ta đã có gói “đùm bọc” hay “san sẻ” 62.000 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng từ giảm giá điện, nước, viễn thông. Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc hay chính sách đòn bẩy. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.
“Chúng tôi đã nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan, tổ chức khác, bộ, ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
6 đề nghị với doanh nghiệp
Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đưa ra 6 lời đề nghị.
Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ.
“Nhân đây tôi gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Trong khó khăn ấy, nhiều tấm gương nhân ái chia sẻ thật là vĩ đại, doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ít, nhiều hộ cá thể sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo trong lúc dịch bệnh”, Thủ tướng nói.
Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau.
Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. “Tôi xin nói môi trường kinh doanh của chúng ta dù cũng có những khó khăn và thách thức, do đó đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta”.
Thứ tư là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội.
Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau.
Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.
Nhắc lại dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đang được trình đặt ra một tầm nhìn rằng Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh không làm chúng ta thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này.
“Tôi xin hỏi vậy tầm nhìn của doanh nghiệp 2045 là như thế nào? Doanh nghiệp các bạn trẻ ở đâu vào năm 2045?”. Hiện chúng ta đã có tập đoàn lớn vươn tầm cạnh tranh quốc tế nhưng Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lọt vào tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Liệu đến 2045 tức tròn 25 năm nữa, chúng ta có thể có những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới không. Theo Thủ tướng, 25 năm là đủ để xuất hiện những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam, Made in Việt Nam. Thủ tướng mong các doanh nghiệp Việt Nam hãy nghĩ đến khả năng đó, không điều gì là không thể, hãy dám nghĩ lớn, làm lớn, đừng sợ thất bại vì thất bại là mẹ thành công, hãy cứ ước mơ và hành động biến ước mơ hiện thực.
Sau thời gian giãn cách xã hội, có lẽ các lãnh đạo doanh nghiệp đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới của doanh nghiệp của mình. Thiết nghĩ đây là cơ hội “trăm năm 1 thuở” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội này trước hết là dành cho doanh nghiệp trong nước, nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng, không nắm bắt được cơ hội đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy, Thủ tướng nhắc. Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”.
Thủ tướng bày tỏ việc gì quá dễ dàng đạt được thì thường kém ý nghĩa. Đến nay chúng ta hiểu thêm rằng mức độ thành công được xác định không phải bởi những gì chúng ta đã đạt được mà bởi những trở ngại chúng ta đã và sẽ vượt qua. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, cho ý chí, khí chất của con người Việt Nam. Và như ai đó từng nói “khó khăn không phải thứ sinh ra để đánh bại chúng ta mà để chúng ta đánh bại nó”.
Nhắc lại rằng tháng Năm là một trong những tháng đẹp nhất trong năm, tháng sinh nhật Bác, kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng trích dẫn hai câu thơ trong bài thơ “Tự khuyên mình” của Bác như để động viên chúng ta mỗi lúc gặp khó khăn: “Ví không có cảnh đông tàn/Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân”./.