VNHN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua.
Ảnh minh họa
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là phương thức đầu tư cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có BOT; nhờ đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển tích cực, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới.
Trong thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã tích cực rà soát, có phương án xử lý một số bất cập tại các trạm thu phí (về vị trí đặt trạm, mức giá và phương án miễn giảm giá dịch vụ đối với người dân và doanh nghiệp khu vực lân cận các trạm thu phí…).
Chủ động dừng hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 13 dự án BOT trên đường độc đạo hoặc cải tạo nâng cấp trên tuyến đường hiện hữu không phù hợp với Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương khắc phục cơ bản được tình trạng phức tạp ở nhiều trạm thu phí BOT, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, bất cập cần tập trung xử lý như:
Chưa có giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để các bất cập tại các trạm BOT, chưa có phương án giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến vị trí đặt trạm; chưa có phương án quản lý chặt chẽ hoạt động thu phí, nhất là việc xác định lưu lượng xe trên đường còn mang tính cơ học, số liệu thống kê chủ yếu dựa vào báo cáo của nhà đầu tư BOT.
Một số dự án BOT xuống cấp nhưng chưa được nhà đầu tư duy tu, bảo dưỡng nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; còn một số dự án chưa được kiểm toán, chậm thanh quyết toán, làm căn cứ để tính giá phí và thời gian thu phí phù hợp, cũng như phục vụ cho công tác kiểm toán.
Còn có một số đơn vị, địa phương chưa xử lý nghiêm những đối tượng gây rối, phá hoại tài sản tại các trạm thu phí, nhất là các trạm: Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Tân Đệ (tỉnh Thái Bình), Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định); do đó, cần phải có phương án thuyết phục để triển khai hoạt động thu phí, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cũng như lợi ích của người dân và nhà nước.
Chính vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.
Cụ thể, đối với các dự án đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được thu phí hoặc chỉ thu phí một phần (Dự án Quốc lộ 1 tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ, tỉnh Thái Bình; Dự án Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới; Dự án Quốc lộ 21B Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất, có giải pháp thuyết phục để thực hiện thu phí, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội (lợi ích của nhà nước, người dân và nhà đầu tư), giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, tuyệt đối không để kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến chủ trương huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án nêu trên, hoàn thành trước ngày 20/11 năm 2018; trong đó cần lưu ý các nguyên tắc trên.
Đối với các dự án có sự sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu, Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá kỹ, toàn diện các nguyên nhân, từ đó nêu rõ các giải pháp phù hợp, khả thi. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xem xét kỹ từng trường hợp, thống nhất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự (bao gồm 06 dự án trên Quốc lộ 1: Tuyến tránh thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; tuyến tránh thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; tuyến tránh thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai; tuyến tránh thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; tuyến tránh thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo xử lý các vướng mắc đối với các dự án này, không để xảy ra mất an toàn giao thông và an ninh trật tự; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những đối tượng quấy phá tại các trạm thu phí.
Đồng thời chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc khắc phục các bất cập của mình để lấy lại niềm tin cho nhân dân cũng như không làm ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức BOT./.