14/11/2024 lúc 10:32 (GMT+7)
Breaking News

Thu rác theo trọng lượng: Đừng làm rỗng thêm túi người nghèo

VNHN - Dư luận mấy hôm nay xôn xao chuyện bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất thu phí rác thải hộ dân đô thị theo trọng lượng. Nhiều ý kiến đồng tình ở  góc nhìn “ai thải rác nhiều phải trả phí nhiều là công bằng”. Tuy nhiên, lại có người phản ứng vì như vậy, chỉ làm tăng thêm gánh nặng với người nghèo đô thị.

VNHN - Dư luận mấy hôm nay xôn xao chuyện bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất thu phí rác thải hộ dân đô thị theo trọng lượng. Nhiều ý kiến đồng tình ở  góc nhìn “ai thải rác nhiều phải trả phí nhiều là công bằng”. Tuy nhiên, lại có nhiều người phản ứng vì như vậy, chỉ làm tăng thêm gánh nặng với người nghèo đô thị.

Trao đổi với Việt Nam Hội nhập, ông Nguyễn Tấn Liên, nguyên Giám đốc công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho rằng, việc tính phí rác thải dựa vào trọng lượng túi rác sẽ “làm rỗng thêm túi người nghèo”, bất lợi thêm cho việc thu gom rác thải đô thị. Kinh nghiệm từ Đà Nẵng những năm cuối thế kỷ 20 cho thấy điều đó.

Thu phí rác thải đô thị luôn là vấn đề ách tắc đầy bức xúc.

Chỉ có nhà nghèo mới lắm rác!

Nhớ lại thời điểm 1996, ông Nguyễn Tấn Liên đang quản lý công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng, đề xuất thành phố áp dụng thu phí rác thải đến từng gia đình. Chủ trương bị phản ứng của nhiều người, nhưng không phải phản đối đóng phí, mà cho là không công bằng với các nhóm đối tượng.

Theo đề xuất, phí thu rác thải các hộ dân trong kiệt hẻm Đà Nẵng thấp, còn các hộ dân mặt đường lớn cao gần gấp đôi. Ngay một số công nhân vệ sinh cũng phàn nàn, việc thu gom rác trong kiệt hẻm rất vất vả, nhiều rác, đi lại khó khăn, mà thu ít quá không bõ công. Nhiều hộ dân ở mặt đường lớn bức xúc, họ chỉ có ít rác, việc thu gom cũng dễ, sao phải đóng phí cao.

Ông Nguyễn Tấn Liên giải thích, rác nhiều, sự thật chỉ có ở hộ nghèo, chủ yếu sống trong kiệt hẻm. “Người ở mặt tiền có thu nhập, gần như mua thực phẩm gì cũng đã làm sạch, gói ghém nhẹ nhàng. Còn người nghèo, đi chợ mua bó rau cũng là rau già, về nhặt được ít đọt non. Nên túi rác nhà nghèo thường to và nặng, trong khi túi tiền của họ ít, vậy nên thu thế nào?”. Ông lý luận vậy, và cảnh báo nếu thu phí kiệt ở hẻm cao, người nghèo sẽ không nộp tiền, đem rác ra đường lớn vứt, thì sự ô uế đó, người ở mặt tiền lãnh đủ.

Hơn nữa, theo ông, hộ mặt đường cũng được quét tước thường xuyên, hàng ngày có xe rửa đường, sạch sẽ hơn, có ưu đãi hơn hộ kiệt hẻm.

Qua đó, công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng đã vận động đa số người dân ở mặt đường lớn nộp phí rác thải cao hơn, với cam kết sẽ thu gom đúng giờ, không để rác thải ùn ứ ảnh hưởng đến họ. Ông Nguyễn Tấn Liên đích thân thị sát việc này, chỉ đạo công nhân tích cực giữ vệ sinh đường lớn, thu gom kiệt hẻm sạch sẽ. Nhờ đó, chỉ sau 3 tháng, Đà Nẵng đã cải thiện diện mạo đô thị, không còn rác ùn ứ mà việc thu phí rác tận nhà dân lại hiệu quả.

\

Người dân né tránh nộp phí rác thải bằng cách đem rác ra đường lớn vứt, càng làm ảnh hưởng môi trường.

Hãy cùng người dân phân loại rác thải!

Ông Nguyễn Tấn Liên giờ đã hưu, nhưng vẫn tự hào với Đà Nẵng những năm 1997 – 2003 là thành phố sạch nhất nước, đường phố không có rác ứ, việc thu phí rác thải ngày một hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng, thay vì nhắm vào trọng lượng bao rác để thu tiền, hãy cùng người dân phân loại rác thải tại nguồn, để giảm chi phí mà tăng hiệu quả”. Ông Liên tâm tư như vậy. Kịch bản được ông đưa ra, cũng là câu chuyện ở quá khứ của Đà Nẵng.

Kế hoạch từng có của Đà Nẵng, là công ty Môi trường Đô thị phát miễn phí cho mỗi hộ dân 3 túi đựng rác, màu xanh cho rác hữu cơ, vàng cho rác vô cơ và đỏ hoặc đen cho rác độc hại. Việc thu gom cũng theo từng loại, với xe cuốn ép có màu sơn tương ứng. Rác hữu cơ sẽ thu hàng ngày, rác vô cơ thu cách nhật và rác độc hại thu cuối tuần. Như vậy, người dân sẽ tự động phân loại rác để đổ rác đúng loại xe thu gom, và xe theo đó bố trí nơi đổ rác đúng tiêu chí xử lý. Chi phí thu gom sẽ giảm tối thiểu, còn tận dụng được các loại rác vô cơ tái chế, rác độc hại được xử lý đúng quy trình công nghệ.

Rác hữu cơ sẽ xử lý thành phân bón, rác vô cơ được tái chế trong các nhà máy. Như thế, nếu đúng quy trình, người dân thậm chí là bán rác lấy tiền, không phải nộp phí rác thải nữa. Đó mới là cách làm văn minh và hiệu quả”. Ông Liên nhấn mạnh như vậy.

Ông cũng cho rằng, đừng quan niệm người dân sẽ vô ý thức trong phân loại rác. Bất cứ ai cũng muốn nhà mình sạch sẽ, khuôn viên vệ sinh. Nên nếu rác thải được thu gom tốt, thuận lợi, sẽ không có người dân nào ném rác ra đường nữa. Thực tế quá khứ Đà Nẵng đã chứng minh điều này, mỗi tổ dân phố, mỗi hộ dân đều tự nguyện bỏ rác đúng giờ, đúng chỗ quy định. Người dân trong kiệt hẻm không còn đem rác ra đường lớn vứt, vì họ được hỗ trợ phí rác. Người dân đường phố lớn chấp thuận chia sẻ phí rác, vì họ được bảo đảm vệ sinh trước cửa nhà mình.

Đà Nẵng đã từng thành công khi giảm tiền rác tính trên trọng lượng bao rác, và điều đó tạo sự hài lòng chung, ai cũng thấy công bằng.

Vậy bộ Tài nguyên Môi trường nên giữ quan điểm thu phí rác thải theo trọng lượng túi rác hay không, xin hãy hết sức lưu tâm!