VNHN - Chiều 23/2, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã họp báo công bố tình hình khống chế dịch Covid-19 cũng như công bố thành công bước đầu trong quá trình thử nghiệm vắc xin phòng bệnh này.
Tại Trung Quốc, các nhà khoa học nước này cho biết trong quá trình tiêm thử nghiệm kháng nguyên vi rút gây bệnh Covid-19, cơ thể chuột đã đáp ứng miễn dịch tốt, sinh ra kháng thể, hứa hẹn thành công bước đầu trong việc tạo vắc xin phòng dịch. Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc vi rút này qua 4 thế hệ. Vắc xin được tái tổ hợp trên vật dẫn, bắt đầu tiến hành từ việc nuôi cấy vi rút, hiện đang thử nghiệm trên động vật.
Theo các chuyên gia, thông thường trong vắc xin sẽ chứa hàm lượng nhất định kháng nguyên gây bệnh, khi tiêm vào động vật, nếu đáp ứng miễn dịch tốt sẽ sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó để bảo vệ cơ thể. Kết quả này hứa hẹn cho một vắc xin tốt.
Kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 9/2/2020.
Liên quan đến dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra hướng dẫn kỹ thuật. Theo đó, tên chính thức của vi rút nCoV là vi rút corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2, viết tắt SARS-CoV-2 (tiếng Anh: Severe acute respiratory syndrome coronavirus 2), còn tên dịch bệnh là Covid-19.
Theo WHO, tên chính thức của chủng mới của vi rút do Ủy ban quốc tế về phân loại vi rút (ICTV) đặt tên, căn cứ cấu trúc gene của loại vi rút này, qua đó tạo điều kiện phát triển các xét nghiệm chẩn đoán, thuốc và các loại vắc xin phòng chống. Lý giải về quyết định đặt tên này, ICTV cho biết vi rút nCoV có sự tương đồng về gene với vi rút corona gây dịch SARS năm 2003.
WHO khẳng định dù có sự liên quan, song hai vi rút hoàn toàn khác nhau. Trước đó, WHO và ICTV đã thống nhất Covid-19 là tên của dịch viêm đường hô hấp cấp bùng phát tại Trung Quốc, trong đó "Co" là viết tắt của corona, chữ "vi" là viết tắt của "virus" và "d" là viết tắt của "disease" (dịch bệnh).