20/05/2024 lúc 09:33 (GMT+7)
Breaking News

Thủ đoạn buôn bán người qua mạng xã hội

VNHNO - Theo thông tin được đưa ra trong Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 23/8 cho thấy: Ngày càng nhiều các đối tượng lừa đảo, lợi dụng trang mạng xã hội để buôn bán người trái phép.

VNHNO - Theo thông tin được đưa ra trong Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 23/8 cho thấy: Ngày càng nhiều các đối tượng lừa đảo, lợi dụng trang mạng xã hội để buôn bán người trái phép. 

Thực trạng đáng báo động

Tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá tình hình mua bán người trong thời gian gần đây ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra những bức xúc lớn trong dư luận, đa phần nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Theo ông Vương, đã có trên 37 địa phương tiếp nhận hơn 1 nghìn tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến mua bán người và toàn bộ tin tố giác đều được xác minh, xử lý. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 – 2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, với 2.035 bị can; đã kết luận điều tra, chuyển VKSND các cấp đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.

Nhiều phụ nữ bị lừa gạt bán sang nước ngoài

Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là gần 3.100 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Số nạn nhân đã trở về là 2.571 người, số nạn nhân chưa trở về là 519 người.

Còn trong 2 năm (2016 - 2018), toàn quốc phát hiện thêm 868 vụ mua bán người với hơn 2.300 nạn nhân. 

Thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi

Trước thực trạng mua bán người đáng báo động trên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm cho biết: Các đối tượng hoạt động thành đường dây, có tổ chức, xuyên quốc gia với những phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Các đối tượng lợi dụng tình cảnh của nạn nhân về khó khăn kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc sự quản lý lỏng leo của gia đình, nhà trường để lừa gạt. Các em sẽ bị đưa vào những quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc lừa bán sang Trung Quốc.

Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng tiếp cận nạn nhân một cách gọn nhẹ và nhanh chóng. Những "kẻ buôn người" sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, Wechat…), với tên giả, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên giới để lừa bán ra nước ngoài; lừa gạt thông qua các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi… 

Đơn cử, Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt tạm giam đối tượng Phạm Thanh Sang (sinh năm 1986, trú tại huyện Lai Vung) về hành vi lừa bán tới 7 phụ nữ sang Trung Quốc với cùng 1 thủ đoạn như trên.

Sự vào cuộc đồng bộ

Trên cơ sở ghi nhận những khó khăn và thách thức trước nạn buôn bán người qua mạng xã hội ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc và đưa ra những giải pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả.

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua, bán người, chủ động tiếp nhận thông tin một cách tỉnh táo và chọn lọc để tránh các đối tượng lôi kéo trên mạng xã hội, ...

Tăng cường chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Tiếp theo, Kiên quyết điều tra khám phá, xử lý nghiêm các vụ án mua bán người, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người có yếu tố nước ngoài, bắt, xử lý các đối tượng phạm tội. Trong quá trình đấu tranh cần kết hợp linh hoạt các biện pháp nhằm điều tra mở rộng vụ án, thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan để làm cơ sở xử lý đối tượng phạm tội; tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm các vụ mua bán người còn tồn đọng, cơ quan điều tra kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ chuyển Viện kiểm sát nhân dân truy tố, Tòa án nhân dân đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội.

Bên cạnh đó, Bộ Công an kịp thời chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cùng các ngành chức năng khác thực hiện có hiệu quả Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ. Đồng thời, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện Điều 119, 120 Bộ luật Hình sự để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Các lực lượng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ an ninh mạng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác Quốc tế, nhất là với Trung Quốc và các nước trong khu vực về phòng chống mua, bán người thông qua di cư trái phép và giải quyết các vấn đề nạn nhân bị mua bán liên quan hai biên giới.

Ngoài ra, tổ chức tốt các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội... tạo điều kiện giúp đỡ họ nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí cho các nạn nhân bị lừa bán, bố trí công ăn việc làm để họ ổn định cuộc sống./.